Nghề quăng chài trên phá Tam Giang

Từ lâu phá Tam Giang của huyện Quảng Điền không chỉ được biết đến bởi nhiều sản vật cá tôm mà còn bởi vẻ đẹp bình yên và hùng vĩ của một vùng trời nước mênh mông. Hiện nay, trên phá Tam Giang của huyện Quảng Điền đang lưu giữ trong mình nhiều nghề khai thác thủy sản truyền thống lẫn hiện đại. Trong đó đáng kể nhất là nghề quăng chài .

Phá Tam Giang huyện Quảng Điền có diện tích hơn 4000 ha. Hàng vạn cư dân của các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành và thị trấn Sịa sinh sống và khai thác nguồn lợi thủy sản với các loại nghề như: nò sáo, miệng đáy, lưới lừ, chuôm, đặc biệt là nghề quăng chài. Nghề chài trên phá Tam Giang không biết có từ bao giờ, những người làm nghề đầu tiên là ai thì đến nay chưa có một tài liệu nào nêu cụ thể. Ngược dòng nước chúng tôi đến điểm đầu tiên của phá Tam Giang đó là thôn Lai Hà xã Quảng Thái. Nơi đây 80% dân cư trong thôn sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Anh Phan Tê chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Thái dẫn chúng tôi đi thị sát trên vùng đầm phá mênh mông, vừa đi anh vừa nói; “Trước đây nghề quăng chài ở vùng này cũng khá nhiều, toàn thôn với 300 hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt nuôi trồng thủy sản, thì đã có đến 15 hộ làm nghề quăng chài. Nghề quăng chài vừa đòi hỏi sức khỏe, kỹ thuật điêu luyện và phải là người thâm niên với sông nước, đoán được vùng nào nhiều cá khi đó mẽ chài quăng ra mới đánh bắt được nhiều cá. Sau này khi các loại nghề hiện đại như lưới lừ, đánh bắt thủy sản bằng cào máy, rà điện ra đời đã đánh bắt các loại thủy sản theo kiểu tận diệt, số lượng thủy sản trên phá ngày càng bị cạn kiệt dẫn đến nhiều ngư dân đã bỏ nghề quăng chài”.

Chúng tôi đến nhà cụ Phan Diễn, một lão ngư thâm niên với sông nước Tam Giang, đã trên 80 tuổi với 65 năm làm nghề trên phá. Cụ tâm sự: Nghề chài trên phá Tam Giang nhiều và đa dạng. Tùy vào thủy vực và địa hình, tùy từng thời điểm… mà người dân chài khi thì đóng đăng đặt sáo, đặt lừ, khi giăng lưới, đóng đáy, bỏ chuôm hay cào hến…Riêng đối vơi nghề quăng chài phải am tường thủy triều, con nước, biết tập tính của từng loại cá loại tôm rồi phải biết nhìn gió, ngó trời khi nớ làm nghề mới có”.

Rời Quảng Thái, chúng tôi đến xã Quảng Lợi, tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, lúc này bà con đang chuẩn bị công việc để đi thả lưới lừ. Khi hỏi đến nghề quăng chài, anh Trần Vọng – Trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh cho biết: Nghề này trước đây trong thôn cũng có trên 5 hộ tham gia nhưng hiện nay chỉ còn lại 1 hộ duy nhất. Tìm hiểu kỹ mới biết đó là do nghề này đòi hỏi sức khỏe, có kinh nghiệm mới đánh bắt được tôm cá. Nhưng hiện nay thế hệ trẻ chủ yếu tập trung vào nghề lưới lừ, lãng quên nghề quăng chài. Anh Vọng cho biết thêm: 3 năm trở lại đây khi được giao quyền khai thác mặt nước tình trạng đánh bắt lộn xôn trên địa bàn xã Quảng Lợi không còn, đây là điều kiện quan trọng để ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh nói riêng xã Quảng Lợi nói chung phát triển nghề quăng chài.

Theo số liệu thống kê hiện nay có 10 hộ dân trên địa bàn huyện và một số người dân của các huyện Phú Vang, thành phố Huế làm nghề quăng chài. Cuộc sống của những ngư dân này cứ tháng ngày theo đuôi con cá, con tôm để mưu sinh cùng sông nước. Theo anh Trương Tường một ngư dân chuyên sống bằng nghề quăng chai ở thôn Phước Lý xã Quảng Phước: Ngư nghiệp cũng gần như tiểu thương vậy, ai giàu có thì đầu tư lớn, lợi nhuận cao. Trước đây bà con ngư nghiệp ai có vốn thì làm vài ba trộ sáo, hiện nay thì làm hồ nuôi tôm sú, người dân chúng tôi gọi là “đại nghệ” . Còn dân nghèo như chúng tôi chỉ làm nghề di động, theo nghề quăng chai có khi cả tháng không về nhà, chỉ lênh đênh trên con đò. Về mùa mưa to gió lớn thì không thể quăng chài được, bữa thiếu, bữa no rất vất vả, nhưng càng ngày càng vất vả hơn, bỡi lẽ hiện nay nhiều đối tượng dùng xung điện, dã cào để khai thác thủy sản, sản lượng dần bị cạn kiệt. Dù khó nhưng cùng phải bám nghề chứ biết làm nghề gì khác hơn.

Tin tưởng rằng sau khi lập lại trật tự đánh bắt nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang, sẽ tạo điều kiện cho nghề quăng chài, một nghề truyền thống của cư dân vùng sống nước không bị mai một, tạo nên nét đẹp của vùng quê sông nước Quảng Điền.

Công Cường

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email