Nghề làm lọng đèn xứ Huế

Lọng đèn là sản phẩm có vai trò quan trọng trong các lễ nghi thờ cúng xưa nay của người Việt. Lọng đèn được sử dụng trong cung đình cho đến trong dân gian với nhiều chức năng khác nhau mỗi khi có rước thần, lễ hội, lễ tế cáo trời đất, lễ Phật, cưới hỏi, tang ma. Và lọng đèn còn sử dụng trưng bày trong các đình chùa, từ đường họ phái, đền, am điện. Hiện tại ở Huế vẫn còn lưu giữ và truyền nghề làm lọng đèn trong đó cơ sở Hoàng Ngọc Tuyên là vẫn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề khó khăn này.

Cơ sở sản xuất Lọng đèn Ngọc Tuyên của Nghệ nhân ưu tú Hoàng Ngọc Tuyên, tại địa chỉ số 14/289 đường Bùi Thị Xuân, Phường Đúc, thành phố Huế. Là một cơ sở nổi tiếng, có thâm niên hàng chục năm trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, chủ lực là lọng đèn mang đặc trưng của Huế.

Được biết, để hoàn thành một chiếc lọng hay tán, đèn phải trải qua hàng chục công đoạn đòi hỏi tính tỉ mỉ cao, sự kỳ công và lòng đam mê. Làm lọng đèn và tán lọng để không bị sệ, sụp là điều rất khó. Khung và thân lọng khi giăng hoặc gập phải nhẹ nhàng, đều đặn đẹp mắt. Nan lọng làm bằng tre, lồ ô hoặc nứa tươi, được chọn lựa và xử lí kỹ, rồi khoan lỗ, uốn cong bởi hơi lửa. Theo Nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên thì đây là khâu quan trọng nhất, người thợ phải kết hợp sự khéo léo của đôi bàn tay, uốn phải đúng kỹ thuật, cộng với điều chỉnh độ nóng của lửa sao cho hợp lý để làm cong đoạn tre. Tất cả phải tính toán về kỹ thuật và khi chọn vật liệu tre, nứa, gỗ. Các nguồn nguyên liệu này được mua về từ núi rừng A Lưới, Đắckrông, Hướng Hóa cho nên chất liệu sản phẩm rất bền, tốt, không có mối mọt.

Công đoạn làm lọng đèn

     Lọng đèn Ngọc Tuyên có ưu điểm là cán của lọng được làm bằng gỗ, sơn đỏ, chạm trổ tinh vi, có rồng bay, phượng múa, tua vải với các màu xanh, đỏ, vàng, áo lưới màu vàng, đỏ trông bắt mắt. Độ bền của lọng đèn xứ Huế phù hợp với thời tiết nắng mưa dài ngày của Huế cho nên những vùng miền khác khi đặt cơ sở làm lọng đèn họ rất yên tâm. Trong thời gian tới Nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ góp phần bảo tồn nghề truyền thống không chỉ cho gia đình mà còn cho cả Huế.

Ngày trước, các công đoạn để làm lọng, tán đều bằng tay, sản phẩm làm ra không nhiều. Nhưng sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm, ông Hoàng Ngọc Tuyên đã nghiên cứu và chế tạo ra một số máy như khoan, dập, bào, tách…đưa vào ứng dụng, hoạt động. Nhờ đó mà năng suất sản phẩm tăng rất nhiều lần so với trước đây. Mỗi ngày, cơ sở Ngọc Tuyên sản xuất được hàng chục cặp lọng đèn và các mặt hàng lưu niệm khác nhưng lọng thì chỉ có trên 5 cặp/ngày, bởi đây là sản phẩm công phu, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Một cặp lọng tùy độ công phu có giá dao động từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng.

Không chỉ chuyên về lọng, tán, Nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên còn chế tác các loại đèn trang trí bằng mô hình là những ngôi tháp, ngôi chùa và các mặt hàng lưu niệm bằng tre, nứa, gỗ rất tinh xảo, có giá trị cao về nghệ thuật thẩm mỹ. Các sản phẩm này đã được đánh giá cao tại các cuộc thi, hội thi hàng thủ công mỹ nghệ ở Trung ương, địa phương và các tỉnh thành khác. Điển hình, sản phẩm Cá chép lồng, đạt giải xuất sắc tại Hội chợ Làng nghề truyền thống Việt Nam – ASEAN 2005; Các sản phẩm Cối giã gạo dân tộc, Xe xích lô, Đèn ngủ có lọ hoa, Công cụ phân loại thóc, Xe đạp nước, Đèn chùm – Sản phẩm tiêu biểu trong Hội thi Sản phẩm Thủ công lần thứ tư năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sản phẩm Túi xách nữ – đạt giải Khuyến khích trong Hội thi sản phẩm Thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm phục vụ du lịch Huế năm 2008.

Bên cạnh đó, các mẫu đèn như đèn hoa sen, đèn lồng, đèn kéo quân của cơ sở Ngọc Tuyên cũng đã nhiều lần tham gia những lễ hội lớn như lễ Phật đản, lễ Tế Nam Giao,…Trải qua trên 30 năm tồn tại và phát triển, hiện nay cơ sở làm lọng và lồng đèn của nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng ở trong Nam, ngoài Bắc như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Lâm Đồng và Nam Bộ, đồng thời các sản phẩm của ông cũng đã có mặt ở nhiều hội chợ, triển lãm trong nước, quốc tế và được nhiều người biết đến.

Với các mặt hàng của cơ sở Lọng đèn Ngọc Tuyên tham gia trong các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế thì sản phẩm từ tre luôn tạo cảm giác bình yên cho bất cứ không gian nào được trang trí. Với chất liệu là cây tre, nứa gần gũi, đã đi vào tiềm thức, tâm khảm của người Việt; cộng với những chiếc lọng đèn được thêu những hình ảnh về quê hương, đất nước…, thì cơ sở Ngọc Tuyên không chỉ đơn thuần đậm chất nghệ thuật mà còn tạo được sự độc đáo và vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Ngoài sản phẩm chủ lực là lọng đèn như lâu nay thì có các sản phẩm mới đều làm bằng tre là: Mô hình tháp Linh Mụ; Xe đạp nước; Cối giã gạo của dân tộc miền núi; Guồng đưa nước; Chùa Một Cột…nhằm đáp ứng thị hiếu, quà lưu niệm của khách hàng, cũng như quảng bá cho lễ hội nghề.

Nói đến tương lai, Nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên tự hào và yên tâm vì có những người con đang nối nghiệp. Và cơ sở cũng đã giải quyết việc làm cho người dân địa phương với 15 lao động có mức thu nhập từ 2 đến 5 triệu đồng.

Kể từ khi lần đầu tiên tham gia Festival Huế 2002 đến nay thì ông Hoàng Ngọc Tuyên luôn háo hức được trưng bày sản phẩm của mình nhằm quảng bá cho du khách thập phương biết đến nghề truyền thống này. Cơ sở Lọng đèn Ngọc Tuyên luôn nhận lời tham gia các hội chợ có không gian triển lãm dành cho làng nghề, sản phẩm truyền thống tại Huế và các tỉnh với tinh thần và mong muốn giới thiệu đến bạn bè về đặc sản làng nghề của Huế

Có thể nói, cùng với các làng nghề, cơ sở nghề truyền thống khác, cơ sở sản xuất Lọng đèn Ngọc Tuyên đã góp thêm những sản phẩm màu sắc rực rỡ, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế, quan trọng hơn là quảng bá thương hiệu cho lọng đèn xứ Huế đến du khách thập phương.

KHÁNH PHONG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email