Ký kết hợp đồng sản xuất và phát triển chế phẩm sinh học Pseudomonas

Ngày 26/5, Trường Đại học Nông Lâm Huế và Công ty Cổ phần Bình Điền – MeKong đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng sản xuất và phát triển chế phẩm sinh học Pseudomonas.

Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu do PGS.TS. Trần Thị Thu Hà chủ nhiệm đề tài đã được phê duyệt thực hiện trong 2 năm 2011 và 2012, đã được nghiệm thu và xếp loại tốt trong năm 2013. Sau 2 năm thực hiện, nhóm tác giả đã nghiên cứu và ứng dụng thành công trong việc phòng và điều trị bệnh chết nhanh (hay còn gọi là bệnh thối gốc, rễ) trên cây hồ tiêu. Đây là giải pháp được ứng dụng thử nghiệm trên nhiều vườn hồ tiêu tại Quảng Trị, Đăklăk …cho kết quả rất cao. Đề tài này đã được trao giải nhất Giải thưởng Khoa học Công nghệ năm 2014 của tỉnh Thừa Thiên Huế và giải Khuyền khích Giải thưởng Vifotec 2014.

Giải pháp này dùng vi khuẩn ức chế nấm gây bệnh chết nhanh, dùng vi khuẩn Pseudomonas được phân lập từ rễ cây hồ tiêu – là vi khuẩn có khả năng ức chế nấm gây bệnh chết nhanh Phytophthora capsici để phòng bệnh cho cây tiêu. Được xem là giải pháp đột phá cho kết quả rất cao (giảm tỷ lệ cây chết vì bệnh từ 15 đến 30%, tăng tỷ lệ cây sống khi dùng chế phẩm này xử lý hom tiêu giống lên đến trên 90%, tức cao hơn rất nhiều lần so với các phương pháp khác. Đặc biệt là chế phẩm sinh học Pseudomonas rất dễ sử dụng.

Lễ ký kết mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển của trường Đại học Nông Lâm Huế và Công ty Cổ phần Bình Điền – Mekong trong việc ứng dụng tiến bố khoa học kỹ thuật vào thực tiễn. Công ty Cổ phần Bình Điền – Mekong đã cam kết đưa chế phẩm này vào sản xuất với quy mô lớn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và mang lại lợi ích thực tế cho bà con nông dân.

Doãn Quan

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email