Ngày 27 và ngày 28/4/2010, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam diễn ra tại thủ đô Hà Nội với sự tham gia của 677 đại biểu, đại diện cho 125 hội thành viên gồm 70 hội khoa học và kỹ thuật ngành toàn quốc, 55 Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thay mặt cho 1,8 triệu hội viên trong cả nước và các đại biểu đại diện các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam.
Đại hội thông qua Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ V và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VI, Chiến lược phát triển Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam giai đoạn 2010-2020 cùng nhiều văn bản quan trọng khác.
Đại hội bầu ra Hội đồng Trung ương khóa VI gồm 144 ủy viên. Hội đồng Trung ương bầu Đoàn Chủ tịch gồm 23 ủy viên, trong đó GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh được bầu làm Chủ tịch, PGS.TS Hồ Uy Liêm, TS. Vũ Ngọc Hoàng, TS.Trần Việt Hùng được bầu làm Phó Chủ tịch, TS. Phạm Văn Tân được bầu làm Tổng Thư ký. Ủy ban kiểm tra gồm 9 ủy viên do TS.Trần Việt Hùng làm Chủ nhiệm.
Sau khi PGS. TS Hồ Uy Liêm nhận quyết định nghỉ hưu, tại cuộc họp Hội đồng Trung ương lần thứ 3 khóa VI ngày 30 tháng 5 năm 2012, các ủy viên Hội đồng Trung ương đã thống nhất bầu bổ sung TS. Phạm Văn Tân làm phó chủ tịch, kiêm tổng thư ký và TS. Phan Tùng Mậu làm phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tại nhiệm kỳ VI, Liên hiệp Hội Việt Nam xác định việc củng cố, phát triển tổ chức và hướng mạnh các hoạt động về cơ sở là nhiệm vụ quan trọng. Tính đến hết năm 2014, Liên hiệp hội có 140 hội thành viên, trong đó có 63 liên hiệp hội tỉnh, thành phố và 77 hội ngành toàn quốc. So với đầu nhiệm kỳ, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tăng 15 hội thành viên, trong đó tăng 8 Liên hiệp hội địa phương và 7 hội ngành toàn quốc. Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam tích cực thúc đẩy việc thành lập đảng đoàn ở các liên hiệp hội địa phương, đến nay đã có 48 liên hiệp hội tỉnh, thành phố và 01 hội ngành toàn quốc có đảng đoàn, tăng 11 đảng đoàn so với nhiệm kỳ trước. Hầu hết các liên hiệp hội địa phương đều có các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc cấp ủy địa phương, việc phát triển hội thành viên cũng tăng lên nhanh chóng (1.289 hội). Liên hiệp Hội Việt Nam chú trọng việc thành lập các tổ chức KH&CN. Tổng số hội viên của toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có trên 2,8 triệu người, tăng thêm gần một triệu so với nhiệm kỳ trước. Nhiều thay đổi về số lượng và chất lượng được thể hiện rõ.
Về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu lần thứ nhất Lần thứ nhất LHH tỉnh Tuyên Quang
Nhiệm kỳ VI cũng chính là thời gian Liên hiệp Hội Việt Nam tiến hành triển khai giai đoạn 1 Chiến lược phát triển Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Đến nay, Liên hiệp hội đang tiến hành đánh giá kết quả 5 năm đầu triển khai Chiến lược này.
Trong 5 năm (2010-2015), Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt vai trò thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Liên hiệp hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức, vận động trí thức KH&CN thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo, tạo điều kiện để các tổ chức KH&CN trực thuộc tham gia công tác phát triển cộng đồng, kịp thời biểu thị thái độ chính trị trước những sự kiện lớn ở trong và ngoài nước… Liên hiệp hội tiến cử các nhà khoa học có uy tín tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Các đại biểu đã phát huy được tốt vai trò của mình, khẳng định được tài năng và bản lĩnh góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam.
Hoạt động thông tin và phổ biến kiến thức KH&CN là nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội Việt Nam. Thông qua gần 400 tờ báo, tạp chí, bản tin, trang tin điện tử và nhà xuất bản, Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN trong nhân dân góp phần vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, giáo dục và đào tạo, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ sức khỏe nhân dân… Cổng thông tin điện tử trang web www.vusta.vn. được khai thác hiệu quả. Nhờ vậy thông tin được đưa nhanh hơn, đầy đủ và rộng rãi về các mặt hoạt động của hệ thống Liên hiệp hội. Số lượng lớn các loại sách chuyên ngành, sách tham khảo, tài liệu, tờ rơi được xuất bản nhằm phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Hoạt động tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, dự án luật quan trọng của Đảng và Nhà nước, các dự án đầu tư trọng điểm ảnh hưởng lớn đến xã hội và nhiều dự thảo văn bản quan trọng khác được đẩy mạnh. Đến nay, đã có 33 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố tham gia thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội với hàng trăm dự án của địa phương và đã có những đóng góp thiết thực trong công tác tham mưu, tư vấn, phản biện với tỉnh ủy, ủy ban nhân dân về quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát triển tổng thể kinh tế- xã hội, bảo vệ an ninh và triển khai những dự án lớn của địa phương. Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đã cử nhiều chuyên gia tham dự các đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội về một số đề án, dự án quan trọng thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Quốc hội.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Từ năm 2010 đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam ở Trung ương và địa phương, mỗi năm triển khai hàng trăm đề tài nghiên cứu từ cấp Nhà nước, cấp bộ, ngành đến cấp tỉnh, thành phố với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Các đề tài, dự án nghiên cứu mang tính ứng dụng cao và được áp dụng vào thực tiễn. Các hội ngành toàn quốc và các Liên hiệp hội địa phương chú trọng tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo khoa học ở các mức độ khác nhau tác động tích cực đến công tác tập hợp trí thức KH&CN, góp phần vào sự phát triển của KH&CN nước nhà.
Các hoạt động xã hội hóa của Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng thiết thực và có hiệu quả, tạo được uy tín đối với các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Những kết quả tích cực về xóa đói, giảm nghèo, tập hợp được nhiều trí thức KH&CN tham gia hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn trí thức trẻ đều được ghi nhận. Nhiều tổ chức, cá nhân đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khen thưởng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tổ chức KH&CN ngoài công lập. Hoạt động tôn vinh trí thức cùng nhiều hoạt động khác đã gặt hái được nhiều thành tựu làm nên thành công chung trong nhiệm kỳ VI của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Theo vusta.vn