Hai năm một lần vào các năm chẵn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ. Thông qua Giải thưởng, các công trình khoa học công nghệ được giới thiệu và ứng dụng vào thực tế đời sống.
Trong những năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Khoa học Công nghệ, Liên đoàn Lao động, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế và các sở ban, ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thi đua sáng tạo, như: Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng; Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ. Qua 6 lần tổ chức, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ, nhận được hơn 230 công trình tham dự và trao giải cho 128 công trình khoa học công nghệ. Các công trình đoạt giải thực sự tạo được tiếng vang lớn, góp phần động viên phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ trong đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật. Các công trình đoạt Giải thưởng đã góp phần giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn, khẳng định tài năng, sức sáng tạo của đội ngũ khoa học tỉnh Thừa Thiên Huế. Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ đã từng bước khẳng định được uy tín trong lĩnh vực sáng tạo khoa học công nghệ và được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Điều đáng nói là giải thưởng không chỉ thuộc về các tác giả có năng lực chuyên môn trên lĩnh vực phụ trách, mà còn là những cá nhân có thể chưa hiểu đầy đủ khái niệm “khoa học”, song họ có niềm đam mê sáng tạo và đã tạo ra những sản phẩm hữu ích. Nếu giải thưởng là minh chứng cho sự sáng tạo tại một thời điểm, thì việc ứng dụng để tạo ra các giá trị cao hơn trong cuộc sống lại quyết định đến sự tồn tại, cũng như tính đúng đắn của các giải pháp ấy. Cho nên, để tạo ra thanh nam châm thu hút trí tuệ cộng đồng trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, không chỉ cần tuyên truyền, động viên, khuyến khích họ mà các cấp, ngành còn phải đề ra nhiều giải pháp thực sự khả thi…
Lễ tổng kết và trao giải Giải thưởng Sáng tạo Khoa hoa học Công nghệ lần thứ VI – năm 2014
Trong y học, nhiều công trình và đề tài nghiên cứu tham gia thưởng đã được ứng dụng rộng rãi và khẳng định được tầm quan trọng của ứng dụng vào thực tiễn y khoa. Trong đó phải kể đến đề tài “Nghiên cứu ứng dụng điện tâm đồ nội mạch vành trong đánh giá hiệu quả can thiệp động mạch vành qua da” của Tiến sỹ Hoàng Anh Tiến, Trường Đại học Y Dược Huế. Để đánh giá hiệu quả của can thiệp động mạch vành qua da người ta thường dùng nội soi lòng mạch vành; đánh giá hình thái của động mạch vành sau can thiệp bằng đặt stent hoặc dùng FFR (lưu lượng dự trữ vành); đánh giá lưu lượng máu trước và sau chỗ can thiệp bằng đặt stent, tuy nhiên hai kỹ thuật này khó trang bị do tính phức tạp của hệ thống cũng như giá thành rất cao. Bên cạnh đó, chụp động mạch vành không đánh giá chức năng của hệ động mạch vành vì vẫn tồn tại nhiều trường hợp chụp động mạch vành bình thường nhưng lưu lượng mạch vành đã giảm đi. Chính vì vậy, dùng điện tâm đồ nội mạch vành là một giải pháp mới có hiệu quả về mặt kinh tế và kỹ thuật trong đánh giá hiệu quả của can thiệp động mạch vành qua da. Đo điện tâm đồ nội mạch vành chỉ cần hệ thống đo điện tâm đồ 3 chuyển đạo, cùng microguidewire dẫn tín hiệu từ lòng mạch vành đến máy đo điện tâm đồ kết hợp hệ thống chụp mạch vành bằng máy DSA có sẵn. Bên cạnh đó, kỹ thuật yêu cầu không quá phức tạp với nguyên lý dẫn tín hiệu từ lòng động mạch vành đến chuyển đạo diện tâm đồ. Vì thế, kỹ thuật này có thể áp dụng hầu hết các cơ sở y tế đã được trang bị máy chụp mạch vành bằng DSA nên khả năng áp dụng thực tế rất cao.
Ban tổ chức Giải thưởng cho biết: Giải thưởng ngày càng góp phần thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của quần chúng trong việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Nó đã trở thành “cái nôi” của phong trào lao động sáng tạo. Giải thưởng không chỉ vinh danh các tác giả đoạt giải mà còn góp phần hướng phong trào lao động sáng tạo ngày càng phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vì vậy, việc tổ chức Giải thưởng có ý nghĩa hết sức thiết thực trong vấn đề đưa khoa học đến gần hơn với cuộc sống.
Nói đến hiệu quả trong công tác ứng dụng các đề tài này vào thực tiễn cuộc sống phải kể đến những đề tài như đề tài: nghiên cứu sản xuất que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma Gondii ở người và gia súc; nghiên cứu chế biến khẩu phần thức ăn chứa tinh bột củ mài trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân đái tháo đường tipe 2…Hay như việc ứng dụng công nghệ nano vào đời sống đang ngày càng được đánh giá cao. Theo TS. Trương Văn Chương – Khoa Vật lý Trường ĐHKH Huế: “Công nghệ nano đang ngày càng có những ứng dụng quan trọng. Hiện đã có hàng trăm sản phẩm của công nghệ nano được thương mại hóa, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như điện tử, hóa học, y sinh, môi trường…Chúng tôi đã chế tạo và ứng dụng dung dịch bạc nano để sản xuất khẩu trang có chức năng diệt khuẩn, dung dịch khử mùi diệt khuẩn, dung dịch vệ sinh phụ nữ,…Với màng lọc có nano bạc, chúng tôi còn thử nghiệm ứng dụng chế tạo dụng cụ lọc đơn giản giúp người dân vùng lũ tự lọc nước sạch để uống.
Theo Ban tổ chức, năm nay Giải thưởng được xét và trao cho các công trình thuộc 07 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông; Cơ khí và tự động hóa; Sinh – y học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ vật liệu; Công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới; Khoa học xã hội và nhân văn. Ban tổ chức sẽ bắt đầu tiếp nhận hồ sơ tham gia từ ngày ra thông báo đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2014.
Hoàng Anh