Đặc điểm về đá Ốp lát và khoáng chất Felspat tỉnh Thừa Thiên Huế

     Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế các loại khoáng sản rất đa dạng và phong phú đặc biệt là đá Ốp lát và khoáng chất Felspat.

          1. Đá ốp lát

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, các đá magma có diện phân bố khoảng hơn 1.000 km2, trong đó các đá thuộc phức hệ Hải Vân, Bà Nà có khả năng làm đá xây dựng và đá ốp lát. Các đá magma có khả năng làm đá xây dựng và ốp lát phân bố nhiều nơi, nhưng tập trung thành các khối lớn là: Khe Băng, Bình Điền, Bến Tuần (thị xã Hương Trà), Hải Vân (khu vực đèo Hải Vân). Ngoài mỏ ốp lát gabro Phú Lộc đã được đánh giá tiềm năng và xác định là loại đá ốp lát chất lượng tốt, các khối còn lại do mức độ điều tra còn sơ lược nên việc xác định đá có khả năng làm đá xây dựng hay đá ốp lát còn mang tính định tính.

Mỏ gabro ốp lát Phú Lộc, thuộc xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Đá gabro màu đen, xám đen, phớt lục, thỉnh thoảng có điểm ít hạt màu xám trắng phân bố đều trên mặt đá, tạo cho đá có màu xám hài hoà, đôi nơi chúng phân bố thành từng chùm nhỏ kiểu hoa dâu, khi mài láng tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy. Đá ít nứt nẻ, độ nguyên khối cao, có thể khai thác được các khối có thể tích 5 ÷ 10 m3, ở phần sâu đã khống chế bằng công trình khoan 25 mét, chất lượng đá vẫn ổn định, độ nguyên khối đạt 83%. Các chỉ tiêu kỹ thuật: độ kháng nén, độ bóng, tính trang trí, sức tô điểm…, đều đảm bảo đủ yêu cầu sản xuất đá trang lát. Mỏ có vị trí giao thông thuận lợi. Ngoài mỏ Phú Lộc, trong các khối khác như: Bến Tuần, Hải Vân, Nam Đông có thể khảo sát, thăm dò được các khu vực có chất lượng đạt tiêu chuẩn làm ốp lát.

 2. Khoáng sản felspat

Felspat còn gọi là trường thạch, là nguyên liệu chiếm tỷ lệ từ 15 – 30% trong sản xuất sứ gốm. Felspat có vai trò hạ thấp nhưng mở rộng khoảng nhiệt độ nung của sứ làm cho sản phẩm ít bị biến hình, đồng thời làm cho sứ có độ trong, độ bóng và tăng khả năng bám men. Felspat còn làm cho xương sứ gốm khi nóng chảy có khả năng hoà tan thạch anh, kaolin và các tạp chất khác, giúp cho sản phẩm giảm rạn nứt khi nguội.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện được các điểm áp lít chứa felspat phân bố ở các huyện A Lưới, thị xã Hương Trà, dọc theo đường quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh. Felspat có chất lượng tốt, quy mô khá, điều kiện khai thác và giao thông không thuận lợi.

– Điểm quặng felspat Phú Vinh – La Dứt: Điểm quặng kéo dài hơn 12 km từ thôn Bốt Đỏ, xã Phú Vinh đến La Dứt, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới. Trong diện tích điểm quặng đã phát hiện được 62 mạch aplit chứa felspat, phần trên mặt bị phong hoá thành kaolin. Thành phần hoá học trung bình của các thân mạch (%) SiO2: 71,48; Al2O3: 15,97; Fe2O3: 0,91; K2O: 3,34; Na2O: 4,85; CaO: 0,93; TiO2: 0,11; mất khi nung: 1,6. So với TCVN – 6598 – 2000 thì nhiều thân mạch aplit có thể làm phối liệu xương sứ gốm.

– Điểm quặng felspat Hồng Tiến: Điểm quặng thuộc xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà, cách thành phố Huế 30 km về phía tây theo đường quốc lộ 49. Điểm quặng có 8 mạch aplit chứa felspat có chiều dài 300 – 1.000m, dày 5 – 20m; mạch lớn nhất dài 1.500m, dày 25m; thành phần hoá học trung bình (%) SiO2: 75,32; K2O : 4,26; Na2O: 3,29; CaO: 0,29; MgO: 0,39;  Fe2O3: 0,61; Al2O3: 13,18; TiO2: 0,05; MnO: 0,01; P2O5: 0,0; mất khi nung: 2,26. Đây là điểm quặng có chất lượng tốt (tổng kiềm > 7,5%), rất có triển vọng.

– Điểm quặng felspat Bình Điền: Điểm quặng thuộc xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, cách thành phố Huế 20 km về phía tây dọc theo đường quốc lộ 49. Điểm quặng có 7 mạch áp lit chứa felspat nhưng có ý nghĩa nhất là mạch số 1. Mạch có chiều dài 350m, do dạng mạch nằm kẹp trong đá granít trắng phớt xanh, hạt mịn, rắn chắc. Kết quả phân tích hoá học trung bình (%) SiO2: 73,74; F2O3: 0,4; K2O: 5,66; Na2O: 1,59; CaO: 0,83; MgO: 0,13; Al2O3: 19,18; mất khi nung: 1,64.

BÙI THẮNG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email