Nghiên cứu và phát triển một số chế phẩm sinh học từ các loài thực vật bản địa thay thế hóa chất bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp

Trạng thái đề tài:

Lĩnh vực: Nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường

Hoạt động: Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật

Năm: 2024

Ngày nộp đề tài: 27/10/2024

Thông tin nhóm tác giả

Tên tác giả / nhóm tác giả: 1. Nguyễn Thị Ái Nhung (chủ nhiệm), 2. Nguyễn Thị Thanh Hải (đồng chủ nhiệm), 3. Nguyễn Văn Cơ (đồng chủ nhiệm), 4. Trần Quang Huy (đồng chủ nhiệm), 5. Nguyễn Thị Thu Thủy, 6. Nguyễn Đại Châu, 7. Bùi Quang Thành. 8. Nguyễn Vĩnh Phú.

Đơn vị công tác của chủ nhiệm: Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

Địa chỉ cơ quan của chủ nhiệm: 77 Nguyễn Huệ, phường Phú Nhuận, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế

Tính mới của giải pháp

- Lần đầu tiên khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên từ các loài thực vật bản địa phân bố rộng, sản lượng lớn, dễ kiếm, dễ khai thác và bảo tồn do đó giá thành rẻ, có thể thu hái thường xuyên nên có khả năng đáp ứng sản lượng theo nhu cầu sản xuất và sử dụng. - Đề tài không chỉ có tiềm năng ứng dụng cao trong thực tiễn mà còn góp phần nâng cao giá trị kinh tế và khoa học, tạo sản phẩm mang tính đặc trưng, độc đáo của địa phương, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp địa phương và quốc gia. - Trước đây chưa có quy trình bài bản điều chế và bảo quản chế phẩm sinh học từ các loài thực vật bản địa kháng sâu bệnh hại và kích thích sinh trưởng trên cây trồng. - Sử dụng dung môi ethanol 70 % là dung môi an toàn, không độc hại, có thể tách chiết triệt để với hiệu suất cao. - Sản phẩm giúp diệt và phá bỏ môi trường sống của các loại sâu và nấm bệnh, đặc biệt không gây hiện tượng kháng thuốc. - Các chế phẩm sinh học từ thực vật bản địa KH2022-1, KH2022-2, NH2024 có khả năng kháng sâu, bệnh hại trên cây trồng, có thể thay thế các hóa chất bảo vệ thực vật góp phần tạo sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. - Đề tài hướng tới việc phát triển nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người, khuyến khích và nâng cao ý thức của người dân sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.

Tính sáng tạo

Chế phẩm sinh học với quy trình bào chế đơn giản, sử dụng các nguyên liệu sẵn có, dễ tìm, chi phí thấp, do đó có thể dễ dàng ứng dụng từ các cơ sở sản xuất nhỏ đến quy mô công nghiệp ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời quy trình sử dụng chế phẩm đơn giản, an toàn nên người nông dân có thể dễ dàng tiếp cận với sản phẩm để ứng dụng trong sản xuất. Các kết quả của để tài sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động trồng và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong vấn đề cung cấp các sản phẩm hoa màu (rau má, ớt, hành lá, đậu bắp, ...) sạch theo tiêu chuẩn định hướng hữu cơ. Việc sử dụng các chế phẩm có hoạt tính sinh học cao chiết xuất từ các loài thực vật bản địa có khả năng kháng sâu bệnh hại trên cây hoa màu, ứng dụng trong bảo vệ nông sản trước và sau thu hoạch, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Vì vậy, sản phẩm của đề tài đã được áp dụng thực tế trên các mô hình đồng ruộng và đang trong giai đoạn thử nghiệm tại các tổ chức/doanh nghiệp về nông nghiệp như: + Phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Quảng Điền; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Điền. + Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Quảng Thọ II, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. + Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Hương Long Saemaul, phường Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. + Công ty Olam Việt Nam – chi nhánh Gia Lai chuyên về sản xuất phân bón vi sinh phục vụ trồng một số cây hoa màu.

Hiệu quả kinh tế xã hội

Đề tài mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế - xã hội và môi trường như: - Cung cấp giải pháp phát triển kinh tế địa phương thông qua việc áp dụng chế phẩm sinh học thay thế hóa chất bảo vệ thực vật trên cây hoa màu, tăng giá trị nông sản, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp. - Giảm thiệt hại do sâu, bệnh hại trên cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp và cải thiện đời sống nông dân cũng như cộng đồng xã hội. - Tối ưu hóa việc khai thác nguồn thực vật sẵn có, thúc đẩy sử dụng tài nguyên của địa phương hiệu quả, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. - Giảm việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường và hạn chế tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. - Nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao, tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email