Kể từ năm 1993, Liên hiệp quốc (LHQ) đã ra nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới và lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Nước thế giới để phản ánh những vấn đề khác nhau về nước. Đây là một sự kiện quốc tế được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của người dân trên khắp thế giới để thấy được tầm quan trọng của tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước sạch và góp phần tăng cường quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.
Chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2021 được LHQ chọn là “Giá trị của nước” (Valuing Water) nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị của tài nguyên nước về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội. Ngoài các vấn đề về giá cả, chủ đề này còn bao gồm các giá trị về môi trường, xã hội và văn hóa mà con người đặt ra đối với nước. Qua đó kêu gọi cộng đồng thế giới tăng cường các giải pháp hiệu quả bảo vệ nguồn nước trước áp lực của các hoạt động phát triển và biến đổi khí hậu.
Tranh cổ động Ngày nước Thế giới năm 2021 (Nguồn: Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc – FAO
Hiện nay còn khoảng 2,2 tỷ người, chiếm hơn 28% dân số trên tổng dân số toàn thế giới (ước khoảng 7,825 tỷ người vào năm 2020) đang sống trong tình trạng không được tiếp cận với nước an toàn, khan hiếm nước. Cùng với việc tiếp cận về điều kiện vệ sinh, tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng – điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Trên thực tế, giá trị của nước cao hơn nhiều so với giá cả của nó. Nước có giá trị to lớn đối với mỗi cá nhân và hộ gia đình, thực phẩm, văn hóa, sức khỏe, giáo dục, kinh tế và sự toàn vẹn của môi trường tự nhiên. Nếu không có sự hiểu biết toàn diện về giá trị của nước, chúng ta sẽ không thể bảo vệ nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng và hữu hạn này vì lợi ích lâu dài của nhân loại. Chúng ta không thể đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ (Millennium Development Goals) trong khi rất nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn. Do vậy, các quốc gia cần phải có những hành động mang tính toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu với trọng tâm cốt lõi là thúc đẩy các hành động để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững 6: “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030”.
Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên lễ kỷ niệm Ngày Nước Thế giới tại LHQ sẽ được diễn ra theo hình thức trực tuyến. Dự kiến có sự tham dự của các tổ chức như FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp), Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (The International Fund for Agricultural Development – IFAD), UN-Water… cùng với những khách mời đặc biệt từ Senegal, Ý, Tajikistan, Hà Lan, Colombia, Tây Ban Nha, Tanzania, Thụy Điển… và đại diện của các tổ chức chính phủ, nhà nghiên cứu từ nhiều nơi trên thế giới. Cũng vào ngày 22/3, LHQ sẽ chính thức công bố Báo cáo Phát triển Nguồn nước năm 2021, trong đó tập trung vào việc đưa ra các chiến dịch, khuyến khích về chính sách cho các nhà hoạch định về nước trên toàn thế giới. Ban tổ chức sự kiện Ngày Nước thế giới 2021 kêu gọi mọi người bất kể thành phần xã hội, giới tính, tuổi tác, tôn giáo… cùng nhau thực hiện thử thách đi bộ hoặc chạy để hoàn thành 40.075 km tương đương với chu vi của Trái Đất trong vòng 7 ngày từ ngày 16 – 23/3/2021 nhằm biểu thị sự đoàn kết, quyết tâm cùng xây dựng một cộng đồng sử dụng tiết kiệm nước toàn cầu.
Ảnh: Thủy lợi hồ Truồi tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ là công trình đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt mà còn là điểm du lịch được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp “nên thơ” cùng Thiền viện Trúc Lâm – Bạch Mã nằm ở thấp thoáng giữa hồ, dưới chân dãy Bạch Mã hùng vĩ (Nguồn: Internet)
Ở Việt Nam, ngày 08/3/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 1046/BTNMT-TĐKTTT gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021. Theo đó, triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả như: Treo pano, băng rôn, áp phích tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phương thức trực tuyến; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng các nội dung về giá trị của nước; đại dương, thời tiết và khí hậu; phòng chống thiên tai; giảm thiểu phát thải khí nhà kính… Tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến và các hoạt động tuyên truyền, truyền thông khác để truyền tải rộng rãi thông điệp, chủ đề Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất… Thiết lập các nhóm hành động, nhóm tình nguyện… Khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu… Phát động các phong trào cộng đồng: trồng cây xanh chắn cát; chống xói lở bờ biển; ngăn ngừa xâm nhập mặn… Để hưởng ứng và lan toả chủ đề Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động “tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày thứ Bảy, 27/3/2021.
Khẩu hiệu tuyên truyền, truyền thông hưởng ứng chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2021 có thể lựa chọn:
– Nước là tài nguyên thiết yếu giúp bảo vệ sức khỏe, sinh kế, môi trường, các giá trị văn hóa và phát triển kinh tế bền vững.
– Nước là tài nguyên quý giá! Hãy sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
– Bảo vệ tài nguyên nước là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.
– Hãy sử dụng tiết kiệm nước để chia sẻ cơ hội cho mọi người.
– Nước là tài nguyên hữu hạn và thiết yếu, sử dụng nước tuần hoàn vì một tương lai bền vững.
TS. NGUYỄN ĐÍNH