Khai mạc trưng bày chuyên đề “Phú Xuân – Gia Định, Những dấu ấn lịch sử”

Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn

Ngày 29/11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cùng Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề “Phú Xuân – Gia Định, Những dấu ấn lịch sử”.

Không gian phòng trưng bày chuyên đề có hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu thông qua 2 chủ đề chính: “Từ Thuận Hóa – Phú Xuân đến Cố đô Huế – nơi hội tụ và kết tinh di sản văn hóa dân tộc” và “Từ Nam Bộ xưa (thế kỷ XVII-XIX) đến Sài Gòn nay”.

Các đại biểu cắt băng khai mạc

Các nội dung trưng bày mang đến cho du khách một cái nhìn tổng thể về lịch sử hình thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của Phú Xuân – Huế (từ năm 1558); lịch sử thành lập thành Gia Định – Sài Gòn và quá trình khai phá lãnh thổ về phương Nam của ông cha ta (từ năm 1698).

Bên cạnh đó, chuyên đề cũng giới thiệu những thành tựu đã đạt được về kinh tế, văn hoá và những khó khăn thử thách của việc xác lập chủ quyền nước Việt Nam qua các triều đại phong kiến. Những dấu ấn văn hoá đậm nét trong sinh hoạt, phong tục tập quán,… sự giao thoa, hoà quyện giữa văn hoá cung đình và văn hoá dân gian để hình thành nên đặc trưng văn hoá vùng miền của cư dân Nam Bộ xưa.

Trong chuyên đề lần này, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trân trọng công bố, giới thiệu đến đông đảo du khách tham quan bộ sưu tậm hiện vật Phong Sơn, có niên đại từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, theo nhận định của một số chuyên gia: “Đây là một số hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo trong cuộc bôn tẩu ra Tân Sở, Quảng Trị sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế (Khuya ngày 4 tháng 7 năm 1885, tức đêm 22, rạng sáng 23 tháng 5 Âm lịch)”.

Cũng trong dịp này, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu đến đông đảo du khách tham quan rất nhiều hiện vật Ấn, Tờ sai, bản đồ quý như: Ấn Lương Tài Tử, Ấn Khâm sứ đại thần quan phòng; An Lập Châu ấn, Ấn ký Xà Cầu (kiều) tổng chánh tổng ký… có niên đại từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX.

Các du khách tham quan tại không gian trưng bày

Ngoài ra, tại không gian trải nghiệm, du khách trong nước và quốc tế sẽ có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm thực tế những công đoạn để hoàn hoàn thành các sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của xứ Huế như: Làm hoa giấy Thanh Tiên (làng Thanh Tiên); tô tượng ông Công, ông Táo (làng Địa Linh)… Qua đó, giới thiệu, quảng bá và làm phong phú thêm các giá trị văn hoá của nghề thủ công truyền thống xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời tôn vinh những đóng góp thầm lặng của các nghệ nhân dân gian với các nghề thủ công truyền thống.

Trưng bày chuyên đề “Phú Xuân – Gia Định, những dấu ấn lịch sử” sẽ mở cửa đón khách từ nay đến ngày 23/2/2025 tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (số 65 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email