Tác giả: Trần Như Đăng Tuyên
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh
Trí thức trẻ, hội viên của Liên hiệp Hội là lực lượng lao động trẻ, được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn, năng động và sáng tạo. Họ đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển của tỉnh nhà. Việc trao gửi những trách nhiệm, niềm tin, tạo điều kiện để trí thức trẻ phát triển sẽ góp phần xây dựng một Thừa Thiên Huế giàu đẹp, văn minh.
Cơ sở lý luận
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo. Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn và từ các vùng sâu, vùng xa. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trí thức trẻ, các nhà khoa học, đoàn viên, thanh niên.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (sau đây gọi tắt là Liên hiệp Hội) tỉnh Thừa Thiên Huế là tổ chức hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, có chức năng tập hợp trí thức khoa học và công nghệ trong tỉnh trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài; điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội thành viên, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên và đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ phát huy tiềm năng trí tuệ của mình để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội đã tập hợp, phát huy trí tuệ, vai trò trách nhiệm đội ngũ trí thức tham gia, góp phần xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trong bối cảnh toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang quyết tâm biến khát vọng tỉnh nhà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đang thành hiện thực, Liên hiệp Hội cùng phối hợp với Tỉnh đoàn và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức Diễn đàn trí thức trẻ khởi nghiệp (tháng 11/2024).
Công bố Đề án “Cố đô Khởi nghiệp” (*)
Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/8/021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học – công nghệ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030, chủ đề của Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2024 đã nêu rõ: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai”, thông qua Diễn đàn trí thức trẻ khởi nghiệp, các cơ quan tham mưu chính sách liên quan đã cùng ngồi lại trao đổi, thảo luận, lắng nghe nguyện vọng, khát vọng của trí thức trẻ nói riêng và thế hệ trẻ nói chung về khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo. Đây chính là cụ thể hoá các định hướng của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy có hiệu quả đội ngũ trí thức, nhà khoa học trẻ; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Chủ động phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng trẻ từ các trường phổ thông, cao đẳng, đại học thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong tuổi trẻ. Tạo cơ hội để các bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những chuyên gia, doanh nhân thành công. Sân chơi là nơi để các bạn trẻ giới thiệu ý tưởng kinh doanh của mình và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, là cầu nối kết nối cộng đồng, tạo một mạng lưới kết nối giữa các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, các chuyên gia, nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động và hiệu quả.
Diễn đàn Trí thức trẻ khởi nghiệp
Thực trạng khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo
Tháng 3/2023 tại thành phố Huế, phát biểu khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Theo kết quả công bố vào đầu năm 2024, Thừa Thiên Huế xếp thứ 2 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và xếp thứ 14 trong toàn quốc về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023, tỉnh cũng là một trong những địa phương triển khai sớm Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 và có những bước tiến tích cực. Đã hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng và ban hành các chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho khởi nghiệp. Tỉnh đã chủ động ban hành Đề án “Cố đô Khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, điều chỉnh nội dung đề án phù hợp hơn với tình hình mới và định hướng phát triển của tỉnh, nhằm góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (*)
Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ; UBND tỉnh ban hành Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; góp phần hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh. Hướng đi đúng đắn này sẽ góp phần hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, đo lường và phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.
Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với quan điểm và định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy việc phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Nghị quyết là rất quan trọng, đòi hỏi chính quyền và các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp thiết thực, hiệu quả nhằm thu hút những ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp công nghệ cao… Ưu tiên đẩy mạnh hỗ trợ các dự án khoa học và công nghệ, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực tiềm năng như công nghệ thông tin gắn với chương trình xây dựng đô thị thông minh, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong y dược và phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP mang thương hiệu Huế.
Trên cơ cở đó, tỉnh đã ban hành Nghị quyết và Chương trình hành động với các nhiệm vụ, giải pháp, phân công rất cụ thể. Trong đó hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh xác định đây là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để tỉnh chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo. Các chính sách này đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp về nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới công nghệ. Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đây là thiết chế quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối về tài chính các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân trong việc đầu tư phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo trên địa bàn.
Thực tế trong thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo có nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa đến nhiều sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng như các tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh. Các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp cũng được kết nối để đồng hành và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Nhờ sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đã tạo được những điểm sáng, giúp cổ vũ, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp ở địa phương.
Thúc đẩy đam mê, hoài bão, khát vọng vươn lên, lập thân, lập nghiệp
Liên hiệp Hội với chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm đã tổ chức tốt Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng theo hướng đổi mới, sáng tạo, gắn với thực tiễn nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của thanh, thiếu niên, nhi đồng. Thông qua hoạt động, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học đối với thế hệ trẻ, trong các trường học, giảng đường và lan toả các tầng lớp xã hội. Hội thi sáng tạo kỹ thuật hàng năm theo hướng ngày càng thiết thực, có tính ứng dụng cao đem lại lợi ích lớn về kinh tế, phục vụ người dân và phát triển kinh tế, xã hội. Với vai trò là cơ quan thường trực, Liên hiệp Hội phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền rộng rãi Hội thi đến các trường đại học, viện nghiên cứu, công ty, xí nghiệp, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, người lao động. Các năm gần đây, nhiều trí thức trẻ đã tham gia và đạt nhiều giải cao, nhiều giải pháp đủ điều dự thi Hội thi toàn quốc lần và đạt các kết quả rất tích cực, nhiều đề tài đem lại lợi ích lớn về kinh tế, phục vụ người dân và phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, các đề tài ngày càng đi vào ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống, tạo ra nhiều sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao trong khởi nghiệp.
Trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2024
Hoạt động Tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ do Liên hiệp Hội tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các trí thức có thành tích đóng góp xuất sắc cho khoa học, tại đây đã xuất hiện nhiều điển hình trí thức trẻ thành đạt trong học thuật từ rất trẻ, nhiều nhà khoa học đã ứng dụng các kiến thức, nghiên cứu vào lập nghiệp, trở thành những doanh nhân thành đạt. Hàng trăm hội nghị, hội thảo tổ chức hằng năm nhằm trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nhân và các bên liên quan đến một lĩnh vực chuyên ngành; tạo cơ hội cho việc thảo luận, đàm phán và đưa ra những quyết định quan trọng về chính sách, chiến lược và phương hướng phát triển; giới thiệu và quảng bá sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới và các thành tựu nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tương ứng. Các hoạt động khoa học này đã góp phần xây dựng mối quan hệ, kết nối giữa các cá nhân, tổ chức và cộng đồng, tạo nền tảng cho sự hợp tác và phát triển khoa học công nghệ, thu hút trí thức trẻ khoa học và công nghệ tham gia xây dựng địa phương, tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội bền vững.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng nhận thấy rằng hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn khoảng cách so với một số tỉnh, thành. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với thanh niên, trí thức trẻ vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Nhiều thanh niên có ý tưởng tốt nhưng chưa thể biến thành hiện thực, nhiều đề án, dự án còn dở dang, nhiều sản phẩm chưa được thương mại hóa. Vì vậy việc kết nối các chuyên gia, cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, những nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, tạo động lực, thúc đẩy đam mê cho trí thức trẻ, thế hệ trẻ.
Khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu, khách quan, sự lựa chọn mang tính chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững đất nước, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ tạo dựng giá trị trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển đột phá cho doanh nghiệp và động lực quan trọng phát triển nhanh và bền vững của các quốc gia, nhất là trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với sự chung tay của các sở, ban, ngành, các cơ quan tham mưu hoạch định chính sách sẽ tạo động lực, tinh thần, tạo dựng cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, giúp các nhà trí thức trẻ, đoàn viên, thanh niên tiếp tục phát huy khí chất, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, dám đối diện với khó khăn, thách thức, mạnh mẽ, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, có niềm tin, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội; có đam mê, hoài bão, khát vọng vươn lên, ý chí lập thân, lập nghiệp; chấp nhận rủi ro để tạo nên những điều phi thường, góp phần xây dựng tỉnh nhà trong giai đoạn mới, mạnh mẽ, phát triển bền vững./.
(*) Nguồn Fanpage UBND tỉnh Thừa Thiên Huế