Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế

Tác giả: Lê Anh Quý

Trường ĐH Kinh tế, Đại học Huế

Tóm tắt

Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc áp dụng CNTT giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy, tối ưu hóa thời gian và tạo ra môi trường học tập tương tác. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế đã triển khai các nền tảng như hệ thống quản lý học tập Microsoft Teams, các công cụ học tập trực tuyến, thư viện điện tử và hệ thống hạ tầng phục vụ giảng dạy tại các giảng đường nhằm ứng dụng mạnh mẽ CNTT hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT còn gặp các thách thức đáng kể bao gồm hạn chế về tài chính, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và năng lực công nghệ của một số giảng viên và sinh viên. Bài báo đề xuất các giải pháp như đầu tư vào hạ tầng CNTT, đào tạo nhân lực, tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào dạy học và tăng cường chính sách khuyến khích nhằm đảm bảo hiệu quả ứng dụng CNTT.

  1. Đặt vấn đề

Trong kỷ nguyên số hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực của đời sống và giáo dục đào tạo không phải là ngoại lệ. Thay vì sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống, hiện nay nhiều trường đại học đã áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học làm cho tiết học trở nên hấp dẫn và hiệu quả hơn. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giảm khối lượng công việc cho giảng viên và sinh viên, mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời tạo sự tương tác nhiều hơn giữa người dạy và người học.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực giáo dục đã nhận được sự quan tâm sâu sắc từ Đảng và Nhà nước, thể hiện qua nhiều văn bản chỉ đạo. Cụ thể, Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị ban hành năm 2019 nêu rõ một số chủ trương và chính sách nhằm chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư(1). Kế đến, Nghị quyết số 50 năm 2019 của Chính phủ đã ban hành chương trình hành động để thực hiện các nội dung trong Nghị quyết số 52(2). Ngoài ra, đề án tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, với định hướng đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2022, nhằm thúc đẩy sự phát triển này(3).

Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế (ĐHKT Huế) phấn đấu trở thành một trường đại học ứng dụng và đổi mới sáng tạo hàng đầu của Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và thị trường lao động, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động giảng dạy là điều cần thiết và cần được đầu tư phát triển nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện hiệu quả học tập.

Báo cáo này nhằm phân tích thực trạng ứng dụng CNTT trong hoạt động giảng dạy tại Trường ĐHKT Huế, đánh giá các lợi ích và thách thức của việc ứng dụng CNTT, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy.

  1. Thực trạng ứng dụng CNTT trong giảng dạy tại Trường ĐHKT Huế

Sự phát triển nhanh chóng của thiết bị phần cứng máy tính, tốc độ đường truyền và các thuật toán thông minh đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phổ biến của các phần mềm ứng dụng và hệ thống quản lý nội dung trong giáo dục. Những cải tiến này đã thay đổi cách thức và phương pháp dạy học, cho phép giảng viên và sinh viên thực hiện nhiệm vụ học tập một cách chủ động mà không bị ràng buộc bởi không gian và thời gian. Sự phát triển của Internet khắp cả nước đã trở thành nền tảng cho việc chia sẻ các ứng dụng trên nhiều thiết bị số.

Đến nay, phần lớn các cơ sở đào tạo tại Việt Nam đã tích cực áp dụng CNTT, với việc sử dụng các phần mềm như Microsoft Office, Canva và Prezi để biên soạn bài giảng và giáo án điện tử. Hơn nữa, các nền tảng quản lý lớp học trực tuyến như Google Classroom, Microsoft Teams, Moodle và Mooc đã hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động dạy học, tạo ra môi trường học tập tương tác hiện đại. Hình thức kiểm tra trực tuyến có nhiều lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gian lận trong học sinh. Để giải quyết vấn đề này, công nghệ thông tin đã được áp dụng để ngăn chặn thi cử gian lận. Một số phần mềm chống gian lận thi cử phổ biến ở Việt Nam hiện nay là Edunow và Azota.

Thực tiễn triển khai CNTT trong giáo dục đại học cho thấy cần có sự đầu tư lớn và lâu dài về cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính và nhân lực. Mỗi cơ sở giáo dục có thể áp dụng những chiến lược khác nhau tùy theo mô hình và tiềm lực của mình.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục trở thành xu hướng mới và đòi hỏi giảng viên, nhà trường có sự đầu tư nghiên cứu để vận dụng một cách hợp lý, có chọn lọc. Hệ thống AI có khả năng thiết kế nội dung bài học theo yêu cầu của giảng viên một cách nhanh chóng, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động dạy học.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong giáo dục đại học cũng gặp phải nhiều thách thức. Nguồn lực tài chính cho việc mua sắm cơ sở vật chất còn hạn chế, và không phải cơ sở nào cũng đủ khả năng trang bị hiện đại. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao để xây dựng và vận hành phần mềm cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Thêm vào đó, tâm lý ngại đổi mới của một số giảng viên và sinh viên cũng là yếu tố cản trở việc triển khai các phần mềm ứng dụng CNTT. Các yếu tố này dẫn đến sự khác biệt trong hiệu quả ứng dụng CNTT giữa các cơ sở đào tạo. Hơn nữa, thủ tục và cơ chế liên quan đến việc ứng dụng CNTT còn nhiều bất cập và chồng chéo, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Để giải quyết những vấn đề này, cần có các chính sách và quyết sách phù hợp với từng điều kiện của mỗi cơ sở đào tạo.

Tại trường ĐHKT Huế, việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2020 nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 và ngày càng được đẩy mạnh ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Việc ứng dụng CNTT tại trường ĐHKT được thể hiện ở các mức độ sau:

–  Hệ thống quản lý học tập (LMS)

LMS là viết tắt của Learning Management System (hay Tiếng Việt gọi là Hệ thống quản lý học tập). Đây là một phần mềm ứng dụng cho phép việc quản lý, hệ thống các tài liệu, nội dung đào tạo thành các khóa học hay chương trình đào tạo. LMS còn đóng vai trò giúp kết nối người học, giảng viên và truyền tải nội dung đào tạo một cách linh hoạt, bất kể thời gian và địa điểm. Đồng thời cũng giúp theo dõi, báo cáo hiệu suất học tập của học viên hay hiệu quả của chương trình đào tạo. Do đó LMS được xem như là nền tảng cốt lõi của học tập trực tuyến (E-learning).

Việc chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến mùa dịch Covid-19 vừa là thách thức, vừa là cơ hội để trường ĐHKT Huế  áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại trên không gian mạng, mang đến cho sinh viên nhiều trải nghiệm thú vị và tiếp thu kiến thức hiệu quả. Ban đầu, các giảng viên sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau để quản lý học trực tuyến như Google Classroom, Microsoft Team, ứng dụng quản lý dạy học được tích hợp trên Website trường,…. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều ứng dụng đã gây ra khó khăn cho người học trong việc sử dụng các ứng dụng này. Do vậy, việc thống nhất sử dụng ứng dụng Microsoft Team trong toàn trường và tổ chức tập huấn sử dụng ứng dụng đã tạo thuận lợi cho cả giảng viên và sinh viên trong việc áp dụng. Hệ thống này cho phép giảng viên tạo các lớp học trực tuyến, quản lý và cung cấp tài liệu học tập, giao bài tập, và theo dõi tiến độ học tập của sinh viên.

– Công cụ học tập trực tuyến

Trong Microsoft Teams tích hợp sẵn Meet để tổ chức các buổi giảng dạy trực tuyến, và các cuộc họp giữa giảng viên và sinh viên. Microsoft Teams cũng hỗ trợ các tính năng như chia nhóm, chia sẻ màn hình, và ghi âm buổi học.

–  Thư viện điện tử và tài liệu học tập

Trường ĐHKT Huế đã triển khai thư viện số qua trang  https://tainguyenso.hce.edu.vn/, cung cấp truy cập trực tuyến đến hàng ngàn giáo trình, sách điện tử và các công trình nghiên cứu. Như vậy, thay vì phải tìm tài liệu một cách thủ công hay photo tài liệu như trước đây, sinh viên có thể dễ dàng truy cập thư viện điện tử, tải về và in ấn mọi lúc, mọi nơi; qua đó tiết kiệm được thời gian và công sức cho cả người dạy và người học.

– Hạ tầng và các công cụ hỗ trợ dạy học

Hạ tầng kỹ thuật là yếu tố tiên quyết để có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Trường ĐHKT Huế không ngừng đầu tư, trang bị hệ thống hạ tầng CNTT hiện đại như hệ thống wifi 6 tốc độ truyền tải nhanh và phục vụ cho số lượng lớn người truy cập, hệ thống phòng học được trang bị 100% máy chiếu, màn hình tivi, phòng học trực tuyến,…

Ngoài ra, các công cụ hỗ trợ học tập cũng được nhà trường đầu tư như Canva để thiết kế nội dung giảng dạy đẹp và chuyên nghiệp hơn. Ứng dụng điểm danh điện tử thay cho điểm danh truyền thống, giúp tiết kiệm thời gian điểm danh, thúc đẩy việc đi học chuyên cần của sinh viên. Nhà trường cũng hỗ trợ kinh phí mua bảng viết điện tử để giảng dạy online, tăng mức hỗ trợ chi phí văn phòng phẩm hàng tháng để giảng viên có thể chủ động mua các thiết bị hỗ trợ giảng dạy (bút trình chiếu, thiết bị kết nối máy chiếu,…).

Đầu tư của Trường ĐHKT Huế vào công nghệ thông tin trong giảng dạy đã tạo ra một chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cả giảng viên và sinh viên. Sự tích cực trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại không chỉ cải thiện chất lượng giảng dạy mà còn nâng cao hiệu quả học tập, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và chủ động hơn. Nhờ đó, môi trường học tập trở nên sinh động, sáng tạo và phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, từ đó khẳng định vị thế của nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

  1. Những khó khăn, thách thức trong việc ứng dụng CNTT tại trường ĐHKT Huế

Bên cạnh đó những lợi ích vượt trội mà CNTT đóng góp cho hoạt động dạy học, việc ứng dụng CNTT  cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đối với cả nhà trường, giảng viên và sinh viên, cụ thể:

Thiết bị CNTT cho người học

Nhiều sinh viên của Trường ĐHKT Huế chủ yếu đến từ các tỉnh miền Trung có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, dẫn đến thiếu các phương tiện hỗ trợ học trực tuyến như máy tính hay mạng internet. Điều này ảnh hưởng đến khả năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập.

Khả năng ứng dụng CNTT của giảng viên và sinh viên

Năng lực sử dụng công nghệ của giảng viên và sinh viên còn hạn chế, tâm lý ngại thay đổi của một bộ phận giảng viên, đặc biệt là đối với giảng viên lớn tuổi đã dẫn đến việc sử dụng CNTT không hiệu quả. Do vậy, Nhà trường cần có các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao khả năng sử dụng công nghệ.

Chi phí đầu tư vào CNTT cao

Việc triển khai và duy trì các hệ thống CNTT đòi hỏi một khoản đầu tư đáng kể. Điều này có thể gây khó khăn cho ngân sách của nhà trường và ảnh hưởng đến việc áp dụng CNTT vào dạy học.

  1. Các giải pháp và khuyến nghị

Từ thực tiễn trên, việc đạt được sự đồng thuận giữa nhà trường, giảng viên và sinh viên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin là rất quan trọng, từ đó góp phần cải thiện chất lượng dạy học.

4.1. Đối với Nhà trường

Trước tiên, nhà trường cần xây dựng đề án số hóa trong đào tạo, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong ứng dụng công nghệ thông tin. Việc đầu tư vào cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại là thiết yếu, cùng với việc thiết lập hạ tầng kết nối mạng nhanh chóng và an toàn.

Tiếp theo, nhà trường cần đào tạo nhân lực có kiến thức sâu về công nghệ thông tin, đồng thời thường xuyên tổ chức bồi dưỡng và cập nhật kiến thức công nghệ cho giảng viên và nhân viên. Điều này giúp nâng cao kỹ năng nghiên cứu, phân tích và đáp ứng yêu cầu của cách mạng số.

Ngoài ra, nhà trường có thể kết hợp hình thức học tập trực tuyến và truyền thống sẽ tạo ra môi trường học tập hiệu quả hơn. Các trường cần có kế hoạch cụ thể để triển khai từng bước, từ đó rút kinh nghiệm và cải tiến liên tục.

Tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, các cơ sở đào tạo cần lựa chọn và sử dụng các ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa quy trình dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Chính sách khuyến khích giảng viên trong việc áp dụng công nghệ mới cũng là yếu tố quan trọng. Các hình thức động viên như khen thưởng và tăng lương sẽ khuyến khích sự sáng tạo và cống hiến của giảng viên.

4.2. Đối với đội ngũ giảng viên

Giảng viên cần thay đổi từ vai trò truyền đạt kiến thức sang vai trò hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên. Việc nâng cao năng lực sử dụng công nghệ và bồi dưỡng chuyên môn thông qua các mô hình đào tạo tiên tiến cũng rất cần thiết.

4.3. Đối với sinh viên

Sinh viên cần tự xác định nhu cầu học tập của mình. Họ phải được khuyến khích học mọi lúc, mọi nơi và cá nhân hóa việc học của mình. Việc lựa chọn phương pháp học phù hợp và trải nghiệm thực tế thông qua các dự án hợp tác sẽ giúp sinh viên tích lũy kỹ năng và kiến thức cần thiết cho tương lai.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng việc ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy học là một nhiệm vụ liên tục và thiết yếu trong quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở đào tạo. Để nâng cao hiệu quả của hoạt động này, cần sự đồng bộ giữa các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực, đổi mới phương pháp giảng dạy và tạo môi trường học tập linh hoạt cho sinh viên.

  1. Kết luận

Việc tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động giảng dạy tại Trường ĐHKT Huế mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm việc nâng cao chất lượng giảng dạy, cải thiện khả năng tiếp cận và quản lý học tập. Tuy nhiên, việc triển khai công nghệ cũng gặp phải một số thách thức như thiếu cơ sở hạ tầng, khả năng kỹ thuật của giảng viên và sinh viên và đặc biệt là ngân sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT.

Để tối ưu hóa việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, Trường ĐHKT Huế cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, triển khai các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, phát triển nội dung và công cụ giảng dạy. Với sự chuẩn bị và nỗ lực đúng mức, CNTT có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của sinh viên.

—–

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội

(2) Chính phủ (2020), Nghị quyết số 50/NQ-CP, về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội.

(3) Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 131/QĐ-TTg, Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email