Tác giả: Thủy Tiên
Ngày 27/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp Hội) đã có buổi làm việc UBND huyện Phú Vang để nắm bắt nhu cầu, hỗ trợ thúc đẩy nâng cao năng lực cho phụ nữ trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật liên quan đến nuôi trồng thuỷ sản và du lịch đầm phá.
Hoạt động là chuỗi những hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển các hoạt động của hội thành viên, xác định nhu cầu thực hiện nhiệm vụ khoa học và kỹ thuật góp phần cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế cho các địa phương.
Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện các đơn vị phòng ban liên quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, 12 xã, thị trấn; Đoàn công tác Liên hiệp Hội có TS Hồ Đắc Thái Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp Hội, đại diện các đơn vị: Hội Nghề cá, Hội Nữ Trí thức, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Du lịch.
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, TS Hồ Đắc Thái Hoàng – Chủ tịch Liên hiệp Hội đã khẳng định buổi làm việc nhằm định hướng, xác định tiềm năng, xây dựng phát triển du lịch và tài nguyên du lịch dịch vụ; định hướng các hoạt động khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ liên quan đến phụ nữ. Bên cạnh đó, khai thác tài nguyên hiện có của địa phương đặc biệt là vùng đầm phá, tập trung vào hướng du lịch, ẩm thực, hậu cần cho phát triển kinh tế xã hội đối với các quận nội thành, định hướng vào ngành dịch vụ du lịch nhằm nâng cao sinh kế và giá trị lao động địa phương.
Các đại biểu cũng được nghe tình hình nuôi trồng thuỷ sản và phát triển du lịch đầm phá cũng như việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hai lĩnh vực này.
Với lợi thế là huyện đồng bằng ven biển và đầm phá có bờ biển dài khoảng 30 km và nhiều đầm phá với diện tích khoảng 6.000 ha mặt nước, có khả năng phát triển năng động toàn diện kinh tế biến bao gồm cả thuỷ sản, du lịch, nông, lâm, công nghiệp, giao thông vận tải,… Với diện tích nuôi 2.322,7 ha, huyện có khoảng 2.964 hộ trong nuôi trồng thủy sản và khoảng 1.600 người tham gia trực tiếp và gián tiếp hoạt động du lịch dịch vụ, phụ nữ gần như chiếm gần một nửa trong tổng số lao động. Ngoài ra, họ còn tham gia vào các hoạt động trồng rừng ngập mặn nhằm tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm phá. Có thể nói, phụ nữ tham gia gần như tất cả hoạt động trong chuỗi giá trị phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch dịch vụ, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, địa phương cũng nêu ra một số khó khăn cũng như các mong muốn của phụ nữ trên địa bàn huyện như hướng dẫn hỗ trợ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thuỷ sản, hỗ trợ phát triển kinh tế theo hướng sản xuất nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với du lịch, xây dựng các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), hỗ trợ các sản phẩm đầu ra, định hướng phát triển các tour du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm …
Các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc
Kết quả của buổi làm việc là dịp để trao đổi thông tin, là bước khởi đầu quan trọng trong việc đưa ra những đề xuất, kiến nghị về các nhiệm vụ khoa học kỹ thuật cần triển khai tại địa phương, tập trung vào việc nghiên cứu đánh giá tổng thể sản phẩm tại huyện Phú Vang để xây dựng các sản phẩm OCOP, đặc biệt là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động phát triển kinh tế, giúp họ tiếp cận các cơ hội mới từ ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó cải thiện và nâng cao sinh kế, phát triển nguồn lực địa phương.