Quy Trình Công Nghệ Sản Xuất Giống Cá Nâu (Scatophagus argus)

Trạng thái đề tài:

Lĩnh vực: Nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường

Hoạt động: Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật

Năm: 2024

Ngày nộp đề tài: 28/10/2024

Thông tin nhóm tác giả

Tên tác giả / nhóm tác giả: PGS.TS.Nguyễn Văn Huy, TS. Nguyễn Anh Tuấn, TS. Nguyễn Tử Minh, TS.Hồ Thị Thu Hoài, ThS.Nguyễn Đức Thành, TS.Võ Điều, ThS.Trần Thị Thúy Hằng

Đơn vị công tác của chủ nhiệm: Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế

Địa chỉ cơ quan của chủ nhiệm: 102 Phùng Hưng, Phường Đông Ba, Thành Phố Huế

Tính mới của giải pháp

Kết quả tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, đây là công bố đầu tiên về quy trình công nghệ sản xuất giống cá Nâu; giá trị khoa học và thực tiễn của công bố này được thể hiện qua các thông số kỹ thuật trong quy trình như: nuôi vỗ, đánh giá mức độ thành thục của cá bố mẹ, tuyển chọn cá bố mẹ đưa vào sinh sản, kích thích sinh sản, thụ tinh, ấp trứng và ương các giai đoạn ấu trùng. Đặc biệt, quy trình công nghệ đã đưa ra các phương án khác nhau trong một số công đoạn thoả mãn điều kiện đầu tư khác nhau của cơ sở sản giống thụ hưởng quy trình, có thể kể đến: (1) Nuôi vỗ thành thục cá Nâu bố mẹ: Hiện nay, có thể tiến hành trong lồng hoặc trong ao. Quy trình này đã đưa ra thông số kỹ thuật nuôi vỗ thành thục cá Nâu trong ao và trong lồng, trong đó nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ trong ao được đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu của Dự án “Sản xuất thử nghiệm giống và nuôi thương phẩm nguồn gen cá Nâu (Scatophagus argus)”.Trước đây, nuôi vỗ cá mới chỉ được tiến hành trong lồng trên đầm phá. Việc nuôi vỗ cá Nâu thành công trong ao đã khắc phục được những tác động tiêu cực do môi trường, dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt…gây ra. Quy trình nuôi vỗ thành thục trong ao đã góp phần chủ động hơn trong sản xuất giống cá Nâu (nhưng chi phí nuôi vỗ trong ao cao hơn khoảng 30% so với nuôi trong lồng do bơm nước, xử lý nước, điện năng cho hệ thống tạo khí, công chăm sóc). (2) Quy trình kỹ thuật ấp trứng và ương ấu trùng: Hiện nay, có thể tiến hành trong bể hoặc trong ao. Trong đó kỹ thuật ấp trứng và ương trong ao được cho là giải pháp kỹ thuật đơn giản hơn, có thể áp dụng rộng rãi hơn. Đây cũng chính là điểm mới so với các quy trình công nghệ đã công bố trước đây. Ấp và ương giống trong ao mở ra cơ hội sản xuất với quy mô thương mại do giảm được chi phí nhân công chăm sóc cá so với ấp và ương trong các bể nhựa hoặc xi măng. Thức ăn cho cá được tạo ra trong môi trường bằng việc bổ sung chế phẩm lên men nhằm thúc đẩy và duy trì hệ thức ăn tự nhiên (động và thực vật phù du) trong ao thay vì phải nuôi sinh khối thức ăn tự nhiên trong bể để bổ sung trực tiếp cho cá như trước đây. Việc làm này giúp giảm chi phí thức ăn, chi phí nhân công chăm sóc, tăng lợi nhuận trong sản xuất giống cá Nâu trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế ấp và ương trong bể sẽ cho tỷ lệ nở, tỷ lệ sống của ấu trùng cá cao hơn so với thực hiện trong ao. (3) Sau 3 năm nghiên cứu, 2 năm sản xuất thử nghiệm quy trình đã có tính ổn định cao, các nhược điểm trong quá trình đã được khắc phục. Ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất giống đăng ký tham gia ứng dụng quy trình. Quy trình đã ổn định và đạt các thông số kỹ thuật như sau: tỷ lệ sống của cá bố mẹ sau khi nuôi vỗ 80%; tỷ lệ thành thục sau khi nuôi vỗ > 80%; tỷ lệ tham gia đẻ của cá bố mẹ >75%; tỷ lệ thụ tinh >85%; tỷ lệ nở >80%; tỷ lệ sống từ giai đoạn cá bột lên cá hương ≥ 5%, từ cá hương lên cá giống ≥50%.

Tính sáng tạo

Cá Nâu phân bố rộng khắp cả nước từ miền Bắc đến miền Nam, chúng ngày càng được nuôi nhiều do vừa có giá trị kinh tế, vừa ít bệnh, dễ nuôi vừa có thể nuôi được bằng khá nhiều hình thức (ao, lồng, bể, nuôi đơn, nuôi ghép…) nên trong tương lai nhu cầu con giống loài cá này rất lớn. Để giảm dần sự phụ thuộc con giống từ thiên nhiên và chủ động trong sản xuất, quy trình sản xuất giống nhân tạo này sẽ mở ra triển vọng rất lớn cho sự phát triển nghề nuôi cá ở nhiều địa phương trên cả nước.

Hiệu quả kinh tế xã hội

Chủ động được giống cá nâu nhân tạo sẽ cùng lúc đạt 2 mục tiêu: vừa chủ động, nâng cao sản lượng cá nuôi thương phẩm vừa bảo vệ được nguồn lợi cá nâu ngoài tự nhiên do giảm áp lực khai thác nguồn giống cá này. Nghề nuôi cá nâu phát triển từ hệ quả của việc chủ động được nguồn giống sản xuất nhân tạo sẽ kéo theo các ngành kinh tế phụ trợ khác phát triển (sản xuất thức ăn, thuốc, hoá chất, trang thiết bị, máy móc….) sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương và cả nước. Quy trình sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển nuôi cá nâu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và trong cả nước. Một khi nghề nuôi cá nâu phát triển mạnh do đã chủ đông được con giống sẽ thu hút nguồn lao động địa phương tham gia. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân. Hiệu quả kinh tế tính cho 10 vạn giống xuất ra thị trường, tổng số cá bố mẹ cần 50 cặp, tổng chi phí dự kiến khoảng 105 triệu đồng, tổng doanh thu 150 triệu đồng và lợi nhuận thu được khoảng 45 triệu và tỷ suất lợi nhuận đạt 30% (so với quy trình trước đây là 21%).
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email