Nhiễm trùng đường tiểu ở người lớn tuổi – Mối nguy hiểm của nó !

     Nhiễm trùng đường tiểu là một vấn đề thường mắc phải ở người lớn tuổi, có thể là biểu hiện của một bệnh lý tiềm ẩn. Cơ thể người gồm có hai quả thận ở mỗi bên của ổ bụng. Chúng có chức năng tạo ra nước tiểu, sau đó nước tiểu được đưa xuống bàng quang nhờ hai niệu quản. Tại bàng quang, nước tiểu được dự trữ và thải ra ngoài qua niệu đạo.

     Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu

     Nhiễm trùng ở bàng quang (viêm bàng quang) thường gây ra đau đớn khi đi tiểu, và đi tiểu thường xuyên hơn. Thường đau ở bụng dưới, nước tiểu có thể trở nên đục và có bọt, hoặc có máu hoặc có mùi khó chịu và kèm theo sốt. Nhiễm trùng ở thận có thể gây ra một cơn đau ở thắt lưng (vùng hông lưng trên thận), sốt cao, cảm giác buồn nôn, nôn và cảm thấy mệt mỏi.

     Ở một số người lớn tuổi hơn, một triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu có thể gây nhầm lẫn với một bệnh lý khác hoặc đơn thuần chỉ là cảm giác không khỏe. Việc chẩn đoán sẽ khó khăn hơn nếu có sự kết hợp sốt và mất nước. Do đó, việc chẩn đoán sẽ tránh được sai sót sau khi triệu chứng nhiễm trùng đã được điều trị.

     Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng tiểu

     Hầu hết nhiễm trùng đường tiểu được gây ra bởi vi khuẩn đến từ ruột. Những vi khuẩn này có thể vô hại với ruột nhưng lại có thể gây viêm nhiễm ở các cơ quan khác của cơ thể. Một vài vi khuẩn nằm ở rìa hậu môn, sau khi theo phân ra ngoài, có thể xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang. Một số loại có khả năng phát triển mạnh trong nước tiểu và nhân lên nhanh chóng gây ra nhiễm trùng. Các vi khuẩn thường gặp:

     + Vi khuẩn: Escherichia coli (E. coli) gây nên 90% trường hợp. Các vi khuẩn khác gây NTĐT bao gồm Proteus, Klebsiella…Proteus có thể gây sỏi.

     + Virus, nấm, … một số người có E.Coli với tuýp 1 Fimbria tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ bám vào tế bào lót bề mặt đường tiểu gây nên nhiễm trùng đường tiểu tái diễn.

     Tỉ lệ mắc nhiễm trùng đường tiểu ở người độ tuổi 60 là 3/10, và độ tuổi 80 là 1/10.

     Nhiễm trùng đường tiểu phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Đó là bởi vì niệu đạo nữ (là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài) ngắn hơn và lỗ niệu đạo gần với vùng hậu môn hơn so với ở nam giới. Tình trạng nhiễm trùng phổ biến ở người lớn tuổi. Trong suốt cuộc đời của mình, một nửa số phụ nữ mắc nhiễm trùng đường tiểu cần được điều trị.

     Cơ chế gây nhiễm trùng đường tiểu

     Trong một số truờng hợp, nhiễm trùng đường tiểu xuất hiện không rõ nguyên nhân và không ghi nhận bất thường ở các cơ quan thận, bàng quang, tuyến tiền liệt, hoặc hệ thống miễn dịch. Trong trường hợp khác, một bệnh lý căn bản có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.

     Đối với phụ nữ lớn tuổi

     Sau khi mãn kinh, da xung quanh vùng sinh dục của người phụ nữ có thể trở nên mỏng hơn, thường được gọi là viêm teo âm đạo.Tình trạng này thường hay đi kèm với nhiễm trùng đường tiểu.

     Sa tử cung hoặc âm đạo cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

     Đối với nam giới lớn tuổi

     Tuyến tiền liệt phì đại làm cản trở việc làm trống bàng quang. Nước tiểu có thể bị giữ lại trong bàng quang. Trong phần nước tiểu bị tồn đọng, vi khuẩn tăng khả năng sinh sôi và gây ra sự nhiễm trùng.

     Ở cả hai nam và nữ

     Vấn đề ở bàng quang hoặc thận sẽ làm tăng khả năng nhiễm trùng đường tiểu. Ví dụ, sỏi thận hoặc tình trạng ứ đọng nước tiểu, làm nước tiểu thoát ra không hoàn toàn.

     Đặt ống thông tiểu – đây là một ống thông mỏng, mềm và lòng rỗng.

     Có bệnh lý tiềm ẩn trước đó có thể gây ảnh hưởng. Hệ thống miễn dịch suy giảm làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, bao gồm nhiễm trùng đường tiểu. Ví dụ, bệnh nhân đang được hóa trị liệu vì bệnh ung thư. Bệnh nhân bị đái tháo đường rất dễ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu.

     Bị táo bón.

     Điều trị nhiễm trùng đường tiểu

     Một đợt điều trị thuốc kháng sinh thường giúp bệnh nhân khỏi bệnh nhanh chóng. Nên đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng vẫn tồn tại dai dẳng, hoặc chưa biến mất sau một vài ngày. Nguyên nhân cơ bản như phì đại tuyến tiền liệt hay táo bón cần được phát hiện và điều trị

     Dự phòng nhiễm trùng đường tiểu

     Gìn giữ vệ sinh cá nhân, tránh tắm bồn, thay tã cho trẻ ngay đi ngoài.

     Phụ nữ khi lau chùi hậu môn sau đại tiện, nên lau từ phía trước hướng về phía sau hậu môn là tốt nhất. Nếu làm ngược lại, có thể vô tình mang mầm bệnh (vi khuẩn) gần hơn với lỗ niệu đạo nơi nước tiểu thoát ra ngoài và tăng nguy cơ xâm nhiễm bàng quang gây nhiễm trùng. Phụ nữ lớn tuổi có tình trạng viêm teo âm đạo có thể xem xét các loại kem thay thế hormone hoặc mũ chụp cổ tử cung (pessaries). Cách này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu.

     Cố gắng ăn nhiều trái cây và chất xơ và uống nhiều nước. Việc này tốt cho đường ruột và sẽ giúp tránh bị táo bón.

Ts.Bs. Nguyễn Đức Hoàng    

Hội Tim mạch Huế – BVTW Huế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email