Hàng năm tại Mỹ có khoảng 4 triệu trường hợp viêm phổi ở người lớn, trong đó khoảng 20% các bệnh nhân phải nhập viện; tỷ lệ tử vong với bệnh nhân ngoại trú từ 1-5%, với bệnh nhân nằm điều trị nội trú từ 15-30%, chi phí hàng năm khoảng 9,7 tỷ Dollars. Tần xuất chung khoảng 8 – 15/1000 dân.
Viêm phổi cộng đồng là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm khuẩn, xảy ra ở ngoài bệnh viện, bao gồm viêm tiểu phế quản tận, viêm phế nang, viêm túi phế nang, ống phế nang hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi.
Nguyên nhân viêm phổi cộng đồng
Hiện nay, có đến 50% trường hợp viêm phổi cộng đồng không xác định được nguyên nhân gây bệnh. Còn lại hầu hết do vi khuẩn Streptococcus pneumonia, hoặc do vi khuẩn Mycoplasma pneumonia, Legionella spp, Chlamydia pneumonia, virus, nấm, ký sinh trùng hoặc do mắc một số bệnh lý nguy hiểm khác như suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, bệnh tim, gan,…
Những đối tượng có nguy cơ bị viêm phổi cộng đồng.
– Người bị nhiễm phế cầu kháng thuốc, kháng penicillin. Người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ sức đề kháng yếu.
– Người nghiện bia rượu. Mắc các bệnh về tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản, viêm phổi nhiều thùy.
– Người bị suy dinh dưỡng.
Dấu hiệu chẩn đoán viêm phổi cộng đồng
Có 2 loại viêm phổi cộng đồng là điển hình và không điển hình
Viêm phổi cộng đồng điển hình: Người bệnh sốt cao đột ngột, cảm thấy rét run, khó thở, ho khan sau chuyển sang ho có đờm màu đục, vàng hoặc rỉ sét, đau tức ngực khi thở, khi ho.
Viêm phổi cộng đồng không điển hình: Sốt nhẹ và từ từ, ho khan hoặc có ít đờm nhầy, không bị đau tức ngực, khó thở, đau họng, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy,…
Để chuẩn đoán viêm phổi cộng đồng được chính xác, người bệnh cần làm các xét nghiệm và chụp xquang phổi.
Chẩn đoán viêm phổi cộng đồng
Viêm phổi cộng đồng là viêm phổi do nhiễm khuẩn từ cộng đồng; tức viêm phổi xuất hiện khi bệnh nhân đang sống ngoài bệnh viện hoặc ít nhất không ở trong bệnh viện trước đó 14 ngày. Chẩn đoán viêm phổi cộng đồng dựa trên khai thác tiền sử, bệnh sử và khám lâm sàng kém chính xác; mà cần phải kết hợp với X quang ngực.
Chẩn đoán lâm sàng: ho, khạc đờm, khó thở, sốt, nghe phổi có tiếng ran nổ, tiếng thở bất thường.
Chụp X quang ngực: không có hình ảnh đặc trưng trên Xquang ngực cho phép chẩn đoán căn bệnh. Tổn thương viêm phổi cộng đồng ở các thùy dưới của phổi với bắt cứ nguyên nhân gì.
– Dạng hình mờ đồng nhất ít gặp hơn trong viêm phổi do M. pneumoniae so với các căn nguyên khác.
– Viêm phổi pneumococcus có nhiễm khuẩn máu thường có tổn thương nhiều thùy hơn so với không có nhiễm khuẩn máu và tràn dịch màng phổi cũng thường thấy hơn trên các trường hợp này.
– Tổn thương hạch được nhận thấy trên một số trường hợp viêm phổi do mycoplasma nhưng không thấy trên các trường hợp viêm phổi do các tác nhân khác.
– Viêm phổi cộng đồng do S. aureus thường có tổn thương nhiều thùy, có các bóng khí hoặc tràn khí màng phổi tự phát.
Các xét nghiệm đánh giá và theo dõi
Viêm phổi cộng đồng điều trị trong bệnh viện cần được thực hiện các xét nghiệm ngay khi nhập viện:
– Xquang ngực.
– Xét nghiệm công thức máu, urea máu.
– Điện giải, chức năng gan.
– CRP (C reactive protein) ở nơi có điều kiện, khí máu động mạch nhất là khi SpO2 < 92%.
Dự phòng
Phải khuyên mọi nhân nhân không hút thuốc lá, trợ giúp họ cai thuốc. Tiêm vaccine phòng cúm hàng năm, tiêm vaccine phòng phế cầu 5 năm một lần ở người tuổi trên 65 hoặc trên 50 nhưng mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… làm giảm tần xuất và mức độ nặng của viêm phổi . Tiêm vaccine phòng cúm được khuyến cáo cho mọi nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với các BN viêm phổi.
Tóm lại
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng hiện nay vẫn là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thường gặp, có thể tiến triển nặng gây nhiều biến chứng tại chỗ, toàn thân hoặc tử vong. Cần làm các xét nghiệm vi sinh vật cho những trường hợp bệnh nhân phải nhập viện. Xu hướng các vi khuẩn giảm nhạy cảm với các kháng sinh nên cần sử dụng kháng sinh hợp lý, tuân thủ theo đúng các nguyên tắc dược động học của các kháng sinh. Có thể dự phòng viêm phổi mắc phải ở cộng đồng bằng các biện pháp thay đổi hành vi (không hút thuốc lá, thuốc lào,…) cũng như chủ động tiêm các loại vaccine phòng cúm và các virút, vi khuẩn khác.
TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng