“Chúng tôi khao khát tạo ra sự khác biệt thực sự cho mọi người, dựa trên bằng chứng vững chắc và môi trường học thuật mạnh mẽ tại Đại học Huế.” – Đây là câu nói tâm huyết của Giáo sư Michael Patrick Dunne và các cộng sự của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng (ICHR) dành cho ngành Y tế Công cộng tỉnh Thừa Thiên Huế.
Giáo sư Michael Patrick Dunne – Đại học Công nghệ Queensland (QUT), Giáo sư danh dự Đại học Huế, Đồng Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng thuộc Đại học Y Dược Huế, đã có những đóng góp to lớn và quan trọng cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu tại Huế, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho cả nhà trường và tỉnh nói chung trong hơn 15 năm qua.
Là một trong những trí thức tiêu biểu được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế (HUSTA) vinh danh tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 cho những đóng góp bền vững và hiệu quả, HUSTA đã có cuộc phỏng vấn thú vị với Giáo sư Michael Dunne.
- Chúng tôi vui mừng được biết ông là Đồng Giám đốc của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng (ICHR), đây là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế và Trường Đại học Công nghệ Queensland (QUT), Úc. Điều gì đã khiến ông say mê gắn bó với Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế; và những mong muốn khát khao của ông khi quyết định thành lập Khoa Y tế Công cộng (YTCC)?
Giáo sư Michael Dunne: Tôi bắt đầu cộng tác với Đại học Huế từ năm 2005, sự hợp tác này đã diễn ra liên tục, hiệu quả, thú vị, và tôi hy vọng nó sẽ kéo dài trong tương lai. Trong những năm đầu, vai trò của tôi là cố vấn cho Tổ chức từ thiện Atlantic, sau đó Trường ĐH Y Dược Huế đã mời tôi để hỗ trợ phát triển năng lực cán bộ và chương trình giảng dạy cho một Khoa YTCC mới. Từ những buổi hợp tác đầu tiên, rõ ràng là chúng tôi có thể làm việc với nhau một cách hiệu quả, hơn nữa, tôi cũng cảm nhận được tình cảm gắn bó chân thành với các đồng nghiệp. Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ trong năm năm đầu tiên, và tôi rất vui khi nói rằng, công tác giảng dạy tại Khoa YTCC đã thu được những kết quả tốt đẹp và thiết thực.
Năm 2011, cùng với các lãnh đạo của Trường ĐH Y Dược Huế và Trưởng khoa YTCC Võ Văn Thắng, chúng tôi đã xây dựng chiến lược nâng cao năng lực nghiên cứu. Một trung tâm nghiên cứu hợp tác được thành lập, tập trung vào việc thu thập bằng chứng địa phương nhằm thúc đẩy sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi bước đầu đã thành công khi mở rộng liên kết với các bác sĩ tại 5 tỉnh miền Trung, thiết lập mối liên kết với các đối tác trong nước và các trường đại học quốc tế, công bố các bài báo khoa học và đào tạo nghiên cứu sinh Việt Nam và Úc. Năm 2014, nhà trường cho phép chúng tôi thành lập Viện nghiên cứu.
- Công tác cải thiện năng lực đội ngũ cán bộ và chương trình đào tạo cũng không ngừng phát triển và mở rộng. Giáo sư có thể chia sẻ những khó khăn và thách thức lớn mà ông và đồng nghiệp phải đối mặt, và những thành tựu nào khiến ông thấy tự hào nhất?
Giáo sư Michael Dunne: Đã có rất nhiều thách thức phải đối mặt, đặc biệt là trong năm năm đầu tiên. Chúng tôi đã phải tìm nguồn lực cho các dự án nghiên cứu dựa vào cộng đồng, học bổng đào tạo cán bộ, trang thiết bị và chi phí vận hành. Điều này đạt được nhờ có sự hỗ trợ của các Tổ chức từ thiện Atlantic, QUT, học bổng của chính phủ Úc và các dự án chia sẻ với các đối tác khác. Chúng tôi đã phát triển các nguồn lực đào tạo để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế. Một thách thức quan trọng khác là đảm bảo các đồng nghiệp của tôi ở QUT và Trường ĐH Y Dược Huế thực sự hiểu nhau. Chúng tôi biết rằng sự hợp tác này lẽ ra phải hơn nữa chứ không chỉ là một hoạt động kinh doanh. Chúng tôi đã dành thời gian để tìm hiểu về điểm mạnh và điểm yếu của hai bên, đồng thời phát triển mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Tôi tự hào về những thành tựu mà mình và cộng sự đã đạt được trong quá trình làm việc với Đại học Huế. Trước tiên, đó là một niềm vinh dự cho tôi khi giám sát 25 học giả Tiến sĩ Việt Nam, trong đó có các nhà nghiên cứu trẻ của tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều làm tôi thấy thật sự ấm lòng là khi nhìn thấy họ học hỏi trong quá trình làm nghiên cứu sinh và rồi phát triển sự nghiệp của họ ở Trường ĐH Y Dược Huế và trên khắp Việt Nam. Thứ hai, tôi hài lòng khi làm việc cùng ICHR với vai trò mở rộng các mối liên kết quốc gia và quốc tế. Trong những năm đầu Viện hoạt động, chúng tôi chủ yếu dựa vào kinh phí và các mối quan hệ đối tác khoa học với các đồng nghiệp QUT. Sau một thập kỷ, giờ đây chúng tôi đã có nhiều mối liên kết toàn cầu vững chắc, gồm những nghiên cứu với các cộng sự tại các trường Đại học hàng đầu thế giới, chẳng hạn như Đại học Cambridge và Edinburgh, Đại học VU Amsterdam, Đại học Y khoa và Nha khoa Tokyo, Đại học Antwerp và các đối tác khác ở Thái Lan, Đài Loan, Đức, Anh, Bỉ, Mỹ, New Zealand , Nhật Bản và Hàn Quốc. Công việc hợp tác quốc tế của chúng tôi đã được các đối tác trong Mạng lưới Y tế Công cộng Tiểu vùng sông Mê Kông và Hiệp hội Y tế Châu Á đánh giá cao. Thứ ba, Viện đã tích cực đào tạo và tư vấn về phương pháp nghiên cứu và thống kê sinh học cho các nhà nghiên cứu – hành nghề y tế tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung. Thứ tư, chúng tôi còn công bố nhiều nghiên cứu khoa học quốc gia và quốc tế, Chi tiết đầy đủ xem tại đây: http://iccchr-hue.org.vn
- Chúng tôi được biết Giáo sư và cộng sự đã đạt Giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019 với đề tài “Nghiên cứu tỷ lệ trầm cảm sau sinh và mối liên quan giữa các yếu tố văn hóa, xã hội và yếu tố trẻ đối với sức khỏe tâm thần sau sinh của phụ nữ tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, Giáo sư có thể cho biết thêm về giá trị và tính hiệu quả của đề tài này?
Giáo sư Michael Dunne: Những bà mẹ trong và sau khi mang thai có sức khỏe tốt mang lại những lợi ích sâu sắc đối với sự phát triển của trẻ và hạnh phúc của gia đình. Ngược lại, tình trạng suy nhược tinh thần và rối loạn thể chất chu sinh gây ra những tác hại đáng kể. Ở Việt Nam và các vùng khác của khu vực Đông Nam Á, có rất ít nghiên cứu về những vấn đề này. Mục đích của chúng tôi là tạo ra các nghiên cứu địa phương để đem đến cái nhìn sâu sắc về các yếu tố xã hội và văn hóa địa phương ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bà mẹ và sự phát triển của trẻ em, từ đó có thể thực hiện các giải pháp sức khỏe cộng đồng.
Các nhà nghiên cứu của chúng tôi đã thực hiện các nghiên cứu quan trọng về chứng trầm cảm trước khi sinh và sau khi sinh và những nguyên nhân có thể xảy ra. Chúng tôi đã hoàn thành các cuộc phỏng vấn sâu về sức khỏe tâm thần với hơn 1.200 phụ nữ và bà mẹ mang thai ở Huế và Đà Nẵng, đã thực hiện các cuộc phỏng vấn tâm lý toàn diện với 800 người trưởng thành ở nông thôn và thành thị Thừa Thiên Huế, cùng các nghiên cứu liên quan khác. Nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh rằng ở các cơ sở y tế hay cộng đồng tại Huế, việc tầm soát các rối loạn tâm thần thường gặp là khả thi; quả thực, trong các cuộc nghiên cứu của chúng tôi, nhiều phụ nữ sẵn sàng nói về sức khỏe tâm thần của họ và các yếu tố ảnh hưởng đến chúng. Rõ ràng là nên thực hiện các sàng lọc trong chăm sóc định kỳ phụ nữ mang thai và bà mẹ mới sinh – ở tất cả các tuyến chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam – tương tự như chăm sóc sức khỏe tâm thần ở nhiều nước có thu nhập trung bình và cao. Ngoài ra, các bác sĩ, y tá và nữ hộ sinh cần đặc biệt chú ý quan tâm đến những tác động của bạo lực gia đình trong thời kỳ mang thai, vì điều này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ, các biến chứng khi sinh và sự phát triển của trẻ sơ sinh. Các nhà nghiên cứu của ICHR đã hợp tác chặt chẽ với Nghiên cứu “Bằng chứng cho cuộc sống tốt đẹp hơn” (EBLS) được điều phối bởi Đại học Cambridge ở Anh và các đối tác ở tám quốc gia có thu nhập trung bình. Chi tiết xem tại: http://iccchr-hue.org.vn
Các nghiên cứu của chúng tôi về sức khỏe bà mẹ cũng tập trung đặc biệt vào những bà mẹ bị khuyết tật về thể chất. Chúng tôi đã làm việc để tích hợp các kết quả nghiên cứu trực tiếp vào đào tạo đại học và giáo dục chuyên nghiệp liên tục cho các chuyên gia y tế, cũng như cung cấp bằng chứng cần thiết cho các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về nhu cầu của phụ nữ khuyết tật mang thai, đau khổ về tinh thần và những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
- Trước tình hình dịch bệnh gia tăng và diễn biến phức tạp hơn như hiện nay, Viện đã có những đóng góp như thế nào trong nghiên cứu về COVID-19 ở Việt Nam và trên toàn cầu?
Giáo sư Michael Dunne: Là những nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, chúng tôi thường tập trung vào nghiên cứu các hành vi liên quan đến sức khỏe và các điều kiện xã hội ảnh hưởng đến chúng. Trong đại dịch này, chúng tôi đã có hợp tác quốc tế do Đại học Antwerp ở Bỉ điều phối. Chúng tôi đã thực hiện một số cuộc khảo sát trực tuyến quy mô lớn nhằm đo lường mức độ mà người dân Việt Nam trên toàn quốc tuân thủ các nguyên tắc an toàn về COVID. Gần đây, chúng tôi đã công bố những kết quả chỉ ra các tác động nghiêm trọng đến các bác sĩ và hệ thống y tế chăm sóc bệnh nhân COVID tại Đà Nẵng. Thông tin chi tiết có đầy đủ bằng tiếng Anh và tiếng Việt trên trang web của chúng tôi.
- Giáo sư đã cộng tác với Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế trong một thời gian dài như vậy, Giáo sư có nhận định thế nào về vấn đề nhân lực và đào tạo nhân lực phục vụ Y tế công cộng ở Việt Nam?
Giáo sư Michael Dunne: Tôi rất lạc quan về nguồn nhân lực của trường ĐH Y Dược Huế và trong toàn ngành y tế công cộng ở tỉnh này. Đội ngũ của Đại học Huế, từ các giáo sư đến giảng viên cơ sở, đều cam kết vì sự nghiệp nâng cao sức khỏe cộng đồng và duy trì hệ thống y tế công cộng. Năm 2021, chúng tôi có nhiều giáo viên và nhà nghiên cứu được đào tạo trình độ Tiến sĩ và Thạc sĩ theo tiêu chuẩn quốc tế. Các chương trình đại học rất đa dạng và thú vị, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có các kỹ năng đánh giá chương trình sức khỏe, tin học sức khỏe, quản lý chăm sóc sức khỏe, dịch tễ học, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, dinh dưỡng, tâm lý sức khỏe và nâng cao sức khỏe. Hơn 15 năm qua, với những nỗ lực không mệt mỏi của nhiều người và sự ủng hộ mạnh mẽ ở Việt Nam và quốc tế, năng lực đào tạo và nghiên cứu chuyên môn của các cán bộ, sinh viên ngành Y tế công cộng tại Huế hiện nay rất ấn tượng và tôi có thể nói là ngang bằng hoặc hơn các sinh viên và chuyên gia ở nhiều quốc gia.
- Mong ông có thể chia sẻ những dự định trong công việc sắp tới?
Giáo sư Michael Dunne: Cảm ơn vì câu hỏi tuyệt vời này! Chúng tôi cố gắng mỗi ngày và hình dung một tương lai không có khổ đau và gián đoạn đến cuộc sống bình thường bởi dịch COVID-19. Trong tương lai, nhóm của chúng tôi trong Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và tôi dự định sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau. Chúng tôi còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là áp dụng những kết quả từ nghiên cứu của mình để cải thiện các dịch vụ y tế cộng đồng và đào tạo cho nhân viên y tế. Chúng tôi có một dự án tên là TRICEP (Nghiên cứu Chuyển đổi để Cải thiện Giáo dục và Thực hành Lâm sàng), công việc tiến hành tốt đẹp trước đại dịch và chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục dự án này một khi khả thi. Trong năm 2020-2021, chúng tôi đã công bố nhiều bài báo khoa học về các vấn đề quan trọng liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Hiện tại chúng tôi muốn đưa thông tin này vào các chương trình đào tạo của chúng tôi cho các sinh viên và nhân viên y tế trong cộng đồng. Chúng tôi khao khát tạo ra sự khác biệt thực sự cho mọi người, dựa trên bằng chứng vững chắc và môi trường học thuật mạnh mẽ tại Đại học Huế.
* Xin cảm ơn giáo sư về cuộc phỏng vấn.
HOÀNG THỊ THUỶ TIÊN