Vài suy nghĩ về việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị một công trình kiến trúc quý của Cố Đô Huế

Tác giả: Yên Chi, Nguyên Trí

Đặt vấn đề

Trên đoạn đường Bùi Thị Xuân từ Ga Huế đến di tích Hổ Quyền, ở phía tay phải, sát bờ sông Hương có một ngôi biệt thự hai tầng xây dựng theo kiểu kiến trúc Đông Dương khiến rất nhiều du khách đến thăm Cố đô Huế không khỏi tò mò, thích thú trước vẻ đẹp độc đáo và rất hài hòa với cảnh quan tuyệt đẹp của miền Hương Ngự. Mặc dù đã trải qua hơn trăm năm, công trình kiến trúc này vẫn không hề lỗi thời, và cũng chưa hề phôi pha nét quyến rũ đặc sắc của mình, dù dấu ấn thời gian có làm biến đổi đôi chút những nét hoa văn trang trí tinh tế trên các khung cửa, hay trên mái nhà cổ kính. Trải qua bao dâu bể, ít ai biết chủ nhân ngôi biệt thự này chính là Thượng thư Tôn Thất Quảng (1883-1971), một vị đại thần có danh tiếng và địa vị cao quý một thời ở mảnh đất Thần kinh. Ở bài viết dưới đây, chúng tôi xin góp một số thông tin tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của vị thượng thư này cùng một số mô tả về công trình mà ông đã tâm huyết xây dựng và để lại. Qua đó, hy vọng sẽ phần nào đem lại một cái nhìn tương đối đầy đủ về một vị danh thần của triều Nguyễn và những di sản mà ông để lại, đặc biệt là ngôi biệt thự tại số 148 Bùi Thị Xuân.

  1. Thượng thư Tôn Thất Quảng: Cuộc đời và sự nghiệp

Xuất thân từ một gia đình hoàng phái và võ tướng, Tôn Thất Quảng là con trai của Chưởng vệ Tôn Thất Vu (1835-1914) và bà Hồ Thị Tự (1850-1943) và cũng là cháu nội Phó Vệ úy Tôn Thất Điểm (1802-1846). Gia đình ông thuộc chi 5, phòng 9, hệ 7 Tiền biên. Vị viễn tổ của ông là ngài Huấn Vũ hầu Nguyễn Phúc Thể (1699-1763), con trai thứ 9 của chúa Nguyễn Phúc Chu, hiện có phủ thờ khá lớn ở làng Lương Quán.

Thượng thư Tôn Thất Quảng

Tôn Thất Quảng sinh vào ngày 31 tháng 3 năm 1883 tại làng Lương Quán, tổng Cư Chánh, huyện Hương Thủy (nay thuộc phường Thủy Biều, thành phố Huế). Lớn lên, ông được vào học ở Trường Quốc Tử Giám, thuộc diện tôn sinh (con em trong hoàng tộc). Sau đó, Tôn Thất Quảng tiếp tục vào học tiếng Pháp tại Trường Quốc Học Huế. Ông là một trong những học sinh đầu tiên của Trường Quốc Học (niên khóa 1896-1897). Chính những năm tháng học tập tại Trường Quốc Học đã tạo cơ hội cho Tôn Thất Quảng tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nó. Đồng thời, ông cũng đăng ký tham dự kỳ thi Hương khoa năm Kỷ Dậu, Duy Tân thứ 3 (1909) tại trường thi Thừa Thiên và đậu Tú tài Hán học. Vì vậy, Tôn Thất Quảng có nhiều kiến thức về Hán học và Tây học. Sau này, ông đã áp dụng những hiểu biết về kiến trúc nghệ thuật phương Tây khi xây dựng ngôi biệt thự của mình nằm bên cạnh dòng sông Hương.

Trải qua gần 40 năm dấn thân chốn quan trường, Tôn Thất Quảng đã lần lượt được thăng thưởng, đảm nhận các chức vụ trọng yếu khác nhau: Thư ký ở Tòa sứ Thừa Thiên (1906-1909), Tri huyện Phú Lộc, Thừa Thiên (1909-1913), Tri phủ Hoài Nhơn, Bình Định (1913-1915), Lang trung Bộ Hộ kiêm làm Thông ngôn trong hoàng cung (1915-1916), Tá lý Bộ Học (1916-1917), Thị lang Bộ Học (1917-1918), Bố chánh Quảng Nam (1918-1923), Tuần vũ Bình Định (1925-1929), Phủ doãn phủ Thừa Thiên (5/1929-12/1929), Tổng đốc Thanh Hoá (1929-1933), Hiệp tá Đại học sĩ sung Cơ Mật Viện đại thần, Thượng thư Bộ Lễ nghi Công tác kiêm quản Khâm Thiên Giám (7/1933-5/1942)[1]. Sau khi nghỉ hưu vào năm 1942, ông được vua Bảo Đại tấn phong tước An Lãng nam. Với những huân công và đóng góp to lớn trong sự nghiệp làm quan, Tôn Thất Quảng đã được chính quyền Nam triều, chính phủ Bảo hộ tặng thưởng Đại Nam ngân tiền, Kim tiền, Kim khánh, Long Bội tinh, Bắc Đẩu Bội tinh… và nhiều bằng sắc với những lời ca ngợi tốt đẹp. Ông mất vào ngày 11 tháng 11 năm 1971, hưởng thượng thọ 88 tuổi.

Với tư cách là một vị quan đại thần theo trường phái tân tiến trong triều đình Huế, Thượng thư Tôn Thất Quảng thường xuyên khuyến khích, vận động những người đứng đầu chính quyền cấp huyện, xã phải hướng dẫn nhân dân trên địa bàn mình quản lý dần dần bãi bỏ các hủ tục trong phong tục tập quán lạc hậu vốn có truyền thống từ lâu đời để cắt giảm các khoản chi lãng phí, đặc biệt về tổ chức nghi lễ quan-hôn-tang-tế linh đình, hay tập tục ăn uống vừa tốn kém vừa lãng phí. Ngoài ra, cụ Tôn Thất Quảng cũng là một thành viên tích cực của Hội Những người bạn Cố đô Huế (Association des Amis du Vieux Hué).

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), ngôi biệt thự của Thượng thư Tôn Thất Quảng là địa điểm gặp gỡ của nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước đương thời và cũng là nơi che chở, nuôi giấu nhiều cán bộ hoạt động cách mạng[2]. Vì vậy, cụ Tôn Thất Quảng có nhiều con trai, con gái và con dâu hoạt động cho Việt Minh như Tôn Thất Hanh, Nguyễn Thị Thu Ba, Tôn Thất Hoàng (Nguyễn Phước Hoàng), Nguyễn Thị Xuân Phượng, Tôn Thất Đát, Tôn Nữ Lan Huệ, Tôn Thất Hiền (Tôn Thất Nguyễn Phước Hiền)… Với những đóng góp lớn cho cách mạng, ngày 13/3/2008, cụ Tôn Thất Quảng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Ngọc Thiện tặng bằng khen vì “đã góp công, góp sức vào cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc”[3].

  1. Biệt thự Thượng thư Tôn Thất Quảng: Một đại diện tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Huế

Năm 1914, cụ Tôn Thất Quảng đã xây dựng một ngôi biệt thự hai tầng mang phong cách kiến trúc Đông Dương hài hòa, trang nhã tọa lạc bên bờ sông Hương thơ mộng. Hiện nay, ngôi biệt thự này nằm tại địa chỉ số 148 đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, thành phố Huế[4]. Dù trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và khí hậu khắc nghiệt xứ Huế nhưng ngôi biệt thự của Thượng thư Tôn Thất Quảng vẫn còn được gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn, trở thành một trong những công trình kiến trúc thời thuộc địa thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa hai truyền thống kiến trúc Đông-Tây vô cùng độc đáo. Toàn bộ diện tích khuôn viên biệt thự này rộng đến 4.652m2, gồm các hạng mục kiến trúc cổng ngõ, bình phong, bể cạn, hòn non bộ, nhà chính, nhà phụ và nhà cầu nối[5], am thờ và sân vườn, được xây dựng trên trục cảnh quan chính theo hướng Nam. Ngoài ra, sự kết nối giữa kiến trúc biệt thự với dòng sông Hương còn được nhấn mạnh với một kiến trúc bến thuyền đặt phía sau nhà chính, nối đến sát mặt nước của dòng sông Hương. Cổng ngõ, bình phong, bể cạn và hòn non bộ đều nằm ngay phía mặt tiền nhà chính, tạo nên sự kết hợp độc đáo nhưng hài hòa các đặc điểm kiến trúc Đông- Tây rất riêng. Đây cũng là một giá trị hiếm có của quỹ kiến trúc Huế.

Trong các thành phần kiến trúc biệt thự Thượng thư Tôn Thất Quảng, nhà chính là công trình trung tâm có quy mô đồ sộ nhất (diện tích mặt bằng khoảng 330m2), thể hiện sự kết hợp khéo léo giữa kiến trúc truyền thống Huế với sự dung hợp, chuyển hóa các phong cách kiến trúc, kỹ thuật xây dựng mới của phương Tây phù hợp với điều kiện khí hậu và văn hóa bản địa, tạo nên một tổng thể cân đối, hài hòa có giá trị nghệ thuật cao. Đó chính là quy hoạch mặt bằng tổng thể công trình mang các nguyên tắc bố cục truyền thống Huế, mang hơi hưởng phong cách cung đình. Các công trình đều đối xứng qua đường trục chính, ở vào các vị trí tiền, hậu, tả hữu rất nhất quán. Mặt tiền ban công tòa nhà được trang trí các đề tài truyền thống như Phúc- Thọ (con dơi ngậm chữ Thọ), hoa lá, bát bửu, tứ quý bằng nghệ thuật đắp nổi sành sứ và thủy tinh nhiều màu nằm đối xứng nhau. Toàn bộ kết cấu mái tầng hai được dựng bằng gỗ với hình thức cột – kèo giao nguyên trụ đội. Mái ngói liệt dày với nhiều lớp ngói được đỡ bởi bộ khung mái, phía trước trang trí các con sơn gỗ; trần nhà cao giúp tạo ra một đệm không khí để ngăn nhiệt thâm nhập từ mái. Ở đây còn bố trí các cửa sổ mái nhỏ giúp lưu thông gió tự nhiên, làm ngôi nhà luôn trong trạng thái dễ chịu. Ngoài ra, bộ mái vươn ra khá lớn so với mặt nhà nên có khả năng che nắng và chống mưa hắt rất tốt. Trên nóc đỉnh mái tứ giác của phòng lồi (nối từ mái chính) đặt một thiên hồ (bầu rượu). Cầu thang và mặt sàn tầng hai được làm bằng gỗ lim. Xung quanh ngôi biệt thự có vườn cây xanh bao phủ và luôn được chăm chút cẩn thận, gần đó lại có dòng sông Hương luôn đưa gió mát thổi vào những ngày hè. Điều này khiến nhiệt độ trong nhà luôn được điều hòa, không bao giờ quá cao, kể cả những ngày trời nóng bức.

Đặc điểm của kiến trúc phương Tây ở đây được thể hiện qua các cột trụ mô phỏng phong cách nghệ thuật Roman, nền lát gạch hoa xi măng 200x200mm. Chủ nhân ngôi nhà đã tận dụng kiến trúc ban công để tạo thành một không gian bổ sung (phòng lồi) tại tầng hai. Hệ thống cửa của công trình cũng được chủ nhân hết sức lưu tâm. Cửa ra vào chính là một cửa dạng vòm có độ cao tương đương hai tầng nhà được làm bằng gỗ và bông sắt. Phần chân móng công trình xây đá hộc, cao khoảng 80cm để tránh ngập lụt và hứng gió tốt hơn. Nền nhà cao nhằm tách xa mặt đất để hạn chế nhiệt hắt từ đất lên và cũng để cách ẩm cho nền nhà tốt hơn. Nền nhà được trang trí đều đặn hình lục lăng. Kết cấu công trình là sự kết hợp giữa cột bê tông cốt thép và tường gạch chịu lực cùng hệ sàn gỗ. Tường nhà xây gạch, dày 35cm để cách nhiệt tốt và chống lại cái nắng nhiệt đới gay gắt do mặt trời từ phía Đông và Tây. Hệ thống cửa sổ, cửa đi sử dụng kiểu trong kính ngoài chớp, đặc trưng của các kiến trúc thuộc địa đã được thích ứng hóa thành công với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm xứ Huế. Kiểu kiến trúc này khiến cho căn biệt thự ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

  1. Vài suy nghĩ về việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị ngôi biệt thự của Thượng thư Tôn Thất Quảng

Thượng thư Tôn Thất Quảng là một nhân vật lịch sử trong một gia đình hoàng tộc, gia giáo và nổi tiếng của Huế trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Xuất thân cao quý và trong suốt thời gian làm quan dưới triều Nguyễn, dù ở nơi đâu, trong cương vị nào, cụ Tôn Thất Quảng vẫn luôn giữ được phẩm chất, khí tiết của một vị quan cương trực, yêu nước và thương dân. Ngôi biệt thự mà Thượng thư Tôn Thất Quảng để lại là một di sản kiến trúc quý, kết tinh nhiều giá trị về nghệ thuật, văn hóa và lịch sử, cũng là một địa chỉ gắn liền với truyền thống yêu nước và cách mạng của Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, ngôi biệt thự của Thượng thư Tôn Thất Quảng là một công trình kiến trúc mang phong cách Đông Dương rất tiêu biểu, nằm ở một vị trí rất đẹp, bên bờ sông Hương, giữa lòng thành phố Huế với không gian rộng rãi (gần 5000m2) và lối kiến trúc biệt thự vườn rất đặc sắc của Huế một thời.

Huế không chỉ có Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới mà còn rất nhiều các công trình kiến trúc quý, trong đó có những công trình thời thuộc địa chứa đựng nhiều giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật, rất cần được bảo tồn, gìn giữ.

Trong bối cảnh nhiều công trình kiến trúc thuộc địa ở Huế đã bị phá hủy phần lớn, những công trình còn lại phần nhiều đã bị biến đổi, xuống cấp nghiêm trọng bởi thời gian và tác động của quá trình đô thị hóa thì may mắn là ngôi biệt thự của Thượng thư Tôn Thất Quảng vẫn còn được bảo tồn, giữ gìn khá nguyên vẹn. Bởi vậy, chúng ta cần khẩn trương có các giải pháp và kế hoạch để bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị ngôi biệt thự này. Hoàn toàn có thể biến địa chỉ này thành một thiết chế văn hóa như nhà hát, bảo tàng nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, với quy hoạch đã và đang triển khai hai bên bờ sông Hương đoạn qua trung tâm thành phố Huế, việc kết nối kiến trúc biệt thự Thượng thư Tôn Thất Quảng với các di sản xung quanh trong tương lai chắc chắn sẽ tạo nên một tuyến du lịch[6] hay để níu giữ du khách gần xa, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng tại Cố đô Huế.

Chúng tôi cho rằng, cần phải giữ gìn và phát huy giá trị công trình kiến trúc độc đáo này như một di sản sống trong nhịp sống mới của thời đại, vì hơn hết, nó chính là nơi lưu giữ một phần ký ức của Kinh đô Huế vàng son một thuở./.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Souverains et Notabilités d’ Indochine [Các đấng quân vương và các nhà quyền quý của Đông Dương] (1943), Editions du Gouvernement Général de l’Indochine [Phủ Toàn quyền Đông Dương xuất bản], Nhà in Trường Viễn Đông Bác Cổ (I.D.E.O), Hà Nội, tr. 70-71.

[2] Trong đó phải nhắc đến Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Bảy (tức Bảy Khiêm) đã từng ẩn nấp trong căn biệt thự của Thượng thư Tôn Thất Quảng để tránh cuộc vay bắt của địch.

[3] Trần Phương Trà (Chủ biên) (2013), Quốc Học xưa và nay, tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 1321.

[4] Năm 1984, gia đình cụ Tôn Thất Quảng đã chuyển nhượng lại ngôi biệt thự cho Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Thừa Thiên Huế (nay là Công ty cổ phần An Phú Tân) làm trụ sở làm việc và hoạt động kinh doanh sản xuất.

[5] Trước đây tại biệt thự Thượng thư Tôn Thất Quảng còn có cổng vòm, nhà phụ với kiến trúc nhà rường, mái lợp ngói liệt (mặt bằng diện tích khoảng 194m2). Nhà chính nối với nhà phụ qua một nhà cầu lợp mái ngói liệt. Rất tiếc, kiến trúc cổng vòm, nhà cầu và nhà phụ đã bị phá hủy hoàn toàn trong giai đoạn Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Thừa Thiên Huế mở rộng cở sở sản xuất.

[6] Hình thành tuyến tham quan du lịch trên đường Bùi Thị Xuân gồm các công trình Ga Huế, biệt thư Thượng thư Tôn Thất Quảng, Cung Phổ Hóa, viên tẩm Tuy Lý vương, làng đúc đồng Phường Đúc, Hổ Quyền, Điện Voi Ré, phủ thờ Tương An quận vương…

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email