Tác giả: Trung tâm Phát triển kinh tế và Bảo tồn văn hóa (CPED)
“Tại sao hiện nay trên thị trường có bán sẵn các loại hạt cườm nhựa đủ màu sắc nhưng bà vẫn làm và dùng hạt cườm chì để dệt vải Dèng ạ?”
“Vì bà thích hạt cườm chì truyền thống hơn so với cườm nhựa, tấm vải được dệt với hạt cườm chì mang giá trị cao hơn rất nhiều và bà cảm thấy rất vui vì mình vẫn có cơ hội để làm và giữ được nghề truyền thống này”
Vải Dèng ngày nay thường được sử dụng hạt cườm nhựa nhiều màu sắc có bán sẵn ở các chợ với giá thành rẻ hơn nhiều thay vì sử dụng hạt cây rừng hay hạt cườm từ chì trong truyền thống. Chúng tôi rất may mắn khi được ghé thăm và được làm việc với nghệ nhân làm và dệt hạt cườm chì vào vải Dèng còn lại duy nhất tại xã Lâm Đớt, huyện A Lưới – bà Kăn Xong (sinh năm 1945).
Bà kể cho chúng tôi nghe về quá trình học làm ra những hạt cườm chì kỳ công và hành trình gắn bó với cái nghề mà người ta không mấy mặn mà. Những câu chuyện ngày xưa về sự quý giá của hạt cườm chì trên tấm vải Dèng như sáng rực trong mắt bà. Bà tự hào lắm về truyền thống của dân tộc, tự hào hơn nữa khi còn đủ cơ hội để tiếp tục gắn bó với nghề. Bà kể rằng bà được mẹ dạy và biết làm ra hạt cườm chì năm bà lên 10 và đây cũng là công việc gắn bó với cuộc đời bà.
Để dệt nên một tấm vải Dèng với cườm chì mang giá trị truyền thống cao thì cũng chứa đựng cả một quá trình làm kỳ công của người nghệ nhân. Từ nguyên liệu là miếng chì thô cứng được nóng chảy trên chiếc dĩa inox, người nghệ nhân sẽ ngồi hàng giờ bên bếp lửa dùng thanh tre mũi nhọn để tách chì ra thành từng viên nhỏ và tạo lỗ tròn ở giữa, sau đó hất nhanh hạt chì vào nước để chì cứng lại và tạo nên 1 hạt cườm chì. Bàn tay phải đủ sự linh hoạt, tỉ mỉ và chuẩn xác thì mới có thể tạo được hạt cườm chì tròn đều. Những hạt cườm chì sau đó sẽ được xâu lại thành từng xâu dài. Hiện tại do tuổi đã cao nên bà chỉ làm được 1 xâu cườm chì 1 ngày (dài khoảng 30 – 40cm), khoảng 10 xâu mới đủ để dệt được 2 đoạn cườm ở 2 đầu của 1 tấm khố. Thời gian để tạo nên 1 tấm khố vải Dèng bao gồm từ công đoạn làm hạt chì cho đến dệt cườm vào vải mất khoảng 20 -30 ngày.
Với tình yêu nghề, tự hào về nghề làm cườm chì truyền thống thì bà rất hi vọng thế hệ trẻ sau này sẽ tiếp tục thay mình gắn bó và gìn giữ những giá trị ấy. Bà đã từng dạy cho nhiều người trong xã nhưng cũng chẳng ai có đủ đam mê, đủ sự chịu thương chịu khó để gắn bó với cái nghề kỳ công này. Chỉ có duy nhất người con gái của bà – chị Lê Thị Pút (1977) được mẹ dạy từ nhỏ và vẫn đang theo mẹ làm nghề đến bây giờ.
Những tấm vải Dèng cườm chì sau khi dệt xong bà sẽ mang vào các huyện như Tây Giang, Nam Giang và Đông Giang của tỉnh Quảng Nam để bán. Bà thường đem vào các hộ gia đình để chào mời vải và từ từ bà có khách quen đặt hàng thường xuyên, mỗi khi có nhiều đơn hàng 2 mẹ con không làm kịp thì bà thuê lại bà con trong xã dệt vải Dèng với hạt cườm chì bà làm để kịp giao cho khách.
Hạt cườm chì hay hoa văn từ cườm chì vẫn là một nét rất đặc biệt của nghề dệt Dèng truyền thống, mặc dù có phần mờ nhạt và bị lãng quên giữa các loại hạt cườm nhựa nhiều màu sắc hay vì sự kỳ công của nó. Nhưng đối với bà đó là sự tự hào về truyền thống của dân tộc, là tình yêu nghề và niềm đam mê với nghề mà bà gắn bó từ thuở niên thiếu cho đến bây giờ.