Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viết tắt tiếng Anh là COPD (Chronic Obstructive Pulmonary Disease). Bệnh nhân COPD có thể bị viêm phế quản tắc nghẽn, khí phế thũng hoặc cả hai.
1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viết tắt tiếng Anh là COPD (Chronic Obstructive Pulmonary Disease). Bệnh nhân COPD có thể bị viêm phế quản tắc nghẽn, khí phế thũng hoặc cả hai.
Viêm phế quản tắc nghẽn: là tình trạng viêm và sưng mạn tính làm cho bên trong các ống thở (đường thở) nhỏ hơn bình thường. Sự thu hẹp này cản trở việc không khí thoát ra khỏi phổi tốt và dễ dàng.
Khí phế thũng: Phổi được tạo thành từ hơn 300 triệu túi khí nhỏ gọi là phế nang. Những túi khí này thường co giãn. Khi bạn hít vào, túi khí mở rộng như những quả bóng nhỏ. Thở ra thường là thụ động (không mất công sức) khi phế nang được đưa về trạng thái bình thường, trở lại kích thước ban đầu. Trong khí phế thũng, các vách của phế nang bị tổn thương và mất tính co giãn. Kết quả là các túi khí không đưa khí ra dễ dàng được nữa. Khí phế thũng cũng có thể góp phần thu hẹp đường thở.
2. Nguyên nhân của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Mặc dù nguyên nhân phổ biến nhất của COPD là khói thuốc lá, có một số yếu tố khác có thể gây ra hoặc làm cho COPD trở nên tồi tệ hơn, bao gồm phơi nhiễm môi trường và yếu tố di truyền. Ví dụ, tiếp xúc nhiều với bụi tại nơi làm việc, hóa chất và ô nhiễm không khí trong nhà hoặc ngoài trời (bao gồm khói củi hoặc chất đốt sinh khối) có thể góp phần gây ra COPD.
Một số người không có những phơi nhiễm này mà vẫn bị COPD. Chúng tôi cũng không hoàn toàn hiểu tại sao một số người hút thuốc không bao giờ bị COPD và một số người không bao giờ hút thuốc nhưng bị COPD có lẻ do các yếu tố di truyền có vai trò trong việc phát triển COPD.
3. COPD ảnh hưởng đến hệ hô hấp và đe dọa tính mạng người bệnh như thế nào:
– Phổi, đường hô hấp và túi khí thường đàn hồi. Khi chúng ta hít vào, phổi căng ra giống như quả bóng chứa đầy không khí. Nhưng khi thở ra, các túi khí xẹp xuống và đẩy không khí ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, ở những người bị COPD, ít luồng không khí đi vào và ra khỏi đường hô hấp. Những vấn đề này thường xảy ra bởi khí phế thũng
– Khí phế thũng xảy ra khi khói thuốc lá hoặc các chất ô nhiễm không khí khác, khiến các vách ngăn giữa các túi khí bị hỏng. Khi túi khí suy yếu, các vách ngăn vỡ ra, tạo ra một túi khí lớn thay vì nhiều túi nhỏ hơn. Điều này gây khó khăn hơn cho các mao mạch hấp thụ đủ lượng oxy cung cấp cho cơ thể và để tống xuất hết CO2 ra khỏi cơ thể, làm cho dần dần khó thở.
– COPD có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng
4. COVID-19 ảnh hưởng như thế nào đối với bệnh nhân COPD
Kết quả nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ tử vong lên tới 6,3% ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bị mắc COVID-19.
COVID-19 là do một loại virus đường hô hấp gắn vào các tế bào thông qua các protein được gọi là thụ thể ACE2. Các thụ thể ACE2 tồn tại với mật độ cao ở mũi, khí quản và đường hô hấp, nơi virus có thể xâm nhập gây bệnh. Nhưng ở một số người, virus có thể di chuyển sâu hơn vào phổi đến phế nang nơi các thụ thể ACE2 cũng có mật độ lớn. Việc nhiễm COVID-19 đã làm tổn thương tăng lên, suy đa phủ tạng nặng hơn, vì trước đó bản thân họ đã có những tổn thương. Bệnh nhân có thể bị “cơn bão cytokine” – một phản ứng miễn dịch cấp tính gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể. Đây là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như vi rút gây bệnh và dẫn đến phản ứng viêm toàn hệ thống. Gây nên hội chứng suy hô hấp cấp tính nghiêm trọng (ARDS) và tình trạng suy đa phủ tạng nặng có khả năng đe dọa tính mạng.
COPD được đặc trưng bởi tình trạng xơ hóa và mất tính đàn hồi của phổi. Điều này có thể làm giảm khả năng tự thở của một người nếu nhiễm trùng xảy ra
5. Cách xử trí đối với bệnh nhân COPD có nguy cơ/hoặc mắc COVID-19
5.1. Phòng bệnh:
– Tránh đến những nơi đông người và tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ lây nhiễm, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
– Để có một hệ miễn dịch hoạt động tốt, cần phải bảo đảm cung cấp đủ năng lượng thông qua các bữa ăn hằng ngày, nhất là bữa sáng. Ngoài việc bổ sung thực phẩm nhiều đạm trong 3 bữa chính, cần ăn thêm bữa phụ giữa giờ với các thực phẩm như: Sữa, sữa chua, hoa quả, ngũ cốc… Bên cạnh đó, bổ sung thêm các loại thực phẩm nhiều vitamin A, nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần, vì nó đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch đường hô hấp.
– Đối với người hút thuốc lá, điều quan trọng nhất là phải từ bỏ hút thuốc.
– Tiêm vắc-xin cúm hàng năm và tiêm vắc-xin viêm phổi khi Bác sĩ đề nghị.
5.2. Xử trí cụ thể
– Người bệnh nên đến phòng cấp cứu ngay nếu có xuất hiện triệu chứng khó nói chuyện hoặc khó thở, móng tay hoặc môi tím tái, thiếu sự tỉnh táo hoặc nhịp tim rất nhanh.
– Sử dụng thuốc giúp làm giảm các triệu chứng của COPD và để ngăn ngừa đợt bùng phát của các triệu chứng (được gọi là các đợt kịch phát). Vốn có thể dẫn đến mất thêm chức năng phổi.
+ Các nhóm thuốc bao gồm những nhóm dùng để mở rộng đường thở (thuốc giãn phế quản), giảm phù nề ở đường thở (thuốc chống viêm, như steroid) và/ hoặc điều trị nhiễm trùng (kháng sinh).
+ Không giống như kháng sinh, hầu hết các loại thuốc điều trị COPD nên được thực hiện mỗi ngày, thường là suốt đời.
+ Ở một số người, COPD cũng có thể gây giảm khí trong máu. Nếu điều này xảy ra, bệnh nhân có thể được cho thêm oxy. Khó thở không nên nhầm lẫn với mức oxy thấp. Những người bị COPD có thể khó thở ngay cả khi họ có oxy tốt. Do đó, khó thở không phải lúc nào cũng là một chỉ định tốt cho việc bạn cần sử dụng oxy. Cần tham vấn tham ý kiến bác sỹ chuyên khoa.
– Chương trình phục hồi chức năng phổi cung cấp việc thể dục có giám sát và giáo dục cho những người có vấn đề về hô hấp và nên là một phần của kế hoạch điều trị toàn diện cho bất cứ ai mắc bệnh COPD.
– Các nhóm hỗ trợ cộng đồng có thể cung cấp hướng dẫn và cơ hội cho bệnh nhân COPD và những người chăm sóc họ bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của họ với những người khác bị COPD và gia đình.
– Trong một số trường hợp, các phẫu thuật như phẫu thuật giảm thể tích phổi hoặc ghép phổi có thể là những lựa chọn để xem xét.
5.3. Điều trị hỗ trợ ở bệnh nhân COPD mắc COVID-19
– Việc giảm tải lượng vi-rút thông qua các biện pháp can thiệp ở giai đoạn đầu của bệnh và kiểm soát các phản ứng viêm thông qua các chất điều hòa miễn dịch làm ức chế các phản ứng viêm do cytokine/chemokine gây ra là các giải pháp hiệu quả giúp cải thiện tiên lượng các bệnh nhân mắc COVID-19.
– Một số thuốc đã được sử dụng trên lâm sàng hoặc đang còn thử nghiệm: IFN-λ, Corticosteroid, Globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch (IVIG), Các chất đối kháng với họ IL-1, Các chất đối kháng với IL-6, Các chất chẹn TNFs, Các chất ức chế IFN-αβ, Chloroquine, Ulinastatin, Các chất ức chế Oxidized phospholipids (OxPL), Điều chế thụ thể của Sphingosine-1-phosphate, Điều trị tế bào gốc, Lọc máu, Các chất ức chế đại thực bào, Cải thiện tính thấm thành mạch
Tóm lại, SARS-CoV-2 gây ra phản ứng cytokine/chemokine quá mức và kéo dài ở một số người bị nhiễm bệnh, được gọi là cơn bão cytokine. Cơn bão cytokine gây ra ARDS hoặc rối loạn chức năng đa cơ quan, dẫn đến tử vong. Kiểm soát kịp thời cơn bão cytokine ở giai đoạn đầu thông qua các biện pháp như điều hòa miễn dịch và đối kháng cytokine, cũng như giảm thâm nhiễm các tế bào viêm ở phổi, bên cạnh các biện pháp điều trị thường qui bệnh COPD là chìa khóa để cải thiện tỷ lệ thành công điều trị và giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COPD mắc COVID-19.
TS.BS Trần Thừa Nguyên
Trưởng khoa Nội Tổng hợp Lão khoa, BV TW Huế,
Phó Chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường Thừa Thiên Huế