Lễ trao giải Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VI (2018 – 2023)

Tác giả: Khánh Phong

Sáng ngày 18/9, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, UBND tỉnh và Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ trao giải Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII (2018 – 2023).

Đến dự có đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, và các văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế đạt giải trong lần này.

Cứ 5 năm một lần, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô tỉnh Thừa Thiên Huế là sự kiện hân hoan và sôi động nhất của văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế và văn nghệ sỹ các tỉnh thành trong cả nước sáng tác về Thừa Thiên Huế. Các tác phẩm, công trình VHNT xuất sắc của văn nghệ sĩ sẽ được trao giải. Đó là niềm vui sau bao lặng thầm, bền bỉ sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

Từ ngày 16/2 đến ngày 15/3/2024, cơ quan Thường trực Giải thưởng đã nhận được 244 tác phẩm, công trình của 113 tác giả thuộc 08 chuyên ngành Văn học nghệ thuật đăng ký tham dự xét tặng giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VII (2018 – 2023).

Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2024, Ban Tổ chức Giải thưởng VHNT Cố đô lần thứ VII đã tổ chức cho 08 Hội đồng sơ khảo các chuyên ngành Văn học nghệ thuật (gồm: Kiến trúc, Múa, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Sân khấu, Âm nhạc, Văn nghệ dân gian và Văn học) họp nhận xét, đánh giá, và chấm điểm đối với các tác phẩm, công trình của 08 chuyên ngành Văn học nghệ thuật đăng ký tham dự giải thưởng, đảm bảo các quy định của thể lệ giải thưởng.

Ngày 24/8/2024, Hội đồng Chung khảo giải thưởng VHNT Cố đô tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII đã tiến hành thẩm định, xét chọn các tác phẩm, công trình vòng chung khảo giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ VII. Kết quả, đã chấm, xét 57 tác phẩm đạt giải, bao gồm 7 giải hạng A, 18 giải hạng B, 32 giải hạng C. Trong đó: Kiến trúc: 4 công trình/ của 1 tập thể, 5 tác giả; Múa: 6 tác phẩm/ của 1 tập thể, 5 tác giả; Mỹ thuật: 10 tác phẩm/ của 10 tác giả; Nhiếp ảnh: 9 tác phẩm/của 9 tác giả; Sân khấu: 6 tác phẩm/ của 5 đơn vị thực hiện và 1 cá nhân; Âm nhạc: 9 tác phẩm/ của 9 tác giả; Văn nghệ dân gian: 2 tác phẩm/của 1 nhóm tác giả và 1 cá nhân; Văn học: 11 tác phẩm/của 11 tác giả.

Chuyên ngành âm nhạc có 31/38 tác phẩm vào vòng sơ khảo, gồm các thể loại hòa tấu dàn nhạc dân tộc, Hợp xướng, Giao hưởng Thơ, Tứ tấu, ca khúc. Các tác phẩm đều có sự tiệm cận các trào lưu hiện đại ở từng thể loại, nhiều tác phẩm có nét mới là tính phá cách của nhịp điệu, tiết tấu. Nhạc sĩ Lê Quang Vũ với Giao hưởng thơ “Thành phố xanh bên dòng Hương giang” đoạt giải A, tạo nên dấu ấn mới của giải VHNT Cố đô lần này.

Chuyên ngành sân khấu có 6 tác phẩm dự thi, với 3 tác phẩm về đề tài lịch sử, 2 tác phẩm dựa trên những câu chuyện dân gian Việt Nam và 1 tác phẩm đề tài cách mạng. Các tác phẩm đều mang âm hưởng thời đại, thế thái nhân tình, chống bất công, chống tham nhũng, hướng tới chân – thiện – mĩ. Nhà hát Ca kịch Huế tiếp tục mang về giải A, với tác phẩm “Cá mẻ kho” từng được Liên hoan sân khấu toàn quốc đánh giá cao.

Chuyên ngành Múa có 6 tác phẩm, tác giả đoạt giải, trong đó có tác phẩm “Thanh trà hiến quả” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế giành giải A. Ban tổ chức khuyến khích các tác phẩm phát huy chất liệu của múa truyền thống, hướng tới việc phục vụ cho các lễ hội, đặc biệt là lễ hội Festival Huế Bốn mùa.

Chuyên ngành kiến trúc có tăng số lượng tác phẩm dự giải so với trước, chủ đề tập trung về kiến trúc công cộng, kiến trúc cảnh quan. Cụm công trình “Các điểm kiến trúc cảnh quan” đạt giải A. Cụm công trình này đã góp phần làm cho sông Hương đẹp lên từng ngày, người dân Huế và du khách có điều kiện tiệm cận vẻ đẹp dòng sông nhiều hơn.

Chuyên ngành Mỹ thuật tác phẩm “Đêm Hoàng cung” của họ sĩ Nguyễn Đình Dũng giành giải A. Đánh giá chung, các tác phẩm mỹ thuật dự giải lần này khá đa dạng về thể loại (hội họa giá vẽ, điêu khắc tượng tròn, phù điêu) với nhiều chất liệu. Phong cách sáng tác chủ đạo là ấn tượng, bán trừu tượng, tả thực…chủ đề đa dạng, từ ca ngợi văn hóa truyền thống, hoài cổ, tự sự đến những vấn đề của đời sống đương đại, ca ngợi vẻ đẹp con người.

Chuyên ngành văn học có 38 tác phẩm dự thi, trong đó có những gương mặt mới. Các tác phẩm tập trung các chủ đề về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước và hồi ức chiến tranh. Giải A thuộc về nhà văn Trần Thuỳ Mai với “Công chúa Đồng Xuân” là cách đánh giá khá mới mẻ của giải lần này.

Qua giải thưởng lần này, Ban Tổ chức đã ghi nhận những đóng góp quý báu của văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong việc góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng “bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và bền vững” theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email