Lan toả địa danh Huế

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Sương

Ngày 26/1/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND kèm theo bản tóm tắt “Đề án Thành phố trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế”. Theo đó, dự kiến tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có tên gọi mới là Thành phố Huế với 9 đơn vị hành chính (cấp huyện) trực thuộc.

Hoàng thành Huế nhìn từ trên cao

Hiện chưa có nguồn thông tin nào khẳng định địa danh “Huế” chính thức xuất hiện lúc nào, theo một số tài liệu thì vua Lê Thánh Tông (1442-1497) có lẽ là người đầu tiên nói đến địa danh Huế trong bài văn nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn. Trong đó có câu: “Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then”. (Kato Eiichi (1991), “Mậu dịch với Đông Dương cuả các thương điểm thuộc công ty Đông Ấn Hà Lan tại Nhật Bản”, Đô thị cổ Hội An, Nxb KHXH Hà Nội, tr.129).

Những tài liệu sử học cũ ngoại trừ Quốc triều chính biên toát yếu khi nói tới Huế, đều dùng cái tên Phú Xuân hoặc Kinh đô, hoặc Kinh, chứ không dùng tên Huế thì đã nhắc đến tên địa danh này.  Bộ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim là bộ sử đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, ngoài nguồn sử liệu truyền thống, tác giả đã sử dụng nguồn sử liệu của phương Tây, và tên Huế xuất hiện. Giữa thế kỷ XVII, địa danh Huế xuất hiện trong Tự điển Việt – Bồ – Latinh của giáo sĩ Alexan de Rhodes (bản in 165, tr116): Hóa, Kẻ Hóa, Thuận Hóa. Trong hồi ký của Pierre Poivre, một thương nhân Pháp đến Phú Xuân vào năm 1749, cái tên Huế xuất hiện nhiều lần dưới dạng hoàn chỉnh là Hué. Năm 1787, Le Floch de la Carrière đã vẽ bản đồ duyên hải Đàng Trong cho Bộ Hải Quân Pháp, trong đó bản đồ đô thành Huế được vẽ một cách khá rõ và cái tên Huế đã được ghi như cách người Pháp thường viết về sau: HUÉ. Cuối thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, đã nhắc đến địa danh Huế. Trong một lá thư viết tại Sài Gòn ngày 15 tháng 7 năm 1789 của Olivvier de Puynamel gởi cho Létodal ở Macao, hai lần cái tên Hué được nhắc đến khi nói về tình hình nơi này.

Trong thế kỷ XIX, ngày 20/10/1898, dụ của Vua Thành Thái lập thị xã Huế, ngày 30/8/1899 Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y đạo dụ và ngày 12/12/1929 được nâng thành thành phố Huế.

Có thể đoán định, tên Huế là tên dân dã, chỉ cái tên Thuận Hóa, do đọc chệch Hóa thành Huế, hoặc chí ít cũng có mối quan hệ với chữ Hóa (Thuận Hóa, Hóa Châu, Hóa, Kẻ Hóa, Kẻ Hóe, Huế). Còn tại sao lại đọc chệch như thế, thì có lẽ phải nghiên cứu ngữ âm tiếng địa phương Thừa Thiên Huế. Duy có việc gọi Thuận Hóa thành ra Hóa – Huế thì hiểu được. Cư dân Việt truyền thống, tên cổ (nôm) địa danh toàn đơn âm, bây giờ còn rơi rớt một ít ở phía bắc, được lưu dân mang tập quán ấy vào miền Nam.

Đô thị Huế sự kết hợp truyền thồng với hiện đại

Tại Hội thảo về Bảo tồn và phát huy di sản phi vật chất khu vực Huế, tổ chức tại Đại Nội Huế (18/3 đến 21/3/1994), học giả người Pháp gốc Champa, ông Po Dharma đã cho rằng địa danh Huế khởi nguyên từ một từ Champa cổ được phát hiện trong văn bia, phiên âm Latinh là HUE, có nghĩa là mùi thơm. Ông Po cho hay chữ Huế trong tiếng Champa cổ nói trên dùng để chỉ một thành phố của Champa ở gần một con sông, tên thành phố ấy, có nghĩa là mùi thơ (Trần Đức Anh Sơn (2008), Huế – Triều Nguyễn. Một cái nhìn, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.31).

Đầu năm 2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành lấy ý kiến người dân về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, phương án tên gọi khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đa số người dân đều chọn phương án tên gọi Thành phố Huế, với tỷ lệ 88,9%. Đây cũng là tên gọi được các nhà nghiên cứu, học giả ủng hộ xét trên nhiều bình diện tại hội thảo quy hoạch và phương án mô hình các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức.

Huế hài hoà giữa môi trường và phát triển

Trong lịch sử, Huế đã được gọi tên địa danh vùng đất này từ rất sớm, là một trong ba trung tâm lớn đánh dấu sự phát triển đất nước và của các đô thị của Việt Nam trong thời kỳ hiện đại: “Hà Nội, Huế, Sài Gòn/ Là cây một cội, là con một nhà” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Địa danh Huế rất nổi tiếng, có tính lan tỏa và phạm vi ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước; nhờ những giá trị văn hóa đặc sắc được kế thừa từ một vùng đất đã từng là thủ phủ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và kinh đô của các triều đại Tây Sơn, triều Nguyễn trong hơn 300 năm (1636-1945). Trong đời sống, từ Huế được sử dụng rất phổ biến như tiếng Huế, nếp sống Huế, ẩm thực Huế, áo dài Huế, ca Huế, nhà vườn Huế, Festival Huế, văn hoá Huế… đều đã trở thành những thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Như vậy, việc chọn danh từ Huế để đặt tên cho thành phố trực thuộc trung ương bao gồm toàn bộ phạm vi tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay sẽ có giá trị lịch sử – văn hóa, tính lan tỏa cao và thuận lợi trong quá trình xây dựng thương hiệu./.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email