Năm 2013, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã khẳng định thế giới đang ở giai đoạn “hậu kháng sinh”. Trong khi đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra tuyên bố cuộc khủng hoảng “kháng kháng sinh” đang trở lên nghiêm trọng hơn. Theo WHO tỷ lệ người chết do kháng kháng sinh là khoảng 700.000 người mỗi năm, dự đoán đến năm 2050 tỷ lệ chết do kháng kháng sinh sẽ tăng lên 10 triệu người/năm và ngày càng phổ biến trên toàn Thế giới.
WHO (World Heath Organization, 2015) định nghĩa kháng kháng sinh là hiện tượng vi sinh vật kháng lại một loại thuốc kháng sinh mà trước đó đã từng được sử dụng để điều trị bệnh nhiễm trùng do vi sinh vật đó gây nên. Như vậy, kháng kháng sinh không phải là đặc điểm của vật chủ bị nhiễm, mà là do bản chất hoặc sự tiếp nhận yếu tố kháng thuốc của vi sinh vật do tiếp xúc với kháng sinh. Khi vi khuẩn đã trở nên kháng thuốc thì bệnh do vi khuẩn đó gây nên sẽ khó điều trị hơn. Cách tiếp cận để điều trị là phải đổi thuốc khác hoặc tăng liều điều trị, cách này sẽ làm tăng chi phí, tăng nguy cơ gây độc và các tác dụng phụ. Vi khuẩn kháng với nhiều loại thuốc được gọi là hiện tượng đa kháng thuốc, đôi khi còn được gọi là “siêu khuẩn”.
Trước khi chúng ta có kháng sinh tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm là rất cao, hầu hết các nhiễm trùng vết thương đều được điều trị bằng loại bỏ mô nhiễm trùng, tỷ lệ nhiễm trùng của các ca phẫu thuật cấy ghép chỉnh hình cũng rất cao. Hiện nay chúng ta đang đối mặt với nguy cơ trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh do các vi khuẩn đã kháng lại hầu hết các loại kháng sinh. Vì vậy hậu quả của kháng kháng sinh là rất trầm trọng bao gồm hiệu quả điều trị bằng kháng sinh cho các bệnh truyền nhiễm giảm đi, tăng tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm; tăng chi phí điều trị do điều trị kèo dài với liều điều trị cao hơn hoặc phải lựa chọn nhưng loại dịch vụ đắt tiền hơn để đảm bảo an toàn hơn để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Sự gia tăng mức độ kháng kháng sinh cần được cải thiện bằng các kỹ thuật chữa trị kém hiệu quả hơn một liệu trình kháng sinh bao gồm: tiêu hủy, cắt cụt mô bệnh, khử trùng,… Những biện pháp này sẽ làm tăng thời gian điều trị và tiên lượng thành công sẽ thấp hơn. Việc gia tăng các bệnh truyền nhiễm không thể chữa trị do số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng tăng nhanh sẽ tác động trầm trọng đến kinh tế và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng. Các bệnh trước đây có thể điều trị bằng kháng sinh thông thường như viêm phổi, lao hoặc các bệnh truyền nhiễm ở thể nhẹ có thể trở thành những bệnh không thể chữa trị. Khi sử dụng kháng sinh liều cao, thời gian kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ và làm trầm trọng thêm tình hình kháng kháng sinh. Kháng kháng sinh làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong và tăng chi phí điều trị vì hiệu quả điều trị bằng kháng sinh thông thường bị trì hoãn. Điều này thể hiện rõ ở các trường hợp vi khuẩn kháng với một loại kháng sinh duy nhất được lựa chọn để điều trị một bệnh. Bởi vì các xét nghiệm về tính nhạy cảm kháng sinh có thể mất thời gian dài sau lấy mẫu để có kết luận chính xác về tính kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, trong khi đó các diễn biến của bệnh có thời gian ngắn và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm hoặc tử vong.
Hiện nay vi khuẩn kháng thuốc được quan tâm nhất và nguy hiểm nhất là Staphylococcus aureus, và các vi khuẩn Enterococcus faecium, S. aureus, Klebsiella pneumoniae, Acinetobacter baumannii, Pseudomonas aeruginosa và Enterobacter. Trong số các vi khuẩn trên quan trọng nhất vẫn là MRSA (S. aureus kháng methicillin), VRSA (S. aureus kháng vancomycine), Acinetibacter đa kháng và Enterobacteriaceae đa kháng thuốc. Sự đề kháng kháng sinh của những vi khuẩn này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị các bệnh nhiễm trùng. Có khoảng 37,8% đến 50,9% vi khuẩn gây nhiễm trùng vết thương sau phẫu thuật kháng lại các kháng sinh thông thường. Những ca nhiễm trùng do K. pneumonia kháng lại carbapenem có nguy cơ tử vong cao gấp hai lần nhưng ca nhiễm vi khuẩn K. pneumonia nhạy cảm với carbapenem. Trong khi đó tại bệnh viện ở Mỹ người ta phải chi thêm khoảng 10.000 đến 40.000 USD để điều trị các ca bệnh bị nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc so với các ca nhạy cảm. Vi khuẩn kháng kháng sinh gây ra khoảng 2 triệu ca nhiễm trùng, 23.000 người chết mỗi năm. Ở châu Âu có khoảng 25.000 người chết mỗi năm do nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc, và gây thiệt hại khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm.
Như vậy, hiện tượng kháng kháng sinh đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và động vật. Nó không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị ở hiện tại mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng trong tương lai. Kháng thuốc làm tăng chi phí điều trị, tăng nguy cơ tử vong ở nhưng ca nhiễm trùng nặng, đặc biệt nhiễm vi trùng đa kháng thuốc. Chúng ta cần có những hành động cụ thể để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh bằng cách sử dụng kháng sinh một cách khoa học để tự bảo vệ bản thân và cộng đồng.
TS. NGUYỄN VĂN CHÀO