Tác giả: Đặng Thanh Phú
Ngày 24/5, Trường Đại học Kinh tế Huế phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng, tiềm năng và giải pháp kết nối các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN – Bộ KHCN; đại diện lãnh đạo của Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo – Đại học Huế, các trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế Huế, các ban ngành, đơn vị tại địa phương, cùng đội ngũ giảng viên, sinh viên của Trường ĐH Kinh tế Huế.
Tại hội thảo
Hội thảo là một hoạt động thiết thực của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 18/5/2016 với mục tiêu là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đến ngày 09/2/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 188/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg trong đó có các nội dung đáng chú ý, như: vai trò đầu mối quản lý nhà nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Bộ KH&CN và việc hình thành và phát triển Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Chuyên gia phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các tham luận tập trung vào các nội dung như: Động lực và rào cản đối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Nâng cao năng lực của địa phương trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo – kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai; Hoạt động ươm tạo khởi nghiệp tại Đại học Huế; Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sinh viên trường Đại học Kinh tế: thực trạng, thách thức và giải pháp; Thực trạng, tiềm năng, định hướng và giải pháp kết nối các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Từ hội thảo cho thấy việc thành lập mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, khuyến khích tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), khuyến khích tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống khởi nghiệp ĐMST trong nước, nước ngoài là hết sức cần thiết, phù hợp với Quyết định số 188/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, một số đề xuất về giải pháp như nâng cao nhận thức về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy liên kết và hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo khá thiết thực và hiệu quả cần được xem xét và nghiên cứu trong thời gian tới./.