Hóa chất diệt nấm trong hoa quả gây vô sinh

Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn vừa lấy mẫu nho, mận và lựu nhập khẩu từ Trung Quốc kiểm nghiệm và phát hiện chứa carbendazim và tebuconazole với dư lượng vượt mức cho phép từ 1,5 – 5 lần.

Đây là những chất diệt nấm sử dụng trong bảo quản trái cây mà nếu dùng vượt quá mức cho phép có thể gây vô sinh và nguy hại cho sức khoẻ.

Diệt nấm, diệt cả sức khoẻ người dùng

Carbendazim và tebuconazole đều là hóa chất diệt nấm trên rau củ quả. Carbendazim là một chuyển hóa chất của benomyl được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc diệt nấm, được tìm thấy là chất gây tổn thương tinh hoàn và mào tinh ở chuột thí nghiệm và chuột đồng. Ở Nhật Bản, khi thử nghiệm hóa chất carbendazim trên các loài chim trưởng thành và có hoạt động tình dục, cho thấy, khả năng gây vô sinh ở những con chim tiếp xúc kéo dài với carbendazim.

Đối với benomyl kích ứng da có thể xảy ra thông qua tiếp xúc với benomyl trong công nghiệp, trồng hoa, hái nấm. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho chó ăn benomyl trong khẩu phần ăn trong ba tháng cho thấy thay đổi chức năng gan ở liều cao nhất (150mg/kg). Khi tiếp xúc thời gian dài với hóa chất gây tổn thương gan nghiêm trọng, bao gồm cả xơ gan.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ phân loại benomyl như là hợp chất có thể gây ung thư. Hai năm nghiên cứu thử nghiệm qua chuột đã cho thấy nó có thể gây gia tăng các khối u gan. Bộ Nông nghiệp Thủy sản và Thực phẩm của Anh cũng đưa ra quan điểm này và cho rằng benomyl mang lại hiệu ứng độc cho gan. Ngoài ra, nó còn gây dị tật bẩm sinh, nếu người mẹ tiếp xúc với một liều cao bất thường của benomyl thông qua nghề nghiệp của mình trong thời gian mang thai thì ảnh hưởng đến sự hình thành của các dây thần kinh thị giác ở thai nhi.

Thuốc diệt nấm tebuconazole được Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ xác định có thể gây ra rủi ro với liều dùng cao, gây hại cho gan và đặc biệt kích ứng mắt, khá độc khi bị nhiễm qua đường miệng và mắt. Đồng thời, văn phòng cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ cho rằng, tebuconazole được liệt kê như là một chất gây ung thư có trong danh sách thuốc trừ sâu chứa chất gây ung thư với đánh giá thuộc loại C.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới phân loại độc tính, tebuconazole được liệt kê thuộc độc tính nhóm III. Do khả năng tác dụng phá vỡ nội tiết của tebuconazole, nên hóa chất này được xem xét loại bỏ ra khỏi thị trường châu Âu. Mặc dù biết những tác hại của chất diệt nấm thực vật với sức khoẻ con người, nhưng vì lợi nhuận trước mắt nên các chủ hàng vẫn sẵn sàng sử dụng hóa chất với nồng độ vượt mức cho phép để bảo quản rau củ quả, nhất là đối với rau, quả nhập từ Trung Quốc. Dù cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng hiện nay trái cây Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường nước ta, không chỉ ở các chợ, lề đường mà còn có cả trong các siêu thị như bắp cải, khoai tây, táo, lê, lựu… Những loại hàng này độc nhưng lại tiêu thụ nhanh, bởi biết cách đánh vào thị hiếu người tiêu dùng là giá rẻ và hình thức bắt mắt. Nguyên tắc dùng thuốc bảo vệ thực vật phải đúng quy trình quy phạm, phải có thời gian phân hủy thuốc, rã thuốc. Nói chung với các hóa chất đều có quy định thời gian phun và thu hoạch. Nên sử dụng những chế phẩm diệt nấm thành phần thiên nhiên thân thiện môi trường và thân thiện sức khoẻ con người như các chế phẩm, keo chế từ vỏ tôm cua để phun bảo quản trái cây… Còn khi hoa quả bị bệnh nặng thì mới nên dùng những thuốc diệt trừ sâu có nồng độ cao, nhưng tuyệt đối phải tuân thủ đúng quy tắc phun thuốc và thời gian thu hoạch bán ra thị trường.

Theo TS Đặng Chí Hiền

HUSTA.ORG

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email