Đưa Áo dài ngũ thân vào cuộc sống đương đại

     

Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành thực hiện chương trình phổ biến kiến thức về chiếc áo dài truyền thống hay còn gọi là áo dài ngũ thân với chủ đề “Đưa Áo dài vào cuộc sống đương đại”. Khách mời của chủ đề số này là TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn Hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế; Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế. Chương trình đã được phát sóng qua kênh Youtube Ban thong tin LHH Thua Thien Hue và website: husta.org của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, đã được thu hút được sự quan tâm lắng nghe của đông đảo quý khán thính giả.

Đến với chuyên mục, TS Phan Thanh Hải chia sẻ áo dài ngũ thân được sinh ra từ Huế từ đầu thế kỷ XVIII, gắn liền với vai trò đặc biệt của chúa Nguyễn Phúc Khoát, tên gọi áo dài Huế có lẽ cũng bắt đầu từ đây. Cho đến giữa thế kỷ này, áo ngũ thân đã phổ biến ở toàn Đàng Trong, và sang thế kỷ XIX đã trở nên phổ biến và trở thành quốc phục của người Việt. Áo dài ngũ thân của người Huế là chiếc áo dài vừa mang nét truyền thống của người Việt trước đó, vừa có những điểm sáng tạo mới, hình thành nên loại trang phục rất riêng biệt không giống như những loại trang phục nào trước đó, được cha ông chúng ta sử dụng trong hàng trăm năm, xem đó là hồn cốt dân tộc, là niềm tự hào của một quốc gia có văn hiến.

Áo dài thường đi kèm với chiếc khăn đóng, áo dài ngũ thân tức là gồm 5 thân ghép lại với nhau và có 5 hạt nút tượng trưng cho ngũ thường (5 phẩm chất làm người là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) và ngũ luân (5 mối quan hệ vua – tôi, giữa cha – con, chồng – vợ, anh – em, bạn bè). Chiếc áo đã truyền tải những gì tốt đẹp nhất, hay nhất, mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý. Câu chuyện phục hưng áo dài thực chất sẽ góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế, xã hội của cố đô Huế, nâng cao mức sống của người dân, tuy nhiên việc này không hề đơn giản, mà cần sự chung tay, góp sức của Chính quyền các cấp và người dân để đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại và để nó tỏa sáng như vốn đã từng..

Chính quyền đang cố gắng làm thế nào để phục hồi được một loại di sản quý, đặc biệt với Huế, chúng ta rất thuận lợi vì là nơi khai sinh ra áo dài, có môi trường rất lý tưởng và việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Sở Văn hóa và Thể thảo nghiên cứu, triển khai đề án “Huế – kinh đô áo dài”  để có cơ sở pháp lý triển khai một cách đồng bộ và xây dựng hồ sơ để đưa áo dài Huế thành di sản cấp quốc gia. là rất phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với chủ trương “phát triển nhanh, bền vững, dựa trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế” mà Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ về con đường xây dựng và phát triển của Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sắp tới sẽ cố gắng phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt là triển khai đề án “Huế – kinh đô áo dài”, đưa áo dài vào trường học làm sao giáo dục tạo thành bản sắc của Huế, đưa áo dài vào du lịch, dịch vụ… bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể xã hội, đơn vị triển khai áo dài để làm thế nào áo dài càng ngày càng phổ biến hơn nữa. Đồng thời phối hợp các nghệ nhân, nhà nghiên cứu để họ tiếp tục nghiên cứu, khai thác tạo ra sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng trong xã hội, tạo ra sản phẩm uyển chuyển, đáp ứng được nhu cầu nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp trong cuộc sống sao cho mọi sự cách tân phải dựa trên nền tảng truyền thống, trên sự hiểu biết sâu sắc của áo dài truyền thống Việt Nam.

BÍCH ĐÀO

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email