Trạng thái đề tài:
Lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo
Hoạt động: Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật
Năm: 2025
Ngày nộp đề tài: 23/01/2025
Thông tin nhóm tác giả
Tên tác giả / nhóm tác giả: Chu Đình Kiên, Nguyễn Thị Phương Nam
Đơn vị công tác của chủ nhiệm: Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế
Địa chỉ cơ quan của chủ nhiệm: 123 Nguyễn Huệ, thành phố Huế
Tính mới của giải pháp
Giáo dục tích hợp văn hóa Huế trong hoạt động cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học ở trường mầm non (4-5 tuổi) là đề tài được xây dựng, biên soạn dựa trên văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/04/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình Giáo dục mầm non; Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản, cố đô Huế; Công văn số 2124/SGDĐT- GDMN ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế về việc Tích hợp giáo dục “Văn hóa địa phương” vào Chương trình Giáo dục mầm non và thực tế giảng dạy hoạt động cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học ở trường mầm non trên địa bản tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay.
Tích hợp giáo dục “Văn hóa địa phương” cho trẻ mầm non đảm bảo các nội dung giáo dục về văn hóa đặc sắc của Thừa Thiên Huế như: cốt cách con người Huế, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, một số ngành nghề truyền thống của địa phương, những sự kiện văn hóa lễ hội, ẩm thực, các trò chơi dân gian và những làn điệu dân ca Thừa Thiên Huế… nhằm giáo dục cho trẻ yêu quê hương, đất nước; tự hào về con người Huế và bản sắc văn hóa Huế, từ đó hình thành cho trẻ nhân cách chuẩn mực và những hành vi đạo đức phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, cốt cách nho nhã thanh lịch của người Huế (Thừa Thiên Huế nói chung và Huế nói riêng); hình thành ý thức trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn bản sắc “Văn hóa địa phương” ngay từ độ tuổi mầm non, rèn luyện hành vi đạo đức tích cực cho trẻ, tạo sự tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp phù hợp với văn hóa cội nguồn…
Mục đích của đề tài là định hướng cho giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiến Huế thiết kế giáo án theo hướng tích hợp văn hóa địa phương vào trong hoạt động cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học linh hoạt, khéo léo vừa đảm bảo tính nghệ thuật của văn học vừa thể hiện được các nội dung tích hợp. Mặc dù tầm quan trọng của việc tích hợp giáo dục văn hóa địa phương, cụ thể là văn hóa Huế vào các hoạt động giảng dạy cho trẻ mầm non có ý nghĩa to lớn, tuy nhiên thực trạng dạy học còn nhiều khó khăn, bất cập chưa thực sự có hệ thống tạo ra ý nghĩa trong việc giáo dục nhân cách toàn diện.
- Đề tài đã xây dựng được hệ thống biện pháp giáo dục tích hợp văn hóa Huế vào trong hoạt động giảng dạy tại trường mầm non. Cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học là một hoạt động mang tính đặc thù, vì vậy việc tích hợp các giá trị văn hóa Huế vào giảng dạy cho độ tuổi 4-5 tuổi có ý nghĩa to lớn đối với việc hình thành tri thức, nhân cách cho trẻ mầm non.
- So với cách giảng dạy thông thường, trẻ mầm non ít hứng thú với các hoạt động của GV. Tuy nhiên khi áp dụng phương pháp dạy học tích hợp giúp trẻ hứng thú hơn với hoạt động cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học, nhất là trẻ được gắn với hiểu biết của mình với thực tiễn văn hóa xung quanh địa phương nơi trẻ sinh sống.
Tính sáng tạo
- Có khả năng ứng dụng trong hoạt động giảng dạy cho chương trình giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt trong hoạt động cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học. Giúp giáo viên bậc học mầm non có thêm công cụ hữu ích trong công tác giảng dạy, nhất là giáo dục tích hợp văn hóa địa phương.
- Là tài liệu tham khảo có giá trị cho các bạn sinh viên ngành Giáo dục mầm non đang học tập tại các trường đại học và cao đẳng không chỉ ở Huế mà còn trên cả nước.
- Đề tài sẽ là công trình gợi mở cho các công trình khác tiếp tục nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy tích hợp các giá trị văn hóa cho những độ tuổi khác, đồng thời mở rộng trên phạm vi cả nước.
Hiệu quả kinh tế xã hội
- Từ những giải pháp mà chúng tôi đề cập trong đề tài sẽ mang lại hiệu quả cao trong hoạt động giảng dạy, nhất là đối với bậc học mầm non. Đặc biệt nhất là tạo hứng thú cho trẻ mầm non trong quá trình khám phá các tác phẩm văn học cũng như văn hóa độc đáo ở địa phương. Từ đó phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa Huế vào thực tiễn đời sống hàng ngày của trẻ mầm non nói riêng, học sinh tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
- Bên cạnh đó, đề tài còn góp phần giáo dục ngay từ sớm về các giá trị văn hóa để góp phần hình thành kiểu con người Huế, văn hóa Huế đậm đà bản sắc như Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.