Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ngày 12/3, Ban thường vụ Trung ương Đảng tổ chức hội nghị mở rộng ở Đình Bảng (Bắc Ninh) kịp thời ra chỉ thị: Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Hội nghị nêu rõ: Cuộc đảo chính đã tạo ra một tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa vũ trang mau chóng đi đến chín muồi. Hội nghị nhận định cao trào cách mạng đã bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa…
Tháng 8/1945, tình thế trực tiếp cách mạng xuất hiện.
Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức khai mạc tại Tân Trào (Tuyên Quang), đã quyết định Tổng khởi nghĩa. Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, do Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp phụ trách. Đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa ra quân lệnh số 1: Giờ tổng khởi nghĩa đã đến ! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy chính quyền độc lập của nước nhà !
Hỡi các tướng lĩnh và đội viên Quân giải phóng Việt Nam !
Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, các bạn hãy tập trung lực lượng, kịp đánh vào các đô thị và trọng trấn của quân địch, đánh chặn các đường rút lui của chúng, tước võ khí của chúng ! Đạp qua muôn trùng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến lên !
Hỡi nhân dân toàn quốc !
Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo quân giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù. Chúng ta phải hành động cho nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng !
Tổ quốc đang đòi hỏi sự hy sinh lớn lao của các bạn !
Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta ! Ngày 16/8/1945, Quốc dân đại hội họp, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng: nổi dậy giành chính quyền từ tay Nhật và bọn bù nhìn tay sai của Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương.Đại hội cũng quy định Quốc kỳ, Quốc ca, thông qua mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Trong thư gửi đồng bào cả nước, Hồ Chủ tịch kêu gọi:
Hỡi đồng bào yêu quý !Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta.Nhiều dân tộc bị áp bức đang thi đua nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ.
Tiến lên ! Tiến lên ! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên !.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu đồng bào ta đồng loạt đứng dậy làm cuộc Tổng khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 15 ngày, từ 14 đến 28/8/1945, tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Từ Lạng Sơn, địa đầu phía bắc, đến Cà Mau, tỉnh cuối phía nam, từ vùng nông thôn miền núi, đồng bằng đến các thành phố Hà Nội, Huế, Sài Gòn…toàn bộ chính quyền đã về tay nhân dân.
Ngày 02/9/1945, khi Nhật Bản ký giấy đầu hàng đồng minh trên một chiến hạm của Mỹ, thì tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nó đã đập tan xiềng xích gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp và lật nhào chế độ phong kiến có từ hàng ngàn năm trên đât nước ta, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên của Đông Nam châu Á.
Đây là lần đầu tiên, nhân dân một nước thuộc địa nhỏ yếu, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đã anh dũng vùng lên giải phóng khỏi xiềng xích của đế quốc và tay sai. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng các dân tộc thuộc địa và nửa phong kiến, một Đảng Cộng sản mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công và nắm chính quyền trong cả nước.
Cách mạng Tháng Tám đã thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đem sức ta mà giải phóng cho ta, không bó tay ngồi chờ sự thành công của cuộc cách mạng vô sản ở Pháp hay Nhật, cũng không ỷ lại sự chi viện từ bên ngoài.
Trong bài Tiến lên dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã viết: Cách mạng Tháng Tám thắng lợi mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc ta, một cuộc đổi đời chưa từng có đối với người Việt Nam. Với thắng lợi đó, dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự do và Chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc mà về mặt quốc tế, nó có những cống hiến rất có giá trị cả về mặt thực tiễn lẫn lý luận. Cách mạng Tháng Tám đã chọc thủng khâu yếu nhất trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra thời kỳ suy tàn và tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trong toàn thế giới, cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, chống ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc.
Thắng lợi đó là sự cáo chung của một thời kỳ làm mưa làm gió của chủ nghĩa tư bản, là điểm khởi đầu của một thời đại độc lập dân tộc ở các nước khác, khẳng định thời đại các dân tộc cam chịu sự áp bức của cường quyền đã vĩnh viễn qua đi.
Cách mạng Tháng Tám là sự kiện lịch sử quan trọng mở đầu cho những thắng lợi của thế kỷ 20 của dân tộc Việt Nam. Từ thắng lợi đó, những thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước tiếp theo và đặc biệt, thắng lợi của hơn 20 năm đổi mới hiện nay như là một sự kết nối có tính liên tục. Những chủ trương, đường lối của Đảng vạch ra trong Cách mạng Tháng Tám như một công trình khoa học, nó có hiệu quả không những trong quá khứ, hiện tại mà còn mở đường thắng lợi cho tương lai.
a Chúng ta có thể nói, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thắng lợi của công cuộc đổi mới hiện nay là sự phát triển đi lên từ Cách mạng Tháng Tám. Có được điều ấy là do Đảng ta và nhân dân ta biết quý trọng lịch sử, luôn luôn phát huy tinh thàn và nghị lực cảu Cách mạng Tháng Tám. Mỗi thắng lợi tiếp theo, thắng lợi sau lớn hơn thắng lợi trước đều bắt nguồn từ sự kế thừa và phát triển lên cao hơn những giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Chính Luận