– Tờ Thời báo New York ngày 01/5/1975 đã in những chữ đầu hàng thành một tiêu đề lớn chạy suốt tám cột trên trang nhất, và hàng loạt tin và ảnh về chiến thắng của các lực lượng cách mạng vừa giải phóng thành phố Sài Gòn. – Thời báo Los Angeles ngày 01/5/1975 viết: Người Mỹ ra đi, người Nam Việt Nam (nguỵ quân, nguỵ quyền) đầu hàng, nước Việt Nam đã được trả lại cho người Việt …
– Tờ Tin điện New York cho việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của người Mỹ.
– Tờ Tin hàng ngày gọi sự kiện ngày 30/4/1975 là một chương bi thảm trong lịch sử Mỹ.
– Tờ Mặt trời Baltimore ngày 01/5/1975 viết: Chúng ta bị thương tổn và cảm thấy nhục, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã chín chắn hơn lên một chút…
– Tờ A-sa-hi Shim-bum ngày 01/5/1975 đã viết trong một bài xã luận: Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng, thời đại mà các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi.
– Phóng viên hãng Rewter ngày 30/4/1975 viết: Là phóng viên duy nhất có mặt tại khu vực phủ Tổng thống, tôi chứng kiến chiếc xe tăng đi đầu (của quân giải phóng) húc đổ cột bằng thép vững chắc và cán cờ (nguỵ) rơi xuống đất, rồi vượt qua. Gần 10 xe tăng khác nhanh chóng tiến lên theo và bộ đội Chính phủ cách mạng lan toả ra khắp khu vực phủ Tổng thống. Lính gác Nam Việt Nam (quân nguỵ) lập tức giơ tay xin hàng và tập hợp thành hàng ngũ chờ lệnh mới. Cờ Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trong khí thế chiến thắng ở lan can tầng hai ngay cả trong khi lá cờ ba sọc vẫn còn bay trên mái nhà. Trong khi Quân giải phóng đến chiếm phủ Tổng thống vẫy cờ, các cỗ súng trên xe tăng gầm lên và quân lính nổ súng chào mừng.
– Phóng viên UPI ngày 30/4/1975 viết: Quân đội cộng sản tươi cười và vui vẻ cưỡi xe tăng vào phủ Tổng thống ở Sài Gòn hôm nay và hô lớn đồng chí với những người đứng đông bên đường các nhà báo đang theo dõi. Họ thật sự không để ý đến sự có mặt của các nhà báo đang ghi lại sự đầu hàng lịch sử của Chính phủ Sài Gòn trước những người cộng sản.
Ba lá cờ trắng được kéo lên Sở chỉ huy cảnh sát một lúc sau khi ông Minh nói trên đài. Nhiều cờ trắng khác cũng đã treo lên ở ngoại ô phía Bắc Sài Gòn.
Dân chúng đi lại bình thường trên các đường phố,Cờ của Việt cộng đã xuất hiện trên các khối nhà. Lính Việt cộng đi trên các đường phố chính. Nhân dân địa phương tươi cười vây quanh họ, bắt tay họ.
– Tờ Paris hằng ngày, ngày 03/5/1975 viết: Sài Gòn đã thay tên và bộ mặt thế giới cũng đã dổi thay. Di chúc của Bác Hồ – Người đã từ trần sớm mất 6 năm – đang trở thành hiện thực. Con người ấy không những đã cổ vũ cuộc kháng chiến của Việt Nam mà còn huy động thanh niên thế giới xông vào hàng rào sắt của Nhà Trắng, cổ vũ thanh niên Anh ở công viên Tơ-ra-phan-ra, thanh niên Paris hoặc Oa-sinh-tơn hô những khẩu hiệu: Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh ! Con người ấy thế là đã thắng trong cuộc chống xâm lược !.
– Báo Tin tức (Ai Cập) ngày 07/5/1975: Không một ai trên trái đất này, dù chính kiến hay màu da của họ như thế nào đi nữa, lại không kính trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã giương cao ngọn cờ chiến thắng trên phần đất cuối cùng của Tổ quốc mình vào ngày 30/4/1975. Sau 30 năm trường chiến đấu liên tục, không một phút nghỉ ngơi, dân tộc ấy đã đánh bại ba tên đế quốc lớn mạnh nhất thế giới là Nhật, Pháp và Mỹ, và cuối cùng bằng máu và lửa, đã chứng minh cho cả loài người thấy rằng, những dân tộc đã chiến đấu thì không bao giờ chịu khuất phục và ý chí của họ là vô địch.
– Hấu hết các chương trình trên ba hệ thống vô tuyến truyền hình Mỹ tối ngày 01/5/1975 đều dành những đoạn phim về cuộc di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn ngày 29/4/1975 và các tin điện về việc kết liễu cuộc đời của cái gọi là Việt Nam cộng hoà, cùng với việc ra đời của chế dộ mới tại Sài Gòn.
– Hãng tin Pháp AFP, ngày 01/5/1975: Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện Việt Nam. Năm 1975, chứng kiến sự ra đời của một cường quốc mới – một nước Việt Nam thống nhất. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến khu vực này trên thế giới trong tương lai.
– Thời báo Anh, ngày 31/12/1975: Theo quan điểm lịch sử lâu dài, sự kiện có ý nhất trong năm 1975 chắc chắn là sự sụp đổ của các chế độ tay sai Mỹ ở miền Nam Việt Nam, Campuchia và Lào.
– Giắc Ma-đôn, Tạp chí châu Âu (Pháp), tháng 10/1975: Sau 30 năm chiến đấu – những cuộc chiến đấu lạ lùng – từ mùa xuân này hoà bình đã trở lại trên toàn nước Việt Nam. Hoà bình trong độc lập. Chắc chắn đây là thắng lợi trọn vẹn nhất mà một dân tộc có thể dành được đối với một đế quốc hùng cường vào bậc nhất. Phải hàng năm, có lẽ hàng chục năm nữa mới có thể lường hết được tầm quan trọng của thắng lợi này.
– Nhà sử học Mỹ C.Hơring đã rút ra bài học: Chiến tranh Việt Nam đã thể hiện rõ là Mỹ không thể giữ vững quan điểm của mình về trật tự thế giới…Người Mỹ phải hiểu rằng, họ sẽ không thể định đoạt những giải pháp cho các vấn đề thế giới và đạt tất cả các mục tiêu mong muốn (1) Chính Đ. Hanbơstam, phóng viên Báo New York Time, có mặt ở miền Nam Việt Nam từ năm 1963, đã nhận xét: Chúng ta đã ở về phía sai lầm của lịch sử (2)
Cựu Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Mác Namara, sau gần 30 năm im lặng đã phải tự hỏi: Những người cộng sự của tôi trong chính quyền Kennơdy và Giônsơn là một nhóm người đặc biệt…Tại sao nhóm người đó – những người giỏi nhất và thông minh nhất ấy … lại mắc sai lầm về Việt Nam ?… Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy ? (3)
Văn Chính
(1) George C. Hơring: Cuộc chiến tranh dài nhất của nước Mỹ – NXB CTQG-H-1998-tr 357-358.
(2) Phương Tây viết về chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam – Viện Khoa học quân sự – 1977-tr 41.
(3) Mác Namara: Nhìn lại quá khứ, tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam – NXB CTQG – H-1995-tr 11-12.