Bộ Công thương: Không thiếu hàng, sốt giá dịp Tết

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến Tết, sẽ không lo thiếu hàng hóa và xảy ra tình trạng sốt giá. Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, dự báo nguồn hàng cung ứng cho Tết Nguyên đán sẽ tăng 20-30%.

 

Dồi dào nguồn cung

Theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại Siêu thị BigC Thăng Long cho biết, năm nay, BigC Thăng Long chủ yếu bày bán các mặt hàng Tết mang thương hiệu Việt (chiếm đến 90% giỏ hàng).

Hàng ngoại nhập, có xuất xứ từ châu Âu và các nước Đông Nam Á cũng có nhưng chỉ để tăng tính đa dạng và thêm lựa chọn cho khách hàng.

“BigC Thăng Long đã chuẩn bị 400 tấn thịt tươi trong dịp Tết Nguyên đán. Chúng tôi đảm bảo cung ứng đủ hàng và bình ổn giá cả các mặt hàng trong thời gian từ nay đến Tết và tăng cường thêm các mặt hàng tiêu thụ mạnh như bia, bánh, dầu ăn, đồ uống, thịt nguội, hạt nêm, bột ngọt…”, bà Trang nói.

“Từ nay đến cuối năm, giá hàng bình ổn không những không tăng mà vào những ngày cuối năm, còn có chương trình giảm giá sâu cho người nghèo sắm Tết. Theo đó, các loại thịt sẽ giảm từ 6.000-10.000/kg”.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, thực hiện chương trình bình ổn giá, đặc biệt cho Tết Giáp Ngọ, Hapro đã thực hiện 214 chuyến bán hàng lưu động với các loại hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng tại 18 huyện ngoại thành Hà Nội. Hapro sẽ tiếp tục thực hiện 38 chuyến bán hàng lưu động trước, trong và sau Tết.

Đặc biệt, Hapro sẽ tổ chức bán hàng lưu động tại hai huyện miền núi Thạch Thất và Mỹ Đức để người tiêu dùng có điều kiện mua hàng hóa Tết chất lượng, đúng giá. “Hapro cũng cam kết với thành phố và Bộ Công Thương sẽ có khoảng 10-15 điểm bán hàng 24/24h trong dịp Tết để phục vụ người dân và khách du lịch”, ông Kiên nói.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, năm nay, nguồn hàng cung ứng cho Tết Nguyên đán dự báo tăng 20-30%. Giá cả các loại hàng hóa cũng sẽ ổn định dù giá gas và xăng dầu vừa tăng.

TPHCM sẽ tập trung ổn định giá vào hai tháng Tết cho đến ngày 1/3/2014. Do đó, các mặt hàng sẽ không tăng giá. Với mặt hàng bình ổn như thịt gia súc, gia cầm, trứng… sẽ có chương trình giảm giá sâu trong 3 ngày cuối cùng trước Tết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, giá cả các mặt hàng đều được bình ổn vì các siêu thị đã chuẩn bị hàng Tết từ sớm.

Hơn nữa, cuối năm là dịp kích cầu nên trước Tết một tháng, nhiều siêu thị đua nhau khuyến mãi thu hút khách hàng và người dân đến mua sắm. Năm nay, do kinh tế tiếp tục khó khăn nên sức mua hàng Tết sẽ không tăng đột biến.

Ông Phú cho rằng, sức mua trong dịp Tết Giáp Ngọ dự kiến sẽ tăng 15% so với năm ngoái, nhưng chủ yếu là tăng cơ học. Số người mua tăng nhưng thực chất, chi tiêu không tăng. “Dự báo nhóm hàng có sức mua mạnh nhất là thực phẩm. Sức tiêu thụ tại siêu thị nước ngoài sẽ tăng 20-30%, còn siêu thị nội tăng từ 5-10% so với năm trước”, ông nói.

Cảnh giác với khan hiếm giả

Từ nay đến Tết Giáp Ngọ, người dân yên tâm vì không lo thiếu hàng, sốt giá. Ảnh: Như Ý
Từ nay đến Tết Giáp Ngọ, người dân yên tâm vì không lo thiếu hàng, sốt giá. Ảnh: Như Ý.

 

Tại buổi tọa đàm “Bình ổn thị trường: Tháo gỡ khó khăn cung – cầu trong dịp Tết” ngày 25/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa cho biết, năm nay, các DN tham gia chương trình bình ổn cam kết sẽ bán hàng đến giáp 30 Tết và mở cửa sớm sau Tết. Riêng tại TPHCM, nguồn hàng bình ổn chiếm khoảng 30-40% nhu cầu người dân. Các mặt hàng thiết yếu (thịt gia cầm, trứng gia cầm…) đáp ứng 60% nhu cầu.

Trước lo ngại chất lượng và giá thành của một số mặt hàng bình ổn cao hơn ngoài thị trường, bà Thoa nói: “Hàng bình ổn có giá thấp hơn từ 5-10%. Để so sánh cao hay thấp, cơ sở so sánh là phải cùng chủng loại và chất lượng sản phẩm. Hàng bình ổn là sản phẩm sạch, đáp ứng tiêu chuẩn quy định nên không thể đem so sánh với các mặt hàng trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc”.

Theo bà Thoa, với mặt hàng thực phẩm, tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố giao cho các Cty lớn thông báo giá bình ổn từ 85-95.000 đồng/kg. TPHCM và Hà Nội, nguồn thịt dự trữ dịp Tết cung đủ cầu. Với các tỉnh Bắc Trung bộ vừa trải qua các trận bão hoành hành, các địa phương cũng cho biết việc chuẩn bị hàng hóa Tết tương đối yên tâm.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cũng khẳng định, hiện tượng khan hiếm bia vừa qua là khan hiếm giả. Theo bà Đào, các nhà máy sản xuất bia cho biết lượng bia toàn thành phố trong năm tăng 20-30%.

“Với nguồn cung như vậy, không thể xảy ra tình trạng khan hiếm bia. Sau khi quản lý thị trường và ngành thuế kiểm tra các đại lý bia cấp 1, khi biết sẽ bị truy thu thuế nếu tăng giá, trong 3 ngày giá bia đã ổn định trở lại”, bà Đào nói. Thứ trưởng Thoa cũng cảnh báo, từ nay đến Tết, người dân cần phải hết sức cảnh giác với những thông tin không chính thống.

Theo Tiền Phong

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email