Bị bệnh tim mạch do rượu

Mọi người thường nghĩ uống rượu hại gan nhưng không ngờ rằng rượu còn là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh khác như tăng huyết áp, các bệnh tim mạch và mạch máu não.

 

Mới 45 tuổi nhưng anh N. ở Đà Nẵng – công nhân Công ty môi trường đô thị, đã có thâm niên uống rượu 25 năm. Anh thường xuyên say xỉn, không chịu nổi cảnh này nên vợ anh đã bế con về nhà ngoại từ mấy năm nay. Rảnh tay anh càng uống nhiều hơn. Cứ sau giờ làm việc lại lai rai với đám bạn nhậu. Kết quả là anh đang bị căn bệnh xơ gan và xơ vữa động mạch do uống quá nhiều rượu.

Theo TS.BS. Nguyễn Hoài Nam, BV Chợ Rẫy TP.HCM: nhiều bệnh tim mạch và mạch máu của não có liên quan đến rượu. Rượu gây gia tăng đáng kể tỷ lệ bệnh và tỷ lệ tử vong. Cả hai tình trạng nghiện rượu cấp tính hay mạn tính đều ảnh hưởng đến huyết áp của người uống rượu nhiều và uống lâu dài có thể ảnh hưởng lên cơ của quả tim. Từ đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim, rung nhĩ…

Tăng huyết áp

Đã có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa việc uống rượu và tăng huyết áp. Nghiên cứu của Inersalt trên 4.626 đàn ông và 4.647 phụ nữ tuổi trung bình từ 20 – 59 tại 32 quốc gia trên thế giới cho thấy: đàn ông uống từ 300 – 499 ml rượu mỗi tuần, tức trên 60 ml rượu mỗi ngày, có huyết áp tâm thu trung bình cao hơn những người không uống rượu là 2,7 mmHg và 1,6 mmHg huyết áp tâm trương. Những người đàn ông nào uống trên 500 ml rượu mỗi tuần sẽ có huyết áp tâm thu và tâm trương cao hơn những người không uống rượu là 4,6/3. Trong khi phụ nữ nếu uống trên 300 ml rượu mỗi tuần sẽ có huyết áp cao hơn những phụ nữ không uống là 3,9/3,1 mmHg.

Người uống các loại rượu có độ cồn cao, rượu nặng sẽ có biến chứng cao huyết áp nhiều hơn người uống các loại rượu có độ cồn thấp.

Rượu là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến việc tăng huyết áp ở bệnh nhân.

Rượu và bệnh thiếu máu cơ tim

Nhiều nghiên cứu cho thấy: có sự liên quan giữa những người uống rượu bị bệnh thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, sự liên quan này có hai chiều đối nhau. Có nghĩa là uống rượu vừa phải thì tỷ lệ bệnh thiếu máu và nhồi máu cơ tim sẽ giảm, còn nếu uống quá nhiều thì nguy cơ thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim sẽ gia tăng. Một nghiên cứu trên 12.321 bác sĩ ở Anh cho thấy: rượu làm gia tăng tỷ lệ HDL cholesterol, là một loại cholesterol tốt có tác dụng bảo vệ thành mạch và cơ tim. Trong khi nó làm giảm LDL cholesterol, một loại cholesterol xấu gây xơ vữa và tắc nghẽn lòng mạch máu.

Ngoài ra, rượu cũng làm giảm lượng chất fibrinogen trong máu cũng như giảm quá trình kích hoạt tiểu cầu, từ đó làm giảm khả năng hình thành các cục máu đông trong lòng mạch. Vấn đề này có liên quan đến sự hiện diện của nhiều chất chống oxy hóa trong rượu vang đỏ của Pháp. Đây là một lợi điểm đáng lưu ý của rượu vang đỏ.

Rượu làm rối loạn nhịp tim

Những người nghiện rượu nặng, sau những đợt uống nhiều rượu có thể có những đợt bị rối loạn nhịp tim, đặc biệt là ngoại tâm thu trên thất. Người ta thường gọi: Hội chứng ngày nghỉ lễ, nhằm chỉ những rối loạn nhịp tim ở những người có trái tim bình thường sau những đợt uống nhiều rượu của những ngày nghỉ lễ, hoặc hội hè. Ở những người dưới 65 tuổi thì uống nhiều rượu sẽ là một nguyên nhân chính, chiếm đến 63% các trường hợp loạn nhịp tim kiểu rung nhĩ.

Uống nhiều rượu có thể gây suy tim

Rượu có thể gây tác hại trực tiếp trên cơ tim, nhất là tâm thất bên trái và có thể dẫn đến suy tim. Một nguyên nhân nữa thúc đẩy quá trình này là do trong khẩu phần ăn của những người nghiện rượu thường thiếu vitamin B1. Sự thiếu hụt này sẽ dẫn đến suy tim.

Minh Quân, Khoa học phổ thông

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email