Về hai bức tranh gương tại Bảo tàng Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế

Tác giả: TS. Phan Thanh Hải

Cách đây hơn 20 năm, khi thống kê các loại hình tranh gương (tranh kính) cung đình ở cố đô Huế, tôi đã có cơ may đến xem là chụp lại bức tranh gương quý trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học thuộc khoa Lịch sử, Trường đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường đại học Khoa học Huế), sau đó trong bài viết “Tổng quan về tranh gương cung đình Huế” công bố trên tạp chí Nghiên cứu & Phát triển và sau in lại trong sách “Dấu ấn Nguyễn trong văn hóa Phú Xuân”[1], tôi đã ghi chú về hai bức tranh này, tuy nhiên, vẫn còn sơ sài. Nay, nhân để phục vụ cho việc phân tích, bổ sung tư liệu cho dự án trùng tu phục hồi điện Cần Chánh, tôi xin viết rõ hơn về hai bức tranh trên.

Tranh gương cung đình Huế là một loại tranh độc đáo, do triều Nguyễn đặt hàng cho các nghệ nhân vùng nam Trung Quốc vẽ lại từ tranh mộc bản do triều đình khắc in. Tranh được các nghệ nhân tài hoa thực hiện theo bút pháp phản họa (vẽ ngược, vẽ mặt sau/âm bản) trực tiếp lên mặt gương/kính. Mặc dù lấy mẫu từ tranh mộc bản của triều Nguyễn gửi sang, nhưng khi thể hiện vẫn mang dấu ấn cá nhân của nghệ nhân, và điểm khác biệt lớn nhất so với tranh mộc bản là được vẽ bằng nhiều gam màu phong phú (khác tranh mộc bản là tranh đen trắng). Hiện tại, theo thống kê của tôi, tại Huế còn giữ được hơn 80 bức tranh gương cung đình thuộc nhiều thể loại: Tranh minh họa thơ ngự chế đề vịnh cảnh đẹp kinh đô và về điển tích cổ, tranh vẽ tĩnh vật… trong đó đại đa số là được lưu giữ, trưng bày tại quần thể di tích cố đô Huế như điện Long An (Bảo tàng cổ vật cung đình Huế), cung Diên Thọ, điện Sùng Ân (lăng vua Minh Mạng), điện Biểu Đức (lăng vua Thiệu Trị), điện Hòa Khiêm, Lương Khiêm (lăng vua Tự Đức), điện Ngưng Hy (lăng vua Đồng Khánh)…

Tại Bảo tàng Dân tộc học thuộc Khoa Lịch sử Trường đại học Khoa học Huế hiện nay đang trưng bày hai bức tranh gương thuộc dòng tranh minh họa thơ ngự chế của vua Thiệu Trị (1841-1847), đó là bức Lang tập quần phươngTrì lưu liên phảng. Đây cũng là hai cảnh trong vườn Cơ Hạ, một ngự uyển nổi tiếng nằm ở góc đông bắc bên trong Hoàng thành, ngự uyển này được vua Thiệu Trị nâng cấp tôn tạo và thường xuyên lui tới đề vịnh. Trong 5 khu vườn ngự uyển bên trong Hoàng thành (Ngự viên, Thiệu Phương, Cơ Hạ, Hậu Hồ và cung Trường Ninh),  Cơ Hạ là khu vườn rộng nhất (hơn 4,5 mẫu, tức khoảng 2,3 héc- ta) với một hệ thống công trình kiến trúc phong phú bao gồm điện, đình, lầu, tạ, các, hồi lang, sông đào, hồ, ao, non bộ… trong đó nổi bật là hồi lang Tứ Phương Ninh Mật chạy vòng quanh cả khu vườn. Trong loạt thơ ngự chế đề vịnh về vườn Cơ Hạ của các hoàng đế triều Nguyễn, chùm thơ vịnh 14 cảnh vườn Cơ Hạ (Cơ Hạ viên thập tứ cảnh) là tiêu biểu và nổi bật hơn cả, Lang tập quần phươngTrì lưu liên phảng là 2 trong số 14 cảnh thuộc chùm thơ này.

Dưới đây xin giới thiệu cụ thể về hai bài thơ trên[2].

Bài LANG TẬP QUẦN PHƯƠNG (Đệ tứ cảnh)

Phiên âm: Tứ Phương Ninh Mật hồi lang chu vi, trì chiểu giáp tiếp lâu đài, chiếu đối cao để phân minh. Trung ngoại giai trừ chi hạ, lan hữu tú, cúc hữu phương, hà hữu quy, mai hữu tín, tiếp tục vinh quang ư tứ tự, tài bồi tập khánh chi quần phương; tản bộ ngâm hài tùy hoa bạn liễu, tuân vi nhã chi dã.

Đống vũ chu hồi lịch tứ phương

Lộ thông đài tạ định khang trang

Lộ hoa nùng diễm nghênh thiềm hạ

Phong vũ kiều tiên vũ thiết bang

Xá tử yên hồng lan nhiễm phức

Đạp thanh trích thúy lộ ngưng hương

Dã vi vũ trạch tam thời thuận

Cấm thụ phồn vinh bách cốc xương

Dịch nghĩa: HÀNH LANG HỘI TỤ HƯƠNG THƠM (Cảnh thứ 4)

Hồi lang Tứ Phương Ninh Mật bao quanh, hồ ao nối tiếp lầu gác, song đôi cao thấp rõ rang. Dưới thềm, trong ngoài. Có lan xinh, cúc ngát, sen theo phép, mai báo tin, nối nhau tươi tốt bốn mùa, vun trồng muôn thơm, hội tụ phúc lành. Dạo bước ngâm ngợi bên hoa cạnh liễu, thật là thanh nhã vậy.

Lầu gác vòng quanh khắp bốn phía

Đường đi thong với đài tạ đều khang trang

Đọng sương hoa thắm như đón dưới hiên

Đùa gió liễu tươi tựa múa bên thềm

Hồng tươi tía thắm, lan can hương ngào ngạt

Giẫm cỏ xanh hái hoa biếc, bước chân đọng hương thơm

Mới hay ơn mưa móc cho ba mùa được thuận

Cây trong vườn cấm tốt tươi, trăm giống lúa thịnh đầy

Bài TRÌ LƯU LIÊN PHẢNG (Đệ thất cảnh)

Minh Giám trì, trừng triệt ba quang, tím khả phiếm dã. Cổ quế tiếp dĩ từ di bình hồ, thủy quan thanh lưu tế dẫn, lịch Vũ Giang, xuyên Ddào Nguyên, tiếp Kim Thủy hồ, khoát nhiên hạo cán, hạm đạm sở sở hà chi, điền điền ki họa, phảng chi thuân tuần, linh nhân ứng tiếp bất hạ, cố đương thắng nhĩ.

Quân tử hoa trì cửu hạ khai

Thái lăng phong nghịch ám tương thôi

Vô đoan hương sấn đình nhiêu hạ

Bất giác hương văn tập duệ lai

Hà xứ canh thanh do ái ái

Thùy gia giải ngữ trọng bồi hồi

Khể trì thủy các nhiên lê trượng

Kim tưởng ngân đường nguyệt tác môi

Dịch nghĩa: THUYỀN SEN DỪNG LẠI TRÊN HỒ (Cảnh thứ 7)

Hồ Minh Giám, ánh sáng trong vắt, thực có thể buông thuyền trôi. Khua chèo quế từ từ di chuyển trên hồ phẳng lặng, dòng mnuwocs trong dẫn dắt dần dần, qua Vũ Giang, xuyên Đào Nguyên, tiếp đến hồ Kim Thủy, bỗng nhiên bát ngát, hoa sen từng cành tươi sáng, lá sen rang giữu ngăn đường khiến thuyền không tiến lên được, người khác phải gạt đẩy không ngừng mới có thể vượt qua.

Hồ hoa quân tử mùa hạ nở đầy

Đi thuyền hái cỏ ấu bóng chiều thôi thúc

Tự nhiên hương thơm ngát, dừng buông mái chèo

Chẳng hay mùi hương đã quyện ở tay áo

Ở đâu có tiếng ca như khúc hát chèo đò

Ai người hiểu được ý, làm nặng thêm nỗi bồi hồi

Chần chờ đốt đuốc gỗ lê bước lên thủy các

Mái chèo vàng, mặt đầm bạc, ánh trăng làm mối.

*

Theo khảo sát và phân tích từ hình ảnh tư liệu, trước khi điện Cần Chánh bị thiêu hủy (tháng 2/1947), trong ngôi điện này có treo một số bức tranh gương và tất cả các bức tranh này đều là loại tranh gương cung đình cao cấp minh họa các bài thơ ngự chế của vua Thiệu Trị trong đó có các bức Tịnh hồ hạ hứng, Oanh đê xuân sắc (vịnh cảnh hồ Tịnh Tâm), Trì lưu liên phảng và có thể có cả bức Lang tập quần phương vịnh cảnh vườn Cơ Hạ. Điều đáng tiếc là 2 bức tranh vịnh cảnh hồ Tịnh Tâm nay đã không còn, vì vậy những bức tranh gương còn lại càng trở nên quý giá. Trong tương lại gần, sau khi điện Cần Chánh được trùng tu phục hồi, nhất thiết cần đưa các bức tranh gương này quay trở lại vị trí nguyên thủy của chúng. Đó cũng là yêu cầu chính đáng và phù hợp của công cuộc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của Huế./.

 

[1] Phan Thanh Hải (2002), Dấu ấn Nguyễn trong văn hóa Phú Xuân, Nxb Thuận hóa, Huế.

[2] Phần phiên âm dịch nghĩa hai bài thơ Lang tập quần phươngTrì lưu liên phảng chúng tôi tham khảo và sử dụng bản của tác giả Nguyễn Văn Phương trong công trình Kinh thành Huế trong thi họa- Hoàng đế Thiệu Trị và Ngự đề đồ hội thi tập; Nxb Khoa học Xã hội, 2023.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email