Tác giả: Trần Như
Từ ngày 21/1 đến ngày 26/1, tại Lan Viên cố tích, thành phố Huế diễn ra triển lãm thư pháp xoay quanh những sáng tác của Hoàng đế Thiệu Trị (1807-1847) giúp du khách hiểu hơn những thành tựu văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847).
Triển lãm giới thiệu đến người xem những cảnh đẹp của kinh đô Huế được đề vịnh trong tập thơ ngự chế và qua những hình ảnh tư liệu với mong muốn phần nào tái hiện được một kinh đô lộng lẫy trong thơ. Ngoài ra, thông qua việc trưng bày những tác phẩm thư pháp Hán Nôm nhằm tôn vinh những di sản quý báu của tiền nhân, đưa di sản và văn hoá Hán Nôm đến gần hơn với công chúng để có thêm nguồn động lực cho công tác bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống.
Địa điểm triển lãm
Nhà thư pháp Xuân Như Nguyễn Thanh Tùng giới thiệu không gian trưng bày
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao, Uỷ viên Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, đơn vị cấp Giấp phép cho hoạt động triển lãm cho biết: “Triển lãm thư pháp “Kinh thành Huế trong thi hoạ, Hoàng đế Thiệu Trị và Ngự đề Đồ hội thi tập” là chuỗi hoạt động nhằm giới thiệu tới công chúng một tập thơ có giá trị về nhiều mặt, những vần thơ mang trong mình phong khí của thời đại ghi dấu những năm tháng được coi là thái bình thịnh trị bậc nhất của triều Nguyễn, khi những năm tháng khó khăn vất vả thời kiến bang lập nghiệp đã qua, những biến thiên thời cuộc bởi ngoại xâm chưa đến”.
Nhà thiết kế Nguyên Phong với không gian phục chế Hoàng bào
Những bức tranh vẽ lại cảnh đẹp kinh đô Huế được tả vịnh trong tập thơ, tuy có phần ước lệ nhưng cũng giúp các thế hệ con cháu mường tượng ra không khí của một thời vằng son qua hình ảnh những điện đài lầu gác chốn đế đô mà nay phần nhiều trở thành phế tích.
Việc các nhà tổ chức chọn địa điểm tại Lan Viên cố tích (số 94-98 đường Bạch Đằng, thành phố Huế) cũng bởi lý do đặc biệt của lịch sử. Đó là, địa điểm này nằm ngay gần chùa Diệu Đế, đây là nền móng cũ của Phủ Phúc Quốc công (ông ngoại của vua Thiệu Trị), chính tại nơi này hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Thông ra đời năm 1807. Sau khi lên ngôi vua thành Hoàng đế Thiệu Trị, ông đã cho xây dựng chùa Diệu Đế trên nền phủ cũ để ghi dấu nơi “tiền đề” của mình.
Các thư pháp gia tham gia triển lãm đến từ Nhân Mỹ Học đường (Hà Nội) là đơn vị bồi dưỡng, đào tạo góp phần duy trì, bảo lưu và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống dựa trên căn bản cứ liệu ngữ văn Hán Nôm cho những người quan tâm, yêu thích và tâm huyết./.
Một số hình ảnh tại triển lãm:
Không gian triển lãm
Xem thư pháp và dịch nghĩa ở mã QR nơi góc tranh
Nhiều bạn trẻ thích thú tìm hiểu