Logistic trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhìn từ góc độ doanh nghiệp

Tác giả: Trần Như

Logistics là quá trình quản lý, lập kế hoạch, triển khai và điều phối các hoạt động liên quan đến việc vận chuyển, lưu trữ và quản lý hàng hóa và dịch vụ. Thừa Thiên Huế cũng được đánh giá là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Bài viết dưới đây được thảo luận từ góc nhìn của doanh nghiệp Tập đoàn Scavi.

Tiềm năng của Thừa Thiên Huế

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, logistics là ngành có sự phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động giao lưu thương mại. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Lợi thế ở Thừa Thiên Huế trong phát triển dịch vụ logistics là hệ thống giao thông hoàn chỉnh, có sân bay, đường bộ, đường sắt nằm trên trục Bắc – Nam; đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây nối với các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế có cảng biển Chân Mây được xem là yếu tố cung ứng quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng logistics phục vụ ngành công nghiệp, khi hầu hết nguyên vật liệu, sản phẩm đầu ra, đầu vào được vận chuyển bằng đường biển.

Cảng Chân Mây

Từ đầu năm đến tháng 12/2023, sau gần 1 năm triển khai dịch vụ hàng container, cảng Chân Mây đã tiếp nhận và xếp dỡ 65 chuyến tàu container cập cảng (21 chuyến tàu ngoại, 44 chuyến tàu nội) với sản lượng thông qua là 7.370 TEU, tương đương 110.640 tấn hàng hóa. Dự kiến sẽ có thêm 12 chuyến nội địa và 4 chuyến quốc tế với sản lượng lên 1.716 TEU, tương đương khoảng 28.350 tấn hàng hóa.

Theo ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP cảng Chân Mây: “Bên cạnh năng suất xếp dỡ container, cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị…, yếu tố quan trọng là lãnh đạo, các ban, ngành, chính quyền luôn đồng hành với đơn vị, với các doanh nghiệp (DN), cũng như chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh mang lại hiệu quả rất lớn trong thúc đẩy, phát triển cho cảng Chân Mây, qua đó, tạo môi trường thu hút đầu tư, xuất, nhập khẩu thuận lợi”.

Tàu du lịch Celebrity Solstice chở theo 2.700 du khách cập cảng Chân Mây ngày 17/01/2024 (nguồn: Cảng Chân Mây)

Ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi chung, Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết riêng nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây.

Theo ông Nguyễn Lương Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, dù dịch vụ logistics ở Thừa Thiên Huế đang ở bước “khởi đầu” nhưng rất có tiềm năng phát triển. Tính ở các khu vực cảng biển đã có nhiều lợi thế. Ở đây không chỉ là những trung tâm nhận, chuyển hàng mà còn phải đảm bảo lưu trữ, giao nhận, phân phối. Ngành cảng biển nói riêng và logistics nói chung ở Thừa Thiên Huế phát triển sau nên cần có sự tính toán phù hợp trong quy hoạch, bởi nhìn lại hầu hết cảng biển trong cả nước rất nhanh quá tải.

Tuy nhiên, những hạn chế thấy được ở tỉnh Thừa Thiên Huế đó là, cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị dành cho logistics ở các bến bãi neo đậu cho các chuyến tàu chở hàng, xếp dỡ hàng tại cảng Chân Mây, Thuận An chưa đáp ứng vì chưa có nhiều container lưu trữ quy mô khiến chiến lược phát triển logistics bị hạn chế, đội chi phí, giảm sức cạnh tranh.

Các khu công nghiệp như Phú Bài, Phong Điền, Phú Vang chỉ đang giai đoạn đầu tư. Hệ thống kết nối thông tin giữa doanh nghiệp kinh doanh kho bãi với cơ quan hải quan chưa được triển khai đồng bộ. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh chưa đủ mạnh để đầu tư phương tiện có trọng tải lớn cả đường bộ và đường thủy. Nhiều đơn vị tham gia chuỗi cung ứng logistics, nhưng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, nhất là lĩnh vực vận tải. Nguồn nhân lực trong ngành dịch vụ logistics ở địa phương còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp.

Logistic nhìn từ góc độ doanh nghiệp

Tập đoàn Scavi là doanh nghiệp FDI đầu tiên tại Việt Nam được thành lập năm 1988 với 100% vốn của Pháp, trực thuộc Tập đoàn Financiere B’Lao. Hiện nay Tập đoàn Scavi có 20,000 thành viên trên toàn cầu và có 8 nhà máy hoạt động sản xuất tại Việt Nam, trong đó có 03 nhà máy với gần 10.000 thành viên đang hoạt động tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Công ty Scavi Huế

Tập đoàn Scavi chuyên cung ứng các dịch vụ toàn diện về thiết kế – sản xuất – logistics cho hơn 70 nhãn hiệu thời trang trên toàn cầu, chuyên biệt với các sản phẩm nội y cao cấp, quần áo tắm và quần áo thể thao, trang phục trẻ em.  Scavi Huế, B’Lao Sport và Scavi Quảng Điền là 03 nhà máy của Tập đoàn đang hoạt động tại Thừa Thiên Huế, bên cạnh nhà máy Scavi Quảng Trị.

Sản lượng xuất nhập khẩu của các nhà máy Scavi tại Thừa Thiên Huế: Hàng xuất khẩu năm 2023: 1100 Containter/ năm, Trung bình 90 cont/tháng; 1.700 tấn hàng xuất lẻ/năm. Hàng nhập khẩu năm 2022: 600 Container/năm, trung bình 50 cont/tháng; 2.000 tấn hảng nhập lẻ/ năm. Mục tiêu từ 2024 – 2026, tăng trưởng bình quân 30%/năm về sản lượng xuất nhập khẩu.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Tập đoàn Scavi cũng như các Công ty khác, Logistic là một thành phần rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động cũng như tạo ra sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Đối với hoạt động Logistic, Tập đoàn luôn mong muốn có một Cảng biển xuất nhập tại địa phương đáp ứng được các tiêu chí chính: Thời gian vận chuyển, chi phí vận chuyển và chất lượng dịch vụ.

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, tại Hội nghị kết nối Hãng tàu – Doanh nghiệp có hàng container qua Cảng Chân Mây, ông Đặng Văn Vĩnh, Giám đốc tài chính Trung tâm quản lý miền Trung Tập đoàn Scavi đã có những trao đổi nhằm khai thác tốt tiềm năng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đó là:

Thứ nhất, trong điều kiện khởi động, khi lượng hàng hóa chưa nhiều và hãng tàu quốc tế còn đang tiếp cận để vào khai thác, Cảng Chân Mây và tỉnh Thừa Thiên Huế cần có chính sách tốt thu hút các Hãng tàu nội địa vào khai thác hàng để họ trở thành cầu nối liên kết trực tiếp với Hãng tàu quốc tế và tiến hành trung chuyển container xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh và các tỉnh lân cận đi từ Cảng Chân Mây và sang container qua tàu quốc tế tại cảng Cái Mép, Hải Phòng… trước khi xuất khẩu sang nước ngoài.

Thứ hai, Cảng Chân Mây cần thống kê và lựa chọn một tuyến vận chuyển quốc tế mà các doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh lân cận có nhu cầu nhiều nhất để làm việc với một số Hãng tàu quốc tế tiềm năng, đưa vào khai thác và chạy thử nghiệm một chuyến tàu quốc tế từ Cảng Chân Mây để đánh giá thực tế hiệu quả hoạt động, ưu nhược điểm từ đó có các giải pháp ngắn hạn/dài hạn kịp thời để làm việc với Hãng tàu, doanh nghiệp cho các chuyến tàu tiếp theo.

Thứ ba, nên hình thành một Trung tâm Logistics cung cấp các dịch vụ hậu cần cho các doanh nghiệp: Cho thuê cont/thuê kho với chất lượng dịch vụ và chi phí tối ưu, kết nối với hải quan và các cơ quan chức năng liên quan để cung cấp các dịch vụ thông quan đảm bảo sự nhanh chóng, thuận tiện nhất cho các doanh nghiệp hoạt động.

Thứ tư, có giải pháp để thời gian vận chuyển (leadtime) bằng hoặc chênh lệch không quá nhiều trong giai đoạn đầu (>2 ngày) so với các Cảng trong vùng hiện nay, cụ thể là Cảng Tiên Sa – Đà Nẵng.

Thứ năm, cần xem xét và đánh giá lại chính sách mà tỉnh đã ban hành để hỗ trợ Hãng tàu và doanh nghiệp còn hợp lý hay không để có kế hoạch thay đổi và điều chỉnh phù hợp.

Có thể thấy rằng, tại Thừa Thiên Huế dù dịch vụ logistics chỉ đang ở bước khởi đầu nhưng rất có tiềm năng phát triển. Để tạo tính bứt phá cho lĩnh vực này không chỉ cần cơ chế chính sách hợp lý, sự kết nối liên thông với ban ngành chức năng mà còn phải chú trọng quy hoạch, đầu tư hạ tầng nhà xưởng, bến bãi, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics. Dịch vụ logistics đồng bộ, hiện đại lành mạnh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp, giảm chi phí vận chuyển, giảm các chi phí sản xuất, thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực công, nông nghiệp ở Thừa Thiên Huế./.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email