Trả lại định danh cho hai bảo vật Nhà Nguyễn

Tác giả: La Quốc Bảo

Với tổng giá trị lên tới 25 tỷ đồng, hai bảo vật Mão đại triều Nhất phẩm và Nhật bình đen vừa được hiến tặng cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế tháng 4/2022 là chủ đề gây chấn động suốt thời gian qua. Ngoài tình trạng tương đối ổn định của hai hiện vật, đây là mức giá kỉ lục chưa có tiền lệ cho lễ phục Việt Nam, vượt mặt rất rất nhiều cổ vật triều Nguyễn từ trước đến nay. Tuy nhiên, lai lịch thực sự của cặp bảo vật phải rất lâu sau đó mới được hé lộ. Vậy họ là ai, và quyền lực thế nào để sở hữu chúng? Hành trình mới thực sự bắt đầu từ đây.

Khởi nguồn câu chuyện:

Một tuần trước ngày 28/10/2021, giới mộ điệu và sưu tập cổ vật cả nước xôn xao về một chiếc mão quan “Nhất phẩm triều Nguyễn, ban Văn” sẽ được đấu giá tại sàn Balclis, Tây Ban Nha với mã số 135. 1860605, đi cùng rất nhiều hiện vật giá trị khác bao gồm: tráp gỗ, mãng bào, vv. Chưa dừng ở đó, một hiện vật khác mang mã số 218. 1909159 là Lễ phục Nhật bình màu đen (huyền sắc) cực kì quý hiếm, tính đến thời điểm đó ta chỉ biết một bộ cùng màu duy nhất ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội. Bước đầu nhận định đây có thể là một cặp lễ phục của hai vợ chồng quan lại nhà Nguyễn đầu thế kỷ 20. Sát ngày đầu giá, những “tay chơi” sừng sỏ trong làng cổ vật đều tuyên bố tham chiến giành lấy cặp bảo vật có một không hai này. Rất nhiều đầu báo lần lượt đăng tin và theo dõi sát sao, không khí dường như căng thẳng tột độ vì ai cũng đoán được cái giá gõ búa sẽ không hề rẻ khi chúng đã trở thành tâm điểm truyền thông cả nước. Thật vậy, chiếc mão từ định giá chỉ vỏn vẹn 600- 800 EUR nhưng đã chạm gần 10000 EUR khi sự kiện còn chưa bắt đầu.

Là một nhà nghiên cứu có niềm đam mê mãnh liệt cho cổ vật nhà Nguyễn, tôi cũng quyết định tham gia “cho vui”. Không khí ở buổi đấu giá tối 28/10/2021 nhộn nhịp hơn bao giờ hết, từng cổ vật Việt Nam lần lượt được gõ búa với số tiền khá cao so với mặt bằng chung, mà phần lớn là do sức ảnh hưởng từ cặp đôi “Ông quan lớn và bà phu nhân” kia. Sau tiếng gõ búa lô 134, lô 135 là chiếc “Mão nhất phẩm” hiện lên màn hình, tôi nghe rõ những tiếng xì xầm cười nói rộn rã, và nhận ra rất nhiều người Việt đang ở trong gian phòng. Con số nhảy điên cuồng lên 10000, 100000 rồi 500000! Ầm! Tiếng gõ búa vang lên chốt hạ con số €600.000 (16 tỉ 2 chưa thuế, phí) Giới sưu tập ngỡ ngàng một, nhà đấu giá ngỡ ngàng 10, bởi lẽ kết quả cao gấp 1000 lần con số mà họ ước tính, thật khủng khiếp. Một tiếng sau đó, “vị đại gia” này cũng tham gia lô 218 là bộ Nhật bình đen và giành chiến thắng với mức giá kỉ lục €160.000 (4 tỉ 3 chưa thuế phí). Sau thuế phí, tổng giá trị hai cổ vật đã lên đến 25,1 tỷ đồng. Danh tính vị chủ nhân mới này bí ẩn đến nỗi trở thành đề tài bàn tán đến tận đầu năm 2022.

Bảo vật hồi hương:

Mãi cho đến ngày 1/4/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bất ngờ thông báo rằng Công ty CP tập đoàn Sunshine chính là đơn vị đã đấu giá thành công hai món cổ vật trên và quyết định quyên tặng cho tỉnh, sau đó hiện vật sẽ được bàn giao cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế lưu trữ và trưng bày. Lễ tiếp nhận được diễn ra long trọng vào ngày 17/4/2022 tại khuôn viên Bảo tàng. Hai cổ vật được định danh “Mão quan nhất phẩm triều Nguyễn” và “Nhật bình cung tần” đầu thế kỷ 20. Nhưng, làm thế nào xác định đây là của một “cung tần” chứ không phải “mệnh phụ” – vợ của một vị quan hay một vương công hoàng thất như tôi đã suy đoán? Câu hỏi này đã luẩn quẩn trong đầu tôi khá lâu.

Chưa tới một tháng sau đó, tôi phát hiện một số món mới, cùng bộ sưu tập với hai cổ vật trên, sẽ được đưa lên đấu giá vào ngày 11/3/2022, bao gồm: áo mãng lan màu bảo lam, một chiếc xiêm (thường) thêu màu hỏa hoàng (màu cam), một đôi hia (triều ngoa) bằng nhung đen và một chiếc đai triều phục khảm đồi mồi cũng màu hỏa hoàng. Lúc này cơn sốt đã có phần hạ nhiệt, tôi thử đặt vận may. Mặc dù hụt mất bộ mãng lan và chiếc đai nhưng tôi đã may mắn đấu trúng đôi hia. Lúc này, tôi chính thức là một khách hàng của Balclis và có quyền yêu cầu nhà đấu giá cung cấp thông tin về lai lịch món hàng.

Bà Laura Rivova – giám tuyển đã đại diện Balclis tiếp tôi cũng như làm trung gian liên hệ với chủ nhân bộ sưu tập này. Bà cho biết: “Bộ sưu tập nguyên thuộc sở hữu của ông Maurice Devé – một quan chức Pháp sống tại Đông Dương trong khoảng 1920-1930. Về sau ông đã nhượng bộ sưu tập này cho một họ hàng xa ở Tây Ban Nha.” Những bước đầu thông tin còn khá mù mờ vì không rõ ông đã nắm chức vụ gì, ở địa phương nào. Tôi có thử liên hệ một số phòng ban tư liệu trong nước nhưng vì nhiều mặt hạn chế trong công tác lưu trữ và số hoá nên chưa tra được. Tôi bắt đầu có chút ngờ vực về tên quý ngài này, liệu có phải là một cái tên giả để đánh bóng lai lịch bộ sưu tập?

Ngày 18/5/2022, dường như lại có duyên, thêm một phần mới vừa phát hiện của bộ sưu tập lại được tiếp tục đưa lên sàn đấu giá. Tôi sững sờ khi nhận ra một chiếc y khấu (cúc cài áo Nhật bình) chạm chim phượng, đính pha lê rất tinh xảo bị lẫn vào lô đấu giá sapu tangan (lễ vật bằng bạc, tạo hình như chiếc khăn tay gấp gọn trong hôn lễ xứ Nam Dương). Xét về giá trị lịch sử cũng không thua kém bộ Nhật đình đen là bao, vì chiếc cúc phượng này là hiện vật hiếm hoi thứ hai được công bố từ trước đến nay, không chỉ tại Việt Nam mà còn toàn thế giới. Cầu được ước thấy, tôi lại đấu trúng chiếc cúc này. Trân phẩm quá đỗi quý giá đã giúp tôi giải mã một bí ẩn bị bỏ ngõ rất nhiều năm qua về cấu tạo và quy cách vận hành của thứ phục sức gắn liền với tấm áo Nhật bình.

La Quốc Bảo (tác giả) và chiếc y khấu

Quay lại mục đích truy xác nguồn gốc, tôi cấp tốc liên hệ bà Laura Raviro một lần nữa. Vài ngày sau, bà hồi âm cho biết: chiếc cúc là di vật của phu nhân ông Maurice Devé, có tên Marie Antoinette Boullard-Devé. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, đây chính là tên nữ danh hoạ nức tiếng giành được nhiều giải thưởng ở Đông Dương và Pháp quốc những năm 1920-1950. Thế nhưng tất cả những dư liệu trên mạng lúc bấy giờ vô cùng ít ỏi, chỉ dừng lại tại chi tiết bà từng ở Đông Dương một thời gian dài và tái giá với một quý ông họ Devé. Tuy nhiên, có rất nhiều tác phẩm bà Marie vẽ các mệnh phụ, cung phi Việt Nam (sách ảnh Vision de l’Indochine, 1927) [[1]] càng làm củng cố mối liên hệ giữa bà Devé và giới quý tộc, hoàng thất triều Nguyễn. Tôi thử tìm đến cháu trai bà – ông Alain Boullard, nhưng lần cuối ông cập nhật trạng thái hoạt động là năm 2020, đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Những manh mối:

Khoảng thời gian đó, tôi lật lại catalogue đấu giá ngày 28/10/2021, vô tình phát hiện lô 174. 1854730 là một tráp đựng y phục, sơn son thếp vàng tỉ mỉ, bên trong có mảnh giấy với dòng chữ tiếng Pháp “Appartenu à Monsieur Devé le Délégué de l’Annam” (tạm dịch: Ông Devé đại diện nước Annam). À! Bước đầu đã có thể xác minh được danh tính quý ngài này đúng như nhà đấu giá cung cấp rồi! Nhưng vậy vẫn còn quá mơ hồ, cả một chặng đường dài.

Tưởng chừng bế tắc, tháng 10/2022 tôi bỗng phát hiện ra bài viết “Khảo về địa phận, tổ chức hành chính. Và dân số đô thị huế giai đoạn 1899-1945” thuộc Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Không thể tin được vào mắt mình: “Đốc lý đầu tiên của thành phố Huế năm 1929-1930 là Maurice-Arsène Devé” [[2]] và ông cũng đảm nhận chức “công sứ tỉnh Thừa Thiên-Huế” trong thời gian này. Tôi liền đối chiếu văn bản gốc tại Annuaire Administratif de l’Indochine xuất bản năm 1930 [[3]] , kết quả khớp hoàn toàn.

Như bắt được vàng, tôi thử tra họ ông trên Thư viện báo chí của Thư viện Quốc Gia Việt Nam và phát hiện quý ngài đây không chỉ là một quan chức cao cấp  mà còn là nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng, đồng thời là thầy của các ông Hồ Thu Quê, Trần Thanh Mại nữa [[4]]. Bằng chứng về mối quan hệ giữa ông và bà Marie được tìm thấy ở cuốn sách Youth and Empire: Trans-Colonial Childhoods in British and French Asia, trong đó tác giả David M. Pomfret đã xác nhận rằng bà Marie đã chuyển đến Đông Dương cùng “người chồng thứ hai, Quan cai trị thuộc địa Maurice-Arsène Devé” [[5]].

Ông công sứ Thừa Thiên – Huế: Maurice-Arsène Devé

Như một loạt cờ domino, tôi lại đào được hai mục báo xưa cực kì quan trọng. Mục đầu tiên là “Quan khâm sứ vừa cử quan cai-trị Devé xung chức đại-biểu cho xứ Trung kỳ tại cuộc đấu-xảo thuộc-địa vạn-quốc mở năm 1931 ở Paris”[[6]] xuất bản ngày 25/7/1928. Mục tiếp theo với tiêu đề “Khuyến khích nhân tài bà Công sứ Thừa Thiên được thưởng trong cuộc vẽ tranh đấu xảo năm 1931” về “bức tranh gồm 60 người đại diện các dân chúng và phong tục ở Đông Dương để dự vào cuộc đấu xảo năm 1931”[[7]]. Không thể bàn cãi, đó đích thị là bức họa nổi tiếng “Frise de Personnages”, người thực hiện bức tranh đó không ai khác chính là bà Marie Antoinette Boullard-Devé [[8]]. Đối chiếu với thông tin từ Bảo tàng Quai Branly-Jacques Chirac, Paris, Pháp – nơi đang sở hữu một phần của bức tranh 40 mét này, tất cả đều trùng khớp. Lần mò hàng chục kho dữ liệu, ngày 1/1/2023, tôi đã thành công. Bức chân dung quý hiếm của bà không chỉ chụp cùng bức họa trứ danh, mà còn có cả chiếc tráp mà tôi vừa nhắc đến ở dưới chân bà nữa! Nhiệm màu làm sao! Chỉ một bức hình, nhưng đã xác nhận hoàn toàn danh tính hai vị chủ nhân và lai lịch của cả một bộ sưu tập cổ vật đằng sau nữa.

 

(Hình trái) Nữ danh họa Marie Antoinette Boullard-Devé khi còn trẻ (1910s)

 (Hình phải) Bà bên cạnh một góc của bức tranh dài 40 mét “Frise de Personnages”

(Albert Harlingue, 1931).

Nhìn lại nguồn tư liệu hiếm hoi, dù chưa khảo cứu được nhiều về quy chế triều phục dành cho các quan chức ngoại quốc, nhưng may mắn rằng ta vẫn còn khá nhiều hiện vật lẫn ảnh chụp được bảo tồn tới tận ngày nay. Nổi tiếng nhất kể đến bộ hình phong Nam tước An Bình của ông Leon Sogny (1939), hay bộ Đại triều phục của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, tước Phú Nam (1912). Xét về ông Maurice-Arsène Devé là Công sứ, chỉ xếp sau Khâm sứ một bậc, nghiễm nhiên được ban chức tước và phẩm phục rất cao trong triều, chính chiếc mão Nhất phẩm cũng thể hiện rõ đều đó. Ngay cả bộ triều phục của ông là chiếc mãng bào màu cam bích (tương đương Chánh nhị phẩm, có lẽ là áo trước khi ông được thăng chức) cũng được may bằng đoạn dệt cài hoa (trang hoa) chất lượng cực tốt, gia cố thêm 2 lớp lót bằng lụa quế màu hồng và cam, tổng cộng cả áo dày 3 lớp, rất nặng. Lại nói về bà Marie Antoinette Boullard Devé, là phu nhân của ngài Công sứ cai trị cả một tỉnh Thừa Thiên đất Thần Kinh, quyền lực đến nhường nào, sẽ không bất ngờ khi bà cũng được ban bộ triều phục lộng lẫy tương xứng. Giống như phu quân, ghi chép về phẩm phục các bà mệnh phụ ngoại quốc vẫn rất mơ hồ, nhưng chí ít ta vẫn còn bằng chứng là bà Magerette – phu nhân ngài Khâm sứ Trung Kỳ Maurice Fernand Graffeuil cũng có hình chân dung trong lễ phục Nhật bình thêu phụng cầu kì tinh xảo, hay công nương Achille Murat (khuê danh: Magdeleine de Chasseloup Laubat) vận Phụng bào thêu, đầu đội phụng quan rất uy nghi, không hề kém cạnh một vị cung phi, hoàng thất nào.

Khoảnh khắc “đoàn viên”: Chiếc y khấu hội ngộ chính tấm áo nó từng thuộc về
(La Quốc Bảo, 7/11/2022)

Châu hoàn Hợp phố sau gần một thế kỷ, lễ phục quan xứ Thừa Thiên lại về Thừa Thiên. Ông Công sứ và bà phu nhân từng một thời làm mưa làm gió ở các cuộc đấu xảo và diễn đàn nghệ thuật, nay cũng “hoàn trả” lễ phục một phen rình rang không kém. Sự trùng hợp có một không hai, thú vị làm sao. Phải công nhận rằng, cuộc hồi hương này như đánh dấu sự vực dậy của giá trị cổ vật Việt không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Trước khi sự kiện có sự can thiệp trực tiếp từ Chính phủ là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của vua Minh Mạng vào tháng 10/2022, thì vẫn chưa có tiền lệ nào quy tụ nhiều sự quan tâm của cả nước như chiếc Mão nhất phẩm và bộ Nhật bình này. Xét giá trị nghệ thuật cũng chưa đủ, mà phải kể đến giá trị lịch sử nữa. Nhìn lại chiếc ấn, ta không định giá hàng chục tỷ đồng vì 10 kí vàng tạo nên nó, mà là vì tính “chứng nhân lịch sử”. Vì lẽ đó, ta phải gấp rút trả lại định danh chính xác cho bộ đôi bảo vật này, ít nhất là “Mão quan nhất phẩm của Công sứ Thừa-Thiên Huế” và “Lễ phục Nhật bình Mệnh phụ phu nhân” thì mới là tôn trọng lịch sử, lai lịch tỏ tường, vật đã quý nay càng quý hơn.

[1] Boullard-Devé. Marc Chardoune. Vision de l’Indochine

[2] “KHẢO VỀ ĐỊA PHẬN, TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH. VÀ DÂN SỐ ĐÔ THỊ HUẾ GIAI ĐOẠN 1899-1945”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Nguyễn Quang Trung Tiến. 2020.

[3] “Commune de Hué”. Annuaire Administratif de l’Indochine. Imprimerie d’Extrême-Orient.

Hanoi. 1930. P. 386.

[4] “Nhà văn Trần Thanh Mại, luật sư Phan Anh và tham tá Hồ Thu Quê năm 1936 diễn kịch nghiệp dư vở ‘Hernani’ của Victor Hugo”. Tạp chí Sông Hương. TV. 2009.

http://www.tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p10/c32/n1805/Nha-van-Tran-Thanh-Mai-luat-su-Phan-Anh-va-tham-ta-Ho-Thu-Que-nam-1936-dien-kich-nghiep-du-vo-Hernani-cua-Victor-Hugo.html

[5] Pomfret, David M., ‘Trouble in Fairyland: Cultures of Childhood in Interwar Asia’, Youth and Empire: Trans-Colonial Childhoods in British and French Asia (Redwood City, CA, 2015; online edn, Stanford Scholarship Online, 19 May 2016), https://doi.org/10.11126/stanford/9780804795173.003.0005, accessed 13 Dec. 2022.

[6] http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=WHfT19280725.2.11&e=——-vi-20–1–img-txIN—–#

[7] “Khuyến khích nhân tài bà Công  sứ Thừa Thiên được thưởng trong cuộc vẽ tranh đấu xảo năm 1931”. Hà Thành ngọ báo, Số 888, 24 Tháng Bảy 1930.

http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=Rhc19300724.2.13&srpos=2&e=——-vi-20–1–img-txIN-+Devé—–#

[8] Boullard-Devé, Marie-Antoinette https://francearchives.fr/fr/facomponent/cf2f45510c526d58157bbfd15a08b226ef63cba1

Views: 0

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email