Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW : Cần tiếp tục nâng cao vị trí và vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong việc đoàn kết, tập hợp trí thức khoa học và công nghệ

Để tăng cường hiệu quả của việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ chính trị ngày 16/4/2010 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức nghiên cứu, tập hợp ý kiến của trí thức, đề xuất với Bộ chính trị, Ban bí thư về các giải pháp tăng cường chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương nghiên cứu, quán triệt đầy đủ mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 27-CT/TW và Chỉ thị số 42-CT/TW, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các hội trí thức, đặc biệt là Liên hiệp Hội Việt Nam, với tư cách là một tổ chức chính trị – xã hội đoàn kết, tập hợp và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam.

 

Đây cũng là một trong những chủ đề trọng tâm được báo cáo và thảo luận tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Họp giao ban Liên hiệp hội các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương năm 2013, được Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai trong ba ngày 4 và 6/9, với hơn sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ Trung ương và địa phương.

Tại Hội nghị, Ông Đặng Vũ Minh – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam khẳng định : “sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW và Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ chính trị, chúng tôi đã tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam trong và ngoài nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội thành viên, hội viên của các hội thành viên, góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hiện nay, chúng tôi đã tập hợp được 134 hội thành viên, gần 630 đơn vị khoa học và công nghệ. Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam có 50 chi bộ với gần 500 đảng viên; các tổ chức quần chúng như công đoàn và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh từng bước được củng cố, kiện toàn và phát triển. Tính đến tháng 6/2013 đã có 46 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Đảng đoàn”.

Trên thực tế 5 năm qua, Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam đã trực tiếp chỉ đạo Đoàn Chủ tịch, các Hội ngành toàn quốc, các Liên hiệp hội địa phương, các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc chủ động tham gia xây dựng các đề án triển khai Nghị quyết số 27-CT/TW và Chỉ thị 42-CT/TW như “Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp hội ở Trung ương và địa phương”, “Cơ chế phối hợp giữa Liên hiệp hội Việt Nam với các hội thành viên”, ” Thành lập tổ chức thu hút trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước”, “Xây dựng cơ chế phát huy vai trò của Liên hiệp hội Việt Nam tham mưu, chủ động phản biện, tư vấn và giám định xã hội”, “Xây dựng cơ chế phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong việc tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội”, “Cơ chế, chính sách về tài chính và các điều kiện khác bảo đảm hoạt động có hiệu quả của Liên hiệp hội”, “Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Liên hiệp hội”, “Luật phổ biến kiến thức”, “Luật hành nghề kỹ sư”….

Ngoài ra, đặc biệt sau khi có Chỉ thị 42-CT/TW, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tích cực chủ động lập kế hoạch, xây dựng nhiều chương trình tư vấn, phản biện quan trọng, hướng tới nhiều chính sách và dự án lớn của quốc gia như: “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xit tại Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2030”, “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, “Đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông sau năm 2015″…. Những dự án này được Bộ chính trị đánh giá cao, được Chính phủ và các bộ có liên quan tiếp thu. Các Hội ngành toàn quốc và Liên hiệp hội địa phương cũng đã chủ động tiến hành nhiều hoạt động tư vấn, phản biện, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng của các đề án, dự án của các ngành và địa phương.

Trong hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động thông tin và phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh vai trò thu hút, tập hợp các nhà khoa học trong việc thực hiện, triển khai nhiều dự án quan trọng, mang tính ứng dụng cao, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, hoạt động thông tin, truyền thông, xã hội hoá khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế, phát triển cộng đồng và xoá đói giảm nghèo, qua đó tạo được uy tín đối với các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa và miền núi; tạo được sự tín nhiệm củc các nhà tài trợ nước ngoài.

Bên cạnh những thành công đạt được, theo các báo cáo tổng kế tại Hội nghị, hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam, vẫn còn có những hạn chế yếu kém cần khắc phục như công tác củng cố và phát triển tổ chức của Liên hiệp Hội Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW chưa được qua tâm đúng mức; tổ chức phát triển nhanh về số lượng, nhưng năng lực và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động và cơ chế quản lý của cơ quan Liên hiệp hội ở Trung ương và địa phương chưa được hoàn thiện. Mặt khác, hoạt động của các Hội ngành và Liên hiệp hội địa phương còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc, thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu cán bộ có năng lực và kinh nghiệm hoạt động trong tổ chức của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. (Phần đông cán bộ của các hội ngành toàn quốc là cán bộ cao tuổi đã nghỉ hưu, thiếu cán bộ trẻ có năng lực và tâm huyết tham gia hoạt động hội) .

Để khắc phục những khó khăn, yếu kém nói trên, trong thời gian tới, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung thực hiện công tác tổ chức – cán bộ, kiện toàn bộ máy, tổ chức theo hướng nâng cao chất lượng của các hội thành viên, trước mắt xây dựng kế hoạch dài hạn trong công tác phát triển hệ thống tổ chức; tiếp tục đề nghị Thủ tướng hoặc Ban bí thư phê duyệt Điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam, tăng cường biên chế và bảo đảm kinh phí; tiếp tục chỉ đạo xây dựng kế hoạch chiến lược về phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam trong giai đoạn tới nhằm thu hút và phát huy vai trò sáng tạo đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ vì sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, nhất là trí thức trẻ và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ưu tiên hàng đầu của Liên hiệp Hội Việt Nam là tập trung đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, hoạt động phổ biến kiến thức, tăng cường các hoạt động tôn vinh trí thức; thường xuyên nắm tình hình diễn biến tư tưởng trong đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.

“Hiện nay, chúng tôi đang đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục thể chế hoá chủ trương của Đảng về thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW và Chỉ thị 42-CT/TW như sửa đổi Nghị định 45-NQ/CP, đưa Liên hiệp Hội Việt Nam ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định 45-NĐ/CP và Quyết định 68-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Nhà nước xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách nhằm bảo đảm kinh phí và các điều kiện hoạt động cho Liên hiệp Hội Việt Nam ở Trung ương và địa phương như các tổ chức chính trị – xã hội khác theo đúng tinh thần của Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ chính trị”.

Đây là kiến nghị của trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng và trí thức khoa học và công nghệ nói chung đã được ông Đặng Vũ Minh, chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam thay mặt, tổng kết tại Hội nghị.

vusta.vn

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email