Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích trên 22.000 ha, gồm nhiều loại hình thủy vực (sinh cảnh): Thủy vực dạng ruộng ô, thủy vực dạng bàu, thủy vực dạng đầm, thủy vực dạng vũng và thủy vực dạng sông.
Hệ sinh thái đầm phá Tam giang – Cầu Hai đang bị đe dọa bởi những tác động của con người
Sinh vật ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có mức độ đa dạng rất lớn: Có 7 nhóm thực vật nổi (phytoplankton) với 416 loài, thực vật đáy kích thước nhỏ (microphytobenthos) 61 loài, cỏ thủy sinh (submerged aquatic vegetation) có 16 loài, động vật nổi (zooplankton) 43 loài, động vật đáy (zoobenthos) có 53 loài, cá (pisces) đã xác định được 217 loài, chim (Aves) hơn 70 loài. Trong 70 loài chim ở cửa sông Ô Lâu có 21 loài được ghi trong danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của EU, 34 loài sống định cư ở các vùng ruộng ngập nước, ô bàu ven phá (chích, sẻ, chìa vôi, sao sậu, bói cá, bòng chanh, bìm bịp,…) và gần 40 loài chim di cư (vịt trời, ngỗng trời, sâm cầm, già đẫy,…).
Cá ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là một trong 7 nhóm thủy sinh vật có mức độ đa dạng cao ở bậc loài và bậc giống. Thành phần loài khu hệ cá đầm phá Tam Giang – Cầu Hai gồm 17 bộ, 80 họ, 147 giống và 217 loài. Trong đó: Bộ Perciformes tiêu biểu cho nhóm cá biển chiếm ưu thế tuyệt đối cả về họ (chiếm 48,7%), về giống (chiếm 47,6%) và về loài (chiếm 48,4%) so với tất cả các bộ khác. Bộ Cypriniformes đại diện điển hình cho nhóm cá nước ngọt chỉ chiếm 2,5% bậc họ, 8,1% bậc giống và 6,4% bậc loài. Các bộ Tetrodontiformes, Cypriniformes, Clupeiformes, Anguilliformes, Mugiliformes có mức đa dạng thứ hai về số loài (6,0-9,7%), tiếp theo là các bộ Siluriformes, Pleuronectiformes, Scorpaeniformes có mức đa dạng về loài thấp (2,8-3,2%). Những bộ còn lại có số loài không đáng kể (0,5-1,4%).
Tuy nhiên, hệ sinh thái đầm phá Tam giang – Cầu Hai đang bị đe dọa bởi những tác động như: Nuôi thủy sản chiếm dụng mặt nước tự nhiên xây ao, ngăn trở dòng chảy, thải trực tiếp chất thải xuống nước gây ô nhiễm nguồn nước, phát sinh dịch bệnh. Khai thác cạn kiệt (mắt lưới nhỏ, cường độ khai thác cao) thậm chí bằng cả các công cụ hủy diệt tài nguyên, môi trường. Xăng nhớt của tàu thuyền gắn động cơ và chất thải sinh họat của cộng đồng ngư dân. Xây kè lấn chiếm mặt nước ven phá để cơi nới nhà ở, công trình xây dựng.
Những hiểm họa tiềm ẩn đối với hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, như: nạn chặt phá rừng, san lấp xây dựng công trình ở vùng cao làm tăng tốc độ bào mòn, xói lở. Hệ quả là làm cho vật liệu lắng đọng ở đầm phá ngày càng nhiều. Việc tồn dư của các chất hóa học sử dụng trong canh tác sẽ tích lũy ngày càng nhiều trong các sản vật từ đầm phá, tất cả các loại dầu nhớt rơi vãi từ các kho chứa xăng dầu xây ven bờ đầm phá đều có hại đối với sự sinh tồn của các loài thủy sản.
Việc đóng mở các cửa biển, hiện tượng xói lở bờ biển gây tác động rất lớn đến nguồn tài nguyên thủy sinh vật trong đầm phá, ảnh hưởng đến sinh mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, các hoạt động này là qui luật tự nhiên, con người phải biết thích ứng để tránh thiệt hại, để tồn tại và phát triển.
Thảm thực bì quá mỏng, chất lượng rừng quá thấp nên dù độ che phủ rừng của Thừa Thiên Huế cao nhưng vẫn không đảm nhận được chức năng giữ nước và điều hòa khí hậu. Hễ có mưa là gây nên lũ lụt, sạt lở, hết mưa là thiếu nước sinh hoạt, cấy trồng. Vì vậy mà tính chất thủy học của hệ sinh thái đầm phá có xu hướng ngày càng mặn hóa.
Ngoài những đa dạng sinh học trên, còn có một số vùng sinh thái đặc biệt quan trọng làm cho hệ sinh thái đầm phá vốn đã rất hấp dẫn còn hấp dẫn hơn. Đó là vùng đất ngập nước và vùng rừng ngập mặn. Tuy nhiên, cần có sự bảo vệ một cách tốt nhất để sự đa dạng của hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai được phát triển một cách bền vững để góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
TS. Bùi Thắng