Quản lý tài nguyên nước lồng ghép thích từng biến đổi khí hậu

Trong 2 ngày 24 – 25 tháng 10 năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội (CSRD) – đã tổ chức lớp tập huấn Quản lý tài nguyên nước lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu.

Lớp tập huấn đã thu hút được 25 học viên đến từ các tổ chức phi chính phủ như Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR), nhóm Đánh giá tác động môi trường và xã hội (SEIA), Trung tâm Đa dạng sinh học và Quản lý nghề cá, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Huế (CSSH), Trung tâm Nghiên cứu xã hội và Phát triển cộng đồng (SOCODE) Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD), Trung tâm Tư vấn và Quản lý tài nguyên (CORENARM).

Lớp tập huấn tập trung làm rõ một số vấn đề như tài nguyên nước, tổng quan về biến đổi khí hậu (BĐKH), tác động của BĐKH lên tài nguyên nước, đặc điểm và nguyên tắc thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng; đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng, đặc biệt là nội dung lồng ghép thích ứng BĐKH trong quản lý tài nguyên nước – một nội dung mới và rất thiết thực đối với các học viên, định hướng để các NGOs/CSOs có thể góp phần vào công cuộc giảm nhẹ tác động của BĐKH lên tài nguyên nước.

Lớp tập huấn thực sự là nơi để các học viên chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm việc của mình. Đồng thời, cũng là cơ hội để các học viên củng cố kiến thức, nâng cao nhận thức về tài nguyên nước và năng lực hoạt động thực tiễn.

Sau khi nghe lý thuyết, các học viên tiến hành ttrao đổi nhanh, lấy trường hợp sông Hương – Thừa Thiên Huế làm chủ đề. Xác định các hoạt động đang thực hiện trên dòng sông và sự ảnh hưởng của các hoạt động đó đối với dòng sông, những mâu thuẫn giữa người dân sinh sống trên lưu vực sông, mâu thuẫn giữa các bên tham gia và sự chồng chéo trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng.

Các học viên còn được thực hành bài tập về xây dựng bản đồ tư duy để có cái nhìn tổng thể về tác động của BĐKH lên tài nguyên nước và xác định các kế hoạch hành động nhằm thích nghi và giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH lên tài nguyên nước.

Nhận xét về lớp tập huấn, anh Đinh Minh Thành, cán bộ của Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh nói: “Hiện nay chúng tôi đang có một đánh giá ở lưu vực sông Long Đại, Quảng Bình và đời sống của người dân tộc ven sông, những kiến thức tôi thu nhận được ở lớp học này rất hữu ích trong công tác của tôi, giúp chúng tôi có phương pháp mới khi tiếp cận các vấn đề tài nguyên nước và BĐKH. Chị Phạm Thị Thương Huyền, tình nguyện viên của Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội cho hay Những kiến thức học viên thu nhận được trong lớp tập huấn rất sát thực, sinh động, tập huấn viên tạo ra được những tình huống rất thực tế, tôi có cái nhìn bao quát hơn đối với sông Hương, con sông mà tôi vẫn qua lại hàng ngày và không nghĩ rằng có quá nhiều yếu tố đang tác động lên nó. Sau lớp học, tôi nhận thấy cần phải bảo vệ dòng sông này nhiều hơn nữa và cần phải cho nhiều người như tôi biết về sự thật này. Anh Lê Văn Thịnh, thành viên của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tại Huế cho biết: Lớp tập huấn là một cơ hội tốt để các học viên học hỏi và chia sẻ. Những kiến thức thu được từ lớp tập huấn giúp ích rất nhiều cho tôi trong công tác triển khai các hoạt động của nhóm trong việc bảo vệ dòng sông, đồng thời lồng ghép các yếu tố thích ứng BĐKH vào trong đó.

Lớp tập huấn kết thúc với rất nhiều trăn trở của những người làm quản lý tài nguyên, nhưng với những gì thu nhận được sau hai ngày học, mọi người có động lực mới, có phương pháp mới và cái nhìn mới để đóng góp nhiều hơn nữa trong công việc và là một mắt xích nhỏ trong việc bảo vệ tài nguyên Nước và thích ứng BĐKH.

Lớp tập huấn là một hoạt động nằm trong khuôn khổ của dự án Phối hợp và cộng tác trong sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên ở phá Tam Giang do Rosa Luxemburg tài trợ.

Minh Trang (CSRD)

 

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email