Ngày 21/10/2011, tại thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân thôn Thuận Hòa đã tham gia lập kế hoạch mở rộng diện tích rừng ngập mặn (RNM) tại Cồn Tè – thuộc địa phận của thôn này. Cùng tham gia có đại diện chính quyền huyện Hương Trà, đại diện chính quyền xã Hương Phong, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, 40 người dân đại diện cho các hội đoàn thôn Thuận Hòa và đại diện của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD). Đây là hoạt động nằm trong pha 2 của dự án ADAPTS tại Việt Nam do CSRD thực hiện.
Trong giai đoạn năm 2009 – 2010, được sự tài trợ của Tổng cục Hợp tác và và Phát triển Hà Lan, CSRD đã thực hiện dự án Thích ứng với BĐKH và quản lý tài nguyên nước cấp cộng đồng ở tỉnh TT Huế, gọi tắt là dự án ADAPTS#7. Cho đến nay, dự án này đã kết thúc và đạt được nhiều thành công, một trong những thành công của dự án là trồng thử nghiệm thành công cây ngập mặn ở Cồn Tè với diện tích 4.000 m2. Sau khi kết thúc, nhà tài trợ đã thực hiện đánh giá dự án và đồng ý tài trợ để CSRD thực hiện giai đoạn 2 của dự án, trong đó có hoạt động mở rộng diện tích rừng ngập mặn ở Cồn Tè.
Trong tất cả các hoạt động, CSRD luôn đánh giá cao vai trò của người dân trong việc tham gia vào các hoạt động của các dự án mà CSRD thực hiện. Vì, người dân là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ dự án, đồng thời họ có nhiều kinh nghiệm quí giá cũng như hiểu biết cụ thể về địa phương mình. Chính vì vậy, trong hoạt động mở rộng diện tích RNM ở Cồn Tè, CSRD mong muốn người dân địa phương là những người đóng vai trò chính trong việc lập kế hoạch mở rộng diện tích RNM ở địa phương mình.
Trước khi vào phần lập kế hoạch, bà Nguyễn Thị Thu Hương, phó chủ tịch huyện Hương Trà thông báo về định hướng phát triển kinh tế xã hội và qui hoạch phát triển RNM huyện Hương Trà nói chung và thôn Thuận Hòa nói riêng. Theo đó, huyện qui hoạch phát triển diện tích RNM trên toàn huyện là 300 ha, riêng ở Thôn Thuận Hòa là 70 ha. khu vực này được qui hoạch phát triển các ngành dịch vụ trong đó chú trọng vào việc phát triển du lịch sinh thái dựa trên việc phát triển diện tích RNM và hệ sinh thái vùng đầm phá Tam Giang. Theo bà Hương, hiện nay huyện đã qui hoạch diện tích phát triển RNM ở xã Hương Phong là 70 ha. Đồng thời, người dân cũng được ông¦Phước, phó chi cục kiểm lâm huyện thông báo về kế hoạch giao đất giao RNM cho người dân, theo chính sách của hyện thì toàn bộ diện tích RNM trên sẽ được giao cho người dân khai thác và quản lý.
KẾ HOẠCH MỞ RỘNG DIỆN TÍCH CÂY NGẬP MẶN Ở CỒN TÈ
1. Ý kiến người dân về việc mở rộng diện tích RNM ở cồn Tè:
Khi được hỏi về việc có nên mở rộng diện tích RNM ở Cồn Tè hay không, thì 100% người dân mong muốn diện tích cây ngập mặn nơi đây được mở rộng. Cách Cồn Tè khoảng 1 km về hướng Đông Bắc là khu RNM Rú Chá có diện tích khoảng 3,5 ha. Khu rừng này có cách đây hơn 100 năm, người dân địa phương cho biết mỗi lần có lụt, bão thì những khu vực bên trong Rú Chá này bị tác động rất ít so với những khu vực khác, không những thế Rú Chá còn là nơi lánh nạn của người dân trong những đợt lụt bão lớn. Đồng thời, trong khu vực Rá Chá có một hệ sinh thái rất đa dạng và phong phú với nhiều loài tôm, cá, chim,¦đặc trưng của vùng đầm phá Tam Giang tạo nguồn sinh kế cho người dân. Nên hơn ai hết người dân ở đây nhận thức rất rõ vai trò của rừng ngập mặn trong việc ứng phó với BĐKH. Vì vậy khi được hỏi mong muốn mở rộng diện tích RNM, 100% người dân đều mong muốn diện tích cây ngập mặn ở Cồn Tè được mở rộng.
Cồn Tè là khu đất ngập nước nằm ở cuối sông Hương và đối diện với cửa biển Thuận An có tổng diện tích hơn 30 ha, khu vực này thuộc thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cây ngập mặn ở Cồn Tè được trồng vào ngày 12/01/2010 là kết quả của sự phối hợp giữa chính quyền xã Hương Phong – huyện Hương Trà, hội cựu chiến binh thôn Thuậ Hòa – xã Hương Phong, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Tiên Huế và CSRD. Đây là hoạt động nằm trong dự án ADAPTS#7 do CSRD thực hiện. Mô hình này có 2.200 cây với 4 loài là Bần (1800 cây), Sú (200 cây), Mắm (100 cây) và Đước (100 cây) với tổng diện tích 4000 m2. Theo báo cáo Đánh giá kết quả mô hình trồng cây ngập mặn ở tỉnh Thừa Thiên Huế dự án ADAPTS#7, sau gần 2 năm thực hiện tỷ lệ cây sống và phát triển đạt 75% số cây trồng ban đầu. Cây phát triển tốt, đặc biệt là cây Bần tỷ lệ sống cao (80%) và đã cho hoa ở một số cây, cây Mắm đạt tỷ lệ sống 100% và phát triển tốt. Các cây Sú và Đước thì chậm phát triển hơn so với cây Bần và Mắm. Chiều cao trung bình cây ngập mặn ở Cồn Tè là 1,2 m, cây cao nhất 2,2 m, 30 % cây Bần đã ra hoa và kết trái. Bên cạnh sự phát triển của cây ngập mặn, khu vực này được bồi đắp phù sa nhiều hơn 10 cm so với những khu vực xung quanh không có cây ngập.
2. Địa điểm thực hiện:
Diện tích cây ngập mặn tiếp tục mở rộng từ khu vực trồng thử nghiệm của CSRD. Ông Nguyễn Mân, bí thư chi bộ thôn Thuận Hòa cho biết, từ trước đến nay ở xã Hương Phong đã có nhiều chương trình/ dự án nghiên cứu mở rộng diện tích RNM trên nhiều địa điểm khác nhau nhưng đều thất bại, chỉ có mô hình được trồng ở Cồn Tè là thành công nhất. Đồng thời, khu vực Cồn Tè là khu vực nằm đối diện với cửa biển Thuận An và cuối sông Hương, nên hàng năm thường xuyên chịu tác động của lụt, bão, gió mùa Đông Bắc,¦Chính vì vậy, trồng cây ngập mặn ở đây sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu tác động do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Bên cận đó, việc phát triển cây ngập mặn nơi đây sẽ tạo điều kiện rất lớn trong việc phát triển ngành du lịch sinh thái dựa vào việc phát triển hệ sinh thái đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
3. Thời gian thực hiện:
Thời gian thuận lợi nhất cho việc trồng cây ngập mặn là vào tháng 2. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, vào tháng 2 khu vực Cồn Tè ít bị ngập nước do đã qua thời triều lớn và nước ở thượng nguồn đổ về ít. Đồng thời, đây là thời gian thời tiết bắt đầu ấm lên nên rất thuận tiện cho cây sinh trưởng và phát triển. Nên trồng cây ngập mặn vào thời gian này là phù hợp nhất. Nhưng người dân cũng khuyến cáo rằng, việc trồng cây trong tháng hai nên tránh những ngày 03, 17, 29 vì đây là những ngày triều lớn, khu vực Cồn Tè sẽ bị ngập sâu.
4. Lựa chọn cây trồng:
Cây Bần, cây Mắm và cây dừa nước là những loại cây được lựa chọn trồng để mở rộng diện tích RNM ở Cồn Tè. Loại cây trồng được lựa chọn dựa trên kinh nghiệm của dân và kết quả thực hiện của các chương trình, dự án trồng cây ngập mặn thí điểm tại địa phương. Từ trước đến nay, trên địa bàn thôn Thuận Hòa đã có nhiều dự án trồng thử nghiệm cây ngập mặn nhưng tỉ lệ cây sống thấp hơn 10 %, các loại cây được lựa chọn để trồng chính là cây Chá, Sú, Đước. Còn trong dự án ADAPTS, loại cây được lựa chọn để trồng là cây Bần Mắm, Sú và Đước và tỉ lệ sống đạt trên 75 %, trong đó 2 loại cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất là Bần và Mắm. Vì vậy theo ý kiến người dân nên trồng 2 loại cây chủ đạo là cây Bần và cây Mắm. Ý kiến của ThS. Bình – chuyên viên phòng BVTNMT cũng đồng ý với ý kiến của người dân, anh Bình cho biết Tốc độ sinh trưởng và phát triển của cây Bần Chua và cây Mắm ở Cồn Tè bằng với tốc độ sinh trưởng các loại cây đó tại Đầm Thị Nại (tỉnh Bình Định), nơi các cây ngập mặn phát triển rất tốt. Vì vậy cần tập trung vào hai loại cây này để tạo thành một hệ sinh thái RNM đặc thù cho địa phương.
5. Phương pháp trồng và bảo vệ:
Vấn đề trồng và bảo vệ cây ngập mặn là vấn đề rất quan trọng, cây muốn sống tỷ lệ cao, sinh trưởng và phát triển tốt ngoài những yếu tố tự nhiên thì những yếu tố về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rất cần thiết. Sau quá trình thảo luận giữa người dân, chính quyền địa phương và dự án, các bên đã đi đến thống nhất là người dân sẽ đảm nhận nhiệm vụ chính trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây ngập mặn dưới sự hỗ trợ kinh phí từ CSRD.
+ Trồng cây: Để tạo ra không khí thi đua trong việc trồng cây, người dân đã lập ra hai đội, một đội nam và và một đội nữ, sau đó mỗi đội sẽ đảm nhận trồng một khu vực khác nhau. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả của việc bảo vệ cây ngập mặn sau này, đối tượng được lựa chọn chính là những hộ có nuôi trâu. Bởi vì vào mùa đông trâu thường được thả rông ở khu vực này nên nguy cơ cây bị trâu phá rất cao. Chính vì vậy, việc lôi kéo các chủ hộ nuôi trâu tham gia vào việc trồng cây sẽ góp phần nâng cao ý thức của họ về vai trò của RNM từ đó có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ cây.
+ Bảo vệ cây: Kể từ khi trồng đến lúc 2 tuổi, cây cần được bảo vệ nghiêm ngặt trước những tác động xấu. Theo kinh nghiệm của người dân và cán bộ thực hiện dự án ADAPTS thì trong vòng 2 năm đầu, cây cần được bảo vệ trước hai yếu tố: 1) Rong rêu, rác thải vì khi cây còn nhỏ mà bị các loại này quấn vào thân cây thì cây sẽ bị ngạt và chết. 2) Trong vòng 2 tuổi đầu, khi cây còn thấp cần ngăn không cho trâu, bò, dê vào vườn cây vì những loại gia súc này sẽ giẫm đạp cây và ăn lá cây làm cây bị yếu đi, sau 2 năm tuổi khi cây đã cao thì các loại gia súc trên sẽ không gây hại cây được. Để việc bảo vệ cây đạt được hiệu quả, theo người dân cần có những chương trình tập huấn và tuyên truyền về vai trò của RNM cho mọi người trong thôn nói riêng và toàn xã Hương Phong nói chung. Bên cạnh đó, để việc bảo vệ cây ngập mặn hiệu quả thì cần xây dựng và phổ biến quy ước bảo vệ RNM cộng đồng nơi đây.
Kết thúc buổi thảo luận, tất cả các bên tham gia cùng đi đến thống nhất: 1) Việc lập kế hoạch, thực hiện trồng và bảo vệ cây ngập mặn ở Cồn Tè do người dân thôn Thuận Hòa thực hiện, 34) Chính quyền huyện Hương Trà và xã Hương Phong sẽ tạo mọi điều kiện trong việc xác định khu vực trồng cây ngập mặn và xúc tiến việc giao đất giao rừng ngập mặn cho người dân bảo vệ và khai thác, đồng thời tiến hành xây dựng qui ước bảo vệ cây ngập mặn, 35) Chi cục Bảo vệ Môi Trường sẽ hỗ trợ việc tìm nguồn giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngập mặn cho người dân thôn Thuận Hòa, 36) CSRD sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí và điều phối các hoạt động này. Đây là một mô hình hay – mô hình phối hợp giữa chính quyền địa phương, tổ chức phi chính phủ và người dân trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, đáng được nhân rộng ra nhiều địa phương.
Bá Quốc – CSRD