Tác giả: Phan Thanh Hải
Vua Tự Đức (Dực Tôn Anh Hoàng Đế, 1829-1883) là vị hoàng đế thứ 4 của triều Nguyễn, ở ngôi đến 36 năm (1848-1883). Ông là vị hoàng đế tài hoa, giỏi chữ nghĩa, uyên thâm Nho học nhưng có một cuộc đời đầy bi kịch. Bi kịch của Vua Tực Đức cũng là bi kịch của đất nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX trước họa xâm lăng của thực dân Pháp.
Nhưng, những di sản mà Vua Tự Đức để lại trong đó nổi bật là Khiêm Lăng, là những kiệt tác kiến trúc nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh, cũng là một trong những công trình đẹp nhất, thơ mộng lãng mạn nhất mà mọi du khách khi đến Huế đều mong muốn được viếng thăm.
Lăng Vua Tự Đức là tên gọi phổ thông hiện nay của Khiêm Lăng, lăng mộ của vị hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn, miếu hiệu Dực Tôn Anh Hoàng đế, húy Nguyễn Phúc Hồng Nhậm/Nguyễn Phúc Thì. Đây là công trình được ca ngợi là khu lăng mộ hoàng đế đẹp nhất, tiêu biểu nhất trong kiến trúc lăng mộ của triều Nguyễn nói riêng và kiến trúc lăng mộ truyền thống Việt Nam nói chung. Từ năm 1993, Khiêm Lăng đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới cùng 15 di tích kiến trúc khác trong quần thể di tích cố đô Huế (1). Trước đó, từ năm 1979, khu lăng này đã được đặc cách công nhận là di tích cấp quốc gia; năm 2009 được Thủ tướng chính phủ ra quyết định công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Cho đến nay, lăng Tự Đức vẫn là một điểm đến được yêu thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước, của cộng đồng nhân dân địa phương (2). Tuy nhiên, xung quanh di tích rất nổi tiếng này vẫn còn rất nhiều bí ẩn cần được lý giải.
1. Vua Tự Đức và việc xây dựng Khiêm Cung/Khiêm Lăng
Nguyễn Phúc Hồng Nhậm là con trai thứ của vua Thiệu Trị, ông sinh năm Kỷ Sửu (1829), được kế vị năm Mậu Tuất (1848) khi 19 tuổi. Sau 16 năm ở ngôi ông bắt đầu cho xây dựng Khiêm Cung tại cuộc đất “Vạn niên cát địa” (vì vậy khu lăng lăng còn được gọi là Vạn Niên Cơ) ở làng Dương Xuân Thượng mà quần thần triều Nguyễn đã tốn không ít công sức để chọn lựa. Có một điểm đặc biệt ở các lăng tẩm triều Nguyễn là hầu hết chủ nhân ý tưởng thiết kế các khu lăng đều chính là các vị hoàng đế- chủ nhân của khu lăng mộ đó, vì vậy mỗi khu lăng tẩm thường thể hiện rõ cá tính, sở thích của họ: như lăng Gia Long hoành tráng, khoáng đạt; lăng Minh Mạng đăng đối, thâm nghiêm; lăng Tự Đức xinh đẹp, thơ mộng; lăng Khải Định rực rỡ chói chang…. Khiêm Cung/Khiêm Lăng cũng vậy, toàn bộ ý tưởng quy hoạch của công trình đặc biệt này đều của vua Tự Đức, nhưng còn hơn thế, trước đó 16 năm, nhà vua đã từng trực tiếp chỉ đạo vào việc quy hoạch và xây dựng lăng tẩm của vua cha mình- Xương Lăng.
Việc xây dựng Xương Lăng sau khi vua Thiệu Trị băng hà năm 1847 diễn ra tương đối nhanh và hầu như do các đại thần đảm trách bởi vua Tự Đức lúc đó còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhà vua là một người con vô cùng hiếu thảo và từ bé đã sống cận kề với vua cha nên ông hiểu rất rõ cá tính, sở thích cũng như tâm nguyện của vua Thiệu Trị. Vì vậy, trong quá trình xây dựng Xương Lăng kéo dài hơn 9 tháng (từ ngày 11. 2 đến tháng 19.11.1848), vua Tự Đức không chỉ luôn theo dõi sát công trường mà còn quyết định nhiều vấn đề về quy hoạch, kiến trúc để Xương Lăng phải đảm bảo là công trình to lớn, hoành tráng (3). Xương Lăng chính là công trình kiến trúc đầu tiên của vua Tự Đức sau khi lên ngôi, và cũng là công trình mà ông còn nghiên cứu, áp dụng không ít những điểm ưu việt vào việc xây dựng khu lăng mộ cho chính mình về sau.
Từ kinh nghiệm việc xây dựng Xương Lăng, lại có thời gian suy nghĩ, nghiền ngẫm rất lâu nên khi xây dựng Khiêm Cung, vua Tự Đức đã có sự quy hoạch rất cụ thể, rõ ràng.
Năm Giáp Tý (1864), nhà vua đã quyết định chọn cuộc đất rộng ở vùng núi làng Dương Xuân Thượng để xây dựng ngôi nhà vĩnh hằng cho mình, đặt tên là Vạn Niên Cơ.
Toàn bộ vùng đất được quy hoạch để xây dựng Vạn Niên Cơ rộng hơn 440 mẫu (220 ha), chạy dài từ đồi Vọng Cảnh đến ngọn Lao Khiêm Sơn, bao trùm cả khu vực Thiên Thành Cục (lăng mộ Kiên Thái Vương) và Tư Lăng (lăng vua Đồng Khánh) sau này; tuy nhiên khu vực nội lăng chỉ rộng khoảng 27 mẫu (13,5ha) và có xây tường đá bao quanh, dài 1.823m (4).
Sau khi quy hoạch xong, chọn được ngày tốt, trong tháng 12/1864, công trình đã được khởi công:
“Rồi mỗi người một việc, ai lo việc nấy, cố gắng hết sức, chỗ đáng cao đắp cho cao, nơi đáng thấp đào cho thấp, mở mang đo đạc, chặt phá tảng đá lùm cây, rồi thành trì, cung điện, lầu gác, đình viện, nhà mát, hành lang, hồ đảo… dần dần hiện ra đúng vị trí và xứng hợp với nhau”.(5)
Với 3000 binh lính thợ thuyền, triều đình dự kiến sẽ xây dựng Khiêm Cung trong vòng 6 năm, nhưng chỉ huy công trường là biện lý bộ Công Nguyễn Văn Chất và Thống chế Lê Văn Xa, vì muốn lập công với nhà vua nên đã xin rút ngắn thời gian đi một nửa, vì vậy mà binh lính thợ thuyền đã bị cưỡng bức lao động khổ sai khiến họ oán thán triều đình:
Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân
Do bị cưỡng bức lao động đến mức cùng kiệt, 3000 lính và thợ bất mãn ấy đã nghe theo tiếng gọi nổi dậy của Đoàn Trưng. Đêm 16 rạng ngày 17/8/1866, với danh nghĩa tôn phò Ngũ Đại Hoàng tôn Ưng Đạo, cháu nội 5 đời của vua Gia Long lên ngôi, với vũ khí rất thô sơ là những chiếc chày giã vôi, họ đã kéo về Kinh thành hòng lật đổ ngai vàng của vua Tự Đức, nhưng cuộc nổi dậy bị gọi là “Loạn Chày vôi” này đã nhanh chóng bị đàn áp hoàn toàn. Những người cầm đầu nổi dậy đều bị xử tử, lực lượng binh lính, thợ thuyền tham gia phần lớn đều được tha bổng.
Công việc xây dựng bị gián đoạn trong hơn một tháng vì cuộc binh biến này. Hai viên chỉ huy công trường là Nguyễn Văn Chất và Lê Văn Xa bị triều đình cách chức vì đã áp dụng những chính sách khắc nghiệt với lính và thợ xây lăng. Ngày 26/10/1866, vua Tự Đức sai thượng thư bộ Hình là Phan Huy Vịnh, Phó đô Ngự sử Lê Bá Thận và biện lý Bộ Lại Nguyễn Lâm lên Khiêm Cung tập họp binh sĩ và thợ thuyền, phủ dụ họ tiếp tục công việc xây dựng. Triều đình cũng giao cho ba vị quan này nhiệm vụ điều khiển công trường xây dựng lăng cho đến khi công trình hoàn tất vào tháng 9/1867.
Riêng bài “Khiêm Cung Ký” dài hơn 5000 chữ do chính nhà vua viết năm 1871 thì đến năm 1875 mới được khắc vào tấm bia lớn bằng đá Thanh và dựng tại Bi Đình.
Phần lăng mộ (gồm Bửu Thành, Huyền Cung, Bửu Phong…) thì sau khi vua Tự Đức băng hà (1883) mới hoàn thành.
Khác với các lăng tẩm hoàng đế trước đó, khi xây dựng Khiêm Cung, vua Tự Đức đã cho tận dụng rất nhiều vật liệu cũ từ việc dỡ bỏ các công trình khác trong Kinh thành đưa lên xây dựng lại, chỉ trừ 3 công trình chính có quy mô khá lớn là điện Hòa Khiêm, điện Lương Khiêm và Di Khiêm Lâu là sử dụng hoàn toàn vật liệu mới. Dẫu vậy, triều Nguyễn cũng đã chi phí hàng vạn lượng bạc để hoàn thành công trình này. Chính vua Tự Đức cũng cảm thấy áy náy và đã phân trần trong bài Khiêm Cung Ký về sự tốn kém đó:
“Điện vũ tuy nhiều nhưng đặc biệt chỉ có Hòa Khiêm, Lương Khiêm và Di Khiêm là làm bằng gỗ mới, còn lại đều nhặt nhạnh từ những ngôi nhà cũ, đem chỗ nọ bỏ vào chỗ kia mà công việc cũng phải đến ba năm mới xong. Tất cả việc xây cất sửa sang chi dùng kể đến hàng vạn lao phí như thế ta biết làm sao được”.(6)
Từ Khiêm Cung đến Khiêm Lăng là cả một quá trình rất dài, nhưng không chỉ thế, sau khi Khiêm Lăng hoàn thành, việc xây dựng ở đây vẫn chưa chấm dứt. Năm 1884, sau khi hoàng đế Kiến Phúc băng hà, triều đình Nguyễn trong cơn bối rối bởi sự áp chế của người Pháp và sự lục đục trong nội bộ vương triều đã không có điều kiện đi tìm một ngôi đất “vạn niên cát điện” cho vị hoàng đế xấu số, họ đã chọn ngay một vị trí nằm bên tả bên trong khu lăng vua Tự Đức để xây dựng Bồi Lăng, thậm chí còn sử dụng luôn công trình có sẵn là Chấp Khiêm Trai, đem cải tạo lại để làm điện thờ vua Kiến Phúc.
Năm 1888, triều Nguyễn lại cho xây dựng lăng Khiêm Thọ trong khuôn viên Khiêm Lăng, dành cho thái hậu Lệ Thiên sau khi bà qua đời. Đến năm 1902, công trình này mới hoàn chỉnh. Như vậy, Bồi Lăng và Khiêm Thọ Lăng là những công trình kiến trúc muộn, không có trong quy hoạch ban đầu của Vua Tự Đức, những công trình này ít nhiều đã làm phá vỡ cấu trúc nguyên thủy của Khiêm Cung/Khiêm Lăng.
Bên ngoài vòng la thành của Khiêm Lăng, trong giới hạn của vùng quy hoạch nguyên thủy, sau khi vua Tự Đức băng hà còn xuất hiện thêm một số tẩm mộ của các bà Phi, Tài nhân, Cung nga, Cung nhân của nhà vua. Tiêu biểu là tẩm của Học phi Nguyễn Văn Thị Hương, nằm bên hữu, phía trên cửa Vụ Khiêm (7); mộ của bà Tài nhân họ Lê, nằm phía trên tẩm Học phi (8); tẩm Đọa Khê hay (tẩm 15 liếp) của 15 bà Tài nhân, Cung nga, Cung nhân nằm bên hữu, phía dưới của Vụ Khiêm (9)… Tuy nhiên, tất cả các tẩm mộ này có lẽ đều không nằm trong quy hoạch ban đầu của Khiêm Cung/Khiêm Lăng mà vua Tự Đức đã hoạch định.
2. Quy hoạch và bố cục ban đầu của Khiêm Cung/Khiêm Lăng
Khiêm Lăng là khu lăng tẩm rộng lớn với tổng diện tích quy hoạch khoảng 440 mẫu (220ha), tuy nhiên, phần nội lăng nằm bên trong vòng tường đá bao bọc thì chỉ chừng 27 mẫu (13,5ha).
Khi chọn cuộc đất này để xây dựng Vạn Niên Cơ, vua Tự Đức đã có một tầm nhìn rất xa để tạo cho cuộc đất có mối liên hệ với những di tích rất quan trọng của triều Nguyễn:
“Lên cao mà nhìn bốn phía thì trước mặt là đàn Nam giao, sau lưng là chùa Linh Mụ đã đủ rõ chí hướng bình sinh của ta rồi. Lúc sống chưa thể bày tỏ hết lòng thành thì khi chết lại được mãi mãi chầu hầu. Bên phải gần Xương lăng, bên trái đối diện Văn Miếu đủ để an ủi niềm yêu mến ngưỡng mộ thành thực của ta, để ngày kia hồn phách ta có nơi nương tựa dài lâu thủy chung như nhất”(10).
Như vậy, Khiêm Cung/Khiêm Lăng được đặt ở một vị trí đặc biệt, phía trước là đàn Nam Giao, sau lưng là chùa Thiên Mụ, bên phải là Xương Lăng, bên trái là Văn Miếu, điều đó cũng thể hiện rõ cả chí hướng, tâm tư, tình cảm và cả kỳ vọng của vua Tự Đức đối với ngôi nhà vĩnh cửu này.
Trong khoảng thời gian 16 năm cuối đời (1867-1883), đối với hoàng đế Tự Đức, Khiêm Lăng (khi còn mang tên là Khiêm Cung) thực sự là một ly cung của nhà vua, bởi vậy, ở đây gần như có đầy đủ các công trình kiến trúc và thiết chế liên quan để phục vụ cho đời sống sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi của vị hoàng đế triều Nguyễn và lực lượng tùy tùng.
Về bố cục, nhìn chung Khiêm Lăng 謙陵kế thừa các ý tưởng của Xương Lăng để chia thành 2 trục: Lăng và Tẩm (nhưng Tẩm đặt bên tả, Lăng đặt bên hữu, ở Xương Lăng thì bố trí ngược lại, Lăng bên Tả, Tẩm bên hữu), đồng thời bổ sung thêm khu vực kiến trúc vườn cảnh ở mặt trước, bao quanh hồ Lưu Khiêm 流謙湖, nên tổng thể khu lăng trông mềm mại, nên thơ hơn rất nhiều. Trước khi trở thành Khiêm Lăng, hồ Lưu Khiêm rộng đến hơn 15.300 m2, là nhân tố chia tổng thể Khiêm Cung thành hai phần, bên hữu hồ là các công trình phục vụ nhà vua cùng tùy tùng ăn ở, làm việc, nghỉ ngơi; bên tả hồ và các công trình gắn liền với hồ là các công trình phục vụ việc giải trí. Bản thân hồ Lưu Khiêm cũng là một công trình nhân tạo, được tạo nên từ những vùng ruộng sâu, phía đầu nguồn có mạch nước lớn phun lên từ lòng đất, nước hồ không bao giờ cạn, là nơi trồng sen, nuôi cá và đồng thời cũng là yếu tố phong thủy quan trọng của Khiêm Cung/Khiêm Lăng:
“Chỗ nước lớn gọi là hồ Lưu Khiêm quanh co uốn khúc từ phải sang trái sâu và trong, mùa hạ không cạn, mùa thu không tràn vì đây vốn là ruộng sâu mà đào nên, lại xây một cái cống thông ra ruộng bên ngoài để vừa giữ vừa tháo nước. Hồ khi mới làm được một nửa mà đàn cá chi chít không sao kể xiết, không đợi bắt bỏ vào nuôi bởi vì vị trí ấy rất tiện lợi để đàn cá từ ngoài vào. Phía đầu hồ, ven bờ đá, có dòng nước từ dưới đất phun lên, xem ở bờ đá ấy không thấy có chỗ hở mà nước lạnh và trong róc rách cứ rót mãi vào hồ ngày đêm không dứt, thực do trời sinh, nghi có mạch nước ngầm nhưng khó thấy rõ được. Nhân vậy bèn dựng một ngôi nhà nửa trên khô nửa dưới nước ở đó, sườn tre lợp tranh đủ che mưa nắng làm chỗ đậu cho hai chiếc thuyền nhỏ cũng gọi là Thuận Khiêm và Ôn Khiêm. Vào những lúc trăng thanh gió mát, dong thuyền chơi trên mặt hồ, hái hoa quân tử, ca khúc ái liên, sảng khoái lâng lâng không còn thêm gì nữa, bởi vì đầy hồ chỉ trồng một thứ hoa ấy. Bên cạnh hồ dựng lên hai nhà mát, một cái hai tầng khá cao và thoáng gọi là Xung Khiêm; một cái ba tầng, các tầng thấp và hẹp gọi là Dũ Khiêm, những đêm tháng năm có gió có trăng cũng đủ thú buông câu. Giữa hồ, do tính toán để giảm bớt công việc nên giữ lại đất đá đắp thành một hòn đảo lớn, dựng trên ấy ba ngôi đình nhỏ lấy tên là Nhã Khiêm, Tiêu Khiêm và Lạc Khiêm. Núi đá bao quanh, hoa cỏ râm mát, làm bậc đá, làm động, làm rừng, làm hang, nuôi đủ chim bay thú chạy, mọi vật đều thích nghi với chỗ ở của mình. Trên hồ bắc qua ba chiếc cầu gọi là Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm để tiện việc qua lại mà cũng để đất nước được nối liền với nhau”(11).
Trong bài Khiêm Cung Ký do chính nhà vua soạn, vua Tự Đức đã mô tả ngắn gọn nhưng khá đầy đủ chủ ý và cách bố trí các công trình trong Khiêm Cung. Theo đúng cách nhìn của người xưa, lăng mộ (nơi đặt thi hài) được xem là ngôi nhà vĩnh cửu được xác định là vị trí trung tâm của toàn khu lăng tẩm, từ đó mới tính ra các công trình khác:
“Chính giữa là ngôi nhà vĩnh viễn của ta, xây theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, không xây lăng đắp nấm, chỉ dành một đám đất bằng, làm tường thấp, ngày sau chắc bắt chước Bá Lăng dùng ngói để lợp.
Gò bên phải có tường bao quanh, trổ một cái cửa có lầu gọi là Khiêm Cung Môn. Điện phía trường gọi là Hòa Khiêm, là nơi thờ phụng hương khói về sau; điện phía sau gọi là Lương Khiêm là nơi nghỉ ngơi vui chơi. Phía đông của điện ấy là Minh Khiêm Đường dùng làm nơi nghe tấu nhạc, phía tây là Ôn Khiêm Đường dùng làm nơi cất giữ đồ ngự phục. Trong và ngoài cửa cung dựng bốn ngôi nhà ngang gọi là Công Khiêm, Cung Khiêm, Lễ Khiêm và Pháp Khiêm, là chỗ dành cho các quan túc trực. Sau hai điện ấy, dựng bốn viện gọi là Tùng Khiêm, Dụng Khiêm, Y Khiêm và Trì Khiêm, là nơi ở của các phi tần theo hầu. Tiếp phía sau điện có một cái gác nhỏ gọi là Ích Khiêm, tuy thấp nhưng đủ để nhìn phong cảnh gần đó.
Phía ngoài của cửa trước dựng một cái hành lang gọi là Chí Khiêm, hẹp nhưng đủ để thờ cúng các hầu thiếp đã khuất”.
“Ngoài có ba cửa là Vụ Khiêm, Tự Khiêm và Thượng Khiêm trong có sáu cửa là Tất Khiêm, Nhu Khiêm, Huy Khiêm, Năng Khiêm, Mục Khiêm và Liêm Khiêm.
Lại tùy sở thích hợp từng nơi từng lại mà làm giàn đậu, luống hoa, hàng cây, luống rau, làm hang động cho nai, đào ao cho cá. Tuy đất núi có vẻ xấu nhưng gieo trồng cũng dễ tốt, chăn nuôi cũng dễ phát triển, cũng có thể do khí đất ở đây khiến ra thế chăng.
Tên chung của nơi ấy gọi là Khiêm Cung, sau này ắt gọi là Khiêm Lăng. Lại sai làm miếu thờ thần để thờ cúng và ban sắc gọi miếu là Khiêm Sơn Thần”.
Ở phía trước lăng mộ của nhà vua còn có một chiếc ao nhỏ “… gọi là ao Tiểu khiêm xây theo hình trăng non, thế hoành chinh cục, trước cạn khô, chỉ để chứa nước mưa theo phép ô thanh thuật”.
Ở phía bên kia hồ Lưu Khiêm, trong một khu vực khá rộng, chủ yếu trồng thông, là các công trình phục vụ nhà vua giải trí, thư giãn:
“Dưới chân núi bên trái, ở đó là Thể Khiêm Đình, nơi dựng bia làm chỗ tập bắn. Ngang lưng núi là Khiêm Trai có hành lang ăn thông với ngôi lầu trên đỉnh núi, ấy là Di Khiêm Lâu nằm chót vót, hơi cao và thoáng, có thể trông xa được”.
Và nhìn tổng thể thì: “Chung quanh là la thành được xây chỗ cao chỗ thấp tùy theo hình thế của gò núi nhưng đó đều do tay người làm cả, nhưng chưa bằng nhìn dãy núi ôm quanh bốn mặt, chỗ như bức tường, chỗ như bình phong, không xiên không hở, đây mới là la thành của thiên nhiên vậy”.
Bức la thành thiên nhiên bao bọc lấy khu lăng tẩm từ xa mà nhà vua đề cập chính là “Những mạch núi chạy từ xa tới gần gọi là Dẫn Khiêm, Lao Khiêm, Đạo Khiêm, Long Khiêm, Cư Khiêm, Lý Khiêm” mà chính vua Tự Đức đã nói đến trong Khiêm Cung Ký.
***
Lăng vua Tự Đức là đỉnh cao của kiến trúc lăng mộ hoàng gia thời Nguyễn và cũng là đỉnh cao của kiến trúc lăng mộ Việt Nam thời quân chủ; bản thân khu lăng tẩm này cũng là một ly cung, một khu vườn thượng uyển tiêu biểu của triều Nguyễn. Cho đến nay, lăng vua Tự Đức không chỉ được tôn vinh bởi nhiều danh hiệu cao quý: Di tích cấp quốc gia đặc biệt của Việt Nam, Di sản văn hóa thế giới, khu lăng có nhà hát cổ nhất Việt Nam (nhà hát Minh Khiêm Đường), khu lăng tẩm có Bảo vật quốc gia (tấm bia đá khắc bài Khiêm Cung ký)… mà còn chứa đựng những giá trị to lớn về nhiều mặt, nhất là những giá trị về kiến trúc cảnh quan và nghệ thuật vườn cảnh. Những giá trị đó sẽ còn mãi với thời gian như câu ca dao ca ngợi cảnh đẹp thần tiên của khu lăng tẩm này:
Tứ bề núi phủ mây phong
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên.
Người viết bài này chỉ mong các thế hệ hôm nay và mai sau, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Khiêm Lăng thì hãy đồng cảm với một vị hoàng đế tài hoa, hiểu sâu, học rộng nhưng lại có một cuộc đời đầy bất hạnh. Nổi lòng của ông vẫn còn đó, khắc rõ trên tấm bia đá lớn nhất Việt Nam:
“Trên làng Dương Xuân chừ, coi có ngôi nhà ta đấy,
Núi thấp đất hoang vu chừ, biểu lộ sự nhún nhường của ta để tự trách vậy.
Ai đồng lòng với ta để hoàn thành chí ta chừ, ôi mong mà chưa thấy.
Chỉ có trời chứng minh chừ, lòng ta đã có bia đá ấy.”
Huế, ngày húy kị Đức Dực Tông Anh Hoàng đế
Chú thích:
- Năm 1993, Quần thể di tích cố đô Huế được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới bao gồm 16 cụm/điểm di tích là: Kinh thành, Hoàng thành, điện Long An-Quốc Tử giám, Trấn Bình đài, chùa Thiên Mụ, Văn Thánh, điện Hòn Chén, lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Khải Định, Hổ Quyền-điện Voi Ré, và Trấn Hải thành.
- Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, liên tục trong nhiều năm qua, lăng Tự Đức là điểm thu hút khách tham quan nhiều nhất trong các khu lăng tẩm triều Nguyễn tại Huế, và là điểm tham quan thu hút khách thứ 2 sau Đại Nội.
- Sau khi vua Thiệu Trị băng hà, bàn đến việc xây dựng sơn lăng, Tả thị lang bộ Binh Phạm Qũy dâng tấu xin chỉ làm đơn giản theo di chúc của vua Thiệu Trị, nhưng vua Tự Đức không đồng ý. Đích thân nhà vua đã quyết định việc quy hoạch và xây dựng Xương Lăng để đảm bảo quy mô to lớn, hoành tráng, để “thỏa nguyện ước lòng con tử”. Việc xây dựng lăng được giao cho các đại thần Vũ Văn Giải, Hà Duy Phiên làm đổng lý, Tôn Thất Đắc, Nguyễn Văn Điển làm phó đổng lý, đem theo Khâm Thiên Giám và Giám thành lên hiện trường làm việc. Xem Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bộ Công, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, tập 13, tr 335-336.
- Số liệu đo đạc này do Công ty Cổ phần tu bổ di tích Huế thực hiện vào ngày 11/3/2021. Mỗi mẫu thời Nguyễn tương đương xấp xỉ 5.000m2.
- Khiêm Cung Ký: Toàn văn “lời tâm sự” của vua Tự Đức, Trí thức VN- trithuc.vn, bản dịch của Phan Hứa Thụy, bản điện tử, cập nhật ngày 18/3/2021.
- Khiêm Cung Ký: Toàn văn “lời tâm sự” của vua Tự Đức, bản dịch của Phan Hứa Thụy, đã dẫn.
- Bà Học phi Nguyễn Văn Thị Hương vốn là ái phi của vua Tự Đức, theo di chiếu, bà đã lên ở tại Khiêm Lăng để lo việc hương khói phụng thờ nhà vua. Tuy nhiên, do là mẹ nuôi của vua Kiến Phúc nên đến cuối năm 1883, sau khi vua Kiến Phúc lên ngôi (thay vua Dục Đức), bà đã được mời về cung, được tôn phong làm Hoàng quý phi. Nhưng sau khi vua Đồng Khánh lên ngôi, bà lại bị phế truất ngôi vị này, trở lại là Học phi. Bà mất sau vua Kiến Phúc khoảng vài năm, được an táng bên ngoài Khiêm Lăng. Hiện tại, tẩm mộ vẫn còn khá nguyên vẹn.
- Mộ của bà Tài nhân họ Lê này đã bị Công ty TNHH Chuỗi giá trị san ủi năm 2017 khi làm bãi xe lăng Tự Đức- Đồng Khánh, nay vẫn chưa được khôi phục nguyên trạng.
- Tẩm Đọa Khê (theo tên trên bia đá hiện còn) dân gian thường gọi là tẩm 15 liếp, là nơi chôn cất của 15 bà Tài nhân, Cung nga, Cung nhân của vua Tự Đức trong một khuôn viên chung nhưng chia thành 15 ngôi mộ nhỏ. Khu vực này cách tẩm Học phi chừng 200m, nằm phía sau khu đất của gia đình ông Hoàng Trọng Đích, nay thuộc tổ 11, khu vực 3, phường Thủy Xuân, thành phố Huế.
- Khiêm Cung Ký: Toàn văn “lời tâm sự” của vua Tự Đức, bản dịch của Phan Hứa Thụy, đã dẫn.
- Khiêm Cung Ký: Toàn văn “lời tâm sự” của vua Tự Đức, bản dịch của Phan Hứa Thụy, đã dẫn.
- Chẳng hạn sau khi tìm được khu đất xây lăng ở núi Định Môn 定門山, vua Gia Long cho đổi tên thành Thiên Thọ Sơn 天授山; khi tìm được đất ở núi Cẩm Kê錦雞山, vua Minh Mạng đổi tên thành Hiếu Sơn 孝山; vua Tự Đức thì đổi tên núi Cư Chánh 居政山 thành Thuận Đạo Sơn 順道山sau khi chọn được đất để xây Xương lăng cho cha mình; núi Dương Xuân 楊春山thì được đổi tên thành Khiêm Sơn 謙山.vv..
(Ảnh: Bảo Minh và nguồn khác)