Tác giả: TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng
Đối với những người khỏe mạnh, sau khi nhiễm COVID-19 sức khỏe trở lại bình thường chỉ trong vòng 1-2 tuần sau nhiễm bệnh. Tuy nhiên, một số người lại gặp phải các tình trạng hậu COVID-19 có thể khiến kích thước não giảm, làm giảm chất xám ở những vùng kiểm soát cảm xúc và trí nhớ. Di chứng thần kinh hậu COVID-19 được ghi nhận với các biểu hiện thường gặp như là nhức đầu, chóng mặt, thay đổi ý thức, rối loạn khứu giác và vị giác, co giật và đột quỵ.
Theo báo cáo của tạp chí Nature – Đại học Oxford (2022) công bố bằng chứng liên quan đến những bất thường ở não bộ của bệnh nhân hậu COVID-19 sau khi chụp cộng hưởng từ (MRI) ở não đã rút ra những hội chứng sau:
Hội chứng sương mù não hậu COVID-19
Hội chứng sương mù não là một dạng rối loạn chức năng nhận thức, có thể gây ra một số các triệu chứng khó chịu: Mệt mỏi, kém tập trung, thiếu minh mẫn. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng. Do đó, nếu để kéo dài tình trạng này mà không được điều trị, người bệnh có thể gặp các tình trạng sức khỏe nguy hiểm khác.
Tình trạng sương mù não (brain fog) không phải là một chẩn đoán bệnh mà là triệu chứng của các tình trạng sức khỏe khác. Sương mù não là một thuật ngữ sử dụng để mô tả tình trạng tâm thần chậm chạp, như phủ một lớp sương mù và ngơ ngác. Triệu chứng của Hội chứng sương mù não: hay quên, có lúc cảm giác như bị lẫn, mất đi sự sáng suốt, rõ ràng trong các hoạt động tâm thần, mất tập trung chú ý.
Ngoài ra, những người tham gia còn trải qua một số bài kiểm tra tiêu chuẩn về độ nhạy bén tinh thần. Kết quả cho thấy, nhóm bệnh nhân hậu COVID-19 có mức độ suy giảm nhận thức giảm nhiều hơn. Theo một số bằng chứng, sự suy giảm này tương quan với sự thay đổi trong cấu trúc não liên quan đến tư duy và các kỹ năng tinh thần khác. Để có bằng chứng thuyết phục hơn, các nhà khoa học sẽ tiếp tục đánh giá hình ảnh và kiểm tra những người tham gia nghiên cứu này trong 1 hoặc 2 năm tới.
Một số biến chứng thần kinh do hậu COVID-19
Rối loạn chức năng thần kinh
Ở bệnh nhân COVID-19, rối loạn chức năng thần kinh xảy ra ở hơn 80% bệnh nhân. Những triệu chứng này có thể là biểu hiện ban đầu của COVID-19 và có thể xảy ra khi không có triệu chứng ngạt mũi hay chảy nước mũi. Tuy nhiên, hiếm khi các triệu chứng này là biểu hiện lâm sàng duy nhất của bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra.
Khi khám nghiệm tử thi của bệnh nhân tử vong do COVID-19 phát hiện thấy tình trạng viêm và tổn thương dọc trục ở khứu giác nhưng chưa có bằng chứng rõ là tổn thương do virus SARS-CoV-2 trực tiếp gây ra. Trong một loạt bệnh nhân COVID-19 được thống kê cho thấy có khoảng 44% bệnh nhân bị ảnh hưởng đã phục hồi chức năng khứu giác trong vòng 8 ngày sau khi hết các triệu chứng khác của bệnh.
Bệnh não
Ở những bệnh nhân COVID-19 nặng, bệnh não thường gặp hơn cả. Tình trạng hạ oxy máu gặp phổ biến, cũng như rối loạn chuyển hóa.
Ở một số bệnh nhân đã tử vong do COVID-19 bị bệnh não trước khi chết cho thấy tổn thương nhồi máu não cấp ở tất cả các bệnh nhân và bệnh nhân có bệnh lý thần kinh mạn tính như bệnh Alzheimer, xơ cứng động mạch.
Ở bệnh nhân COVID-19, các biểu hiện viêm não có thể gặp như mê sảng, kích động, hoặc các biểu hiện khác như buồn ngủ và giảm ý thức, tăng phản xạ tủy, tăng phản xạ cơ, co giật,…
Hội chứng Guillain-Barré
Đây là bệnh viêm đa cơ cấp tính đặc trưng bởi tình trạng tiến triển nhanh, đối xứng, khó cử động khi thăm khám, kèm theo các triệu chứng về cảm giác ở một số bệnh nhân.
Các bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng thần kinh bắt đầu ở ngày thứ 7 của bệnh sau khi có các biểu hiện về hô hấp. Một số bệnh nhân bị yếu cả tứ chi, có hoặc không mất cảm giác. Một số biểu hiện khác như: yếu 2 chi dưới, loạn cảm 2 chi dưới. Một số bệnh nhân khác lại bị tổn thương dây thần kinh mặt, khó nuốt.
Viêm tủy não lan tỏa cấp tính
Viêm não lan tỏa là một hội chứng khử myelin đa ổ, thường xảy ra vài tuần sau khi bị nhiễm trùng, thường có các biểu hiện là các triệu chứng thần kinh khu trú, kèm theo bệnh não.
Một vài trường hợp bệnh nhân COVID-19 có tình trạng viêm não tủy lan tỏa cấp tính đã được ghi nhận. Các triệu chứng bao gồm: khó nuốt, rối loạn tiêu hóa và bệnh não sau khi bắt đầu với triệu chứng nhức đầu và đau cơ. Một bệnh nhân khác có biểu hiện co giật và giảm ý thức. Trên phim MRI, các bệnh nhân đều có dịch não tủy bình thường, các dấu hiệu điển hình của viêm não tủy lan tỏa cấp. Một bệnh nhân khác thì xuất hiện tình trạng liệt mềm cấp với biểu hiện đại tiện không tự chủ.
Viêm não và viêm tủy lan tỏa cấp tính thường được coi là biến chứng sau nhiễm trùng, được điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các liệu pháp miễn dịch khác.
Đột quỵ
Đột quỵ không thường xuyên xảy ra ở bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tỷ lệ đột quỵ do nhồi máu não liên quan đến COVID-19 chiếm tỷ lệ 0,4 -> 2,7%, tỷ lệ xuất huyết não là 0,3 – 0,9%. Tỷ lệ các bệnh mạch máu não liên quan đến COVID-19 khác nhau ở các vùng dịch lớn trên thế giới.
Nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của COVID-19. Những bệnh nhân nhẹ có nguy cơ đột quỵ < 1%, nhưng với những bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt thì nguy cơ này có thể lên tới 6%.
Thông thường, đột quỵ xảy ra vào thời điểm từ 1 – 3 tuần sau khi khởi phát các triệu chứng COVID-19. Tuy nhiên, đột quỵ cũng có thể là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc nhập viện của một số bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Tóm lại, đại dịch COVID-19 vẫn chưa tạm lắng, gây ra nhiều biến chứng trong và sau nhiễm khó lường trước được. Trong xu thế phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng,… chúng ta đừng chủ quan, hãy đảm bảo khuyến cáo của của Tổ chức Y Tế Thế giới, Bộ Y Tế là tiêm chủng đủ và đúng liều vaccine phòng COVID-19, vẫn đảm bảo tối thiểu 2k (khẩu trang, khử khuẩn), đặc biệt người trên 50 tuổi và có bệnh nền (tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, béo phì, suy thận mạn, suy giảm miễn dịch, ung thư,….).
Hình ảnh: Nguồn internet