Khảo sát khả năng khái quát hóa của trẻ mầm non tại thành phố Huế bằng trắc nghiệm KOGAN

Các nhà Tâm lí học, Giáo dục học đã chỉ ra rằng, đặc điểm phát triển tư duy của trẻ mầm non gắn liền với việc lĩnh hội các kinh nghiệm. Dựa trên những tri thức này, trẻ vận dụng các thao tác tư duy để phân tích, so sánh cái riêng lẻ, cụ thể đến cái chung có tính khái quát. Đối với lứa tuổi mầm non, trẻ 5-6 tuổi có khả năng khái quát hóa cao nhất. Tư duy của trẻ 5-6uổi đã có bước phát triển vượt bậc so với độ tuổi trước, đó là sự xuất hiện kiểu tư duy trực quan hình tượng mới – tư duy trực quan sơ đồ và những yếu tố của kiểu tư duy logic. Trong quá trình phát triển này, khả năng khái quát hóa (KQH) của trẻ được bộc lộ rõ nét, tạo cơ sở cho những bước tiến về sau. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục mầm non ở thành phố Huế, sự phát triển khả năng KQH còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc khảo sát khả năng KQH của trẻ mầm non 5-6 tuổi tại thành phố Huế để có biện pháp tác động nhằm nâng cao khả năng này cho trẻ là rất cần thiết.

 

1. Mô tả trắc nghiệm Kôgan

“Trắc nghiệm Kôgan” do Kôgan – một nhà Tâm lí học người Nga soạn thảo để nghiên cứu tư duy sơ đồ, một dạng của tư duy khái quát hóa của trẻ mầm non (*).

a/ Dụng cụ trắc nghiệm: Một bảng ma trận với các hình hình học có màu sắc khác nhau (Hình 1) và một bảng mẫu (Hình 2) với các tấm bìa riêng rẽ có các hình với các màu sắc khác nhau đó.

Trắc nghiệm được tiến hành 3 lần với những mệnh lệnh khác nhau:

Mệnh lệnh 1: Hãy sắp xếp các tấm bìa theo màu sắc.

Mệnh lệnh 2: Hãy sắp xếp các tấm bìa theo hình dạng.

Mệnh lệnh 3: Hãy chú ý nhìn vào bảng ma trận và xếp đặt các tấm bìa sao cho mỗi tấm bìa đúng vào ô của mình trên bảng đó.

Như vậy với trắc nghiệm Kôgan, trẻ phải thực hiện các yêu cầu về khái quát hóa: lập nhóm các đối tượng theo màu sắc và lập nhóm các đối tượng theo hình dạng.

b/ Kĩ thuật tiến hành trắc nghiệm:

– Lần thứ nhất: Đưa cho trẻ tất cả 25 tấm bìa nhưng không đưa ra bảng ma trận. Ghi số thời gian trẻ dùng để xếp các tấm bìa thành từng nhóm theo màu sắc.

– Lần thứ hai: Trẻ phải sắp xếp các tấm bìa theo hình dạng. Ghi số thời gian trẻ dùng để thực hiện mệnh lệnh.

– Lần thứ ba: Đưa cho trẻ bảng to (bảng ma trận) và cho mệnh lệnh mới kết hợp ghi số thời gian trẻ dùng để hệ thống hóa các tấm bìa theo màu sắc và hình dạng một cách đồng thời.

Lưu ý: Chỉ sau khi trẻ đã hoàn thành công việc hoặc từ chối không làm nữa thì có thể giải thích và sửa sai cho trẻ.

c/ Phân tích các kết quả :

Với trắc nghiệm này có thể xác định mức độ (MĐ) khả năng KQH của trẻ. Vì vậy, phân tích kết quả là chính chứ không phải là phân tích quá trình giải quyết nhiệm vụ. Cụ thể, phân tích các chỉ số thời gian: số thời gian trẻ dùng để phân loại theo màu sắc (t1) cộng với số thời gian để trẻ phân loại theo hình dạng (t2) phải nhỏ hơn hoặc bằng số thời gian trẻ dùng để hệ thống hóa theo màu sắc và theo hình dạng một cách đồng thời. Chuẩn ở trẻ 5 – 6 tuổi là : t+ t2 £ t3. Theo chuẩn, trẻ ở độ tuổi này phải thực hiện không sai sót việc phân loại theo màu sắc và hình dạng. Những sai sót trẻ phạm phải khi thực hiện hai nhiệm vụ này có thể chỉ ra sự có mặt của những lệch lạc trong sự phát triển của trẻ. Các sai sót nghiêm trọng như từ chối không làm trắc nghiệm nữa hoặc sắp xếp các tấm bìa một cách lộn xộn, nhầm lẫn các hình nói lên mức độ trí tuệ thấp hoặc có khuyết tật về trí tuệ của trẻ.

d/ Tiêu chí và thang đánh giá mức độ KQH trong bài tập trắc nghệm Kôgan

MĐ1: Trẻ chưa hiểu mệnh lệnh, phải chỉ dẫn thêm mới thực hiện được. Phần lớn trẻ chỉ sắp xếp được các tấm bìa theo màu sắc. Khi sắp xếp các tấm bìa vào bảng ma trận, trẻ nhầm lẫn rất nhiều về cả màu sắc và hình dạng. Thời gian trẻ dùng để thực hiện mệnh lệnh rất lâu, nhiều khi người nghiên cứu không xác định vì không chờ đợi được. Do đó, có thể xem như chuẩn về thời gian t1 + t2 £ t3 là không thỏa mãn. Trẻ chưa thực hiện được khái quát hóa, tư duy sơ đồ chưa hình thành, hoặc ở trẻ có vấn đề về trí tuệ.

MĐ2: Trẻ hiểu được mệnh lệnh, không có sai sót khi thực hiện việc sắp xếp các tấm bìa theo màu sắc và hình dạng nhưng khi sắp xếp các tấm bìa vào bảng ma trận, trẻ phạm một số ít nhầm lẫn. Trẻ không linh động trong khi sắp xếp mà theo thứ tự về hình và màu như trong bảng ma trận (hình: tròn – vuông – thang – ôvan – tam giác; màu: đen – vàng – xanh -­ đỏ – tím). Ví dụ, trẻ xếp hình tròn màu đen trước. Sau đó, trẻ nhất thiết phải tìm cho bằng được hình tròn màu vàng để xếp tiếp. Trẻ cần thời gian tương đối dài để thực hiện, tuy nhiên vẫn thỏa mãn điều kiện t1 + t2 £ t3 .

MĐ3: Trẻ hiểu được mệnh lệnh, thực hiện không sai sót cả 3 nhiệm vụ: sắp xếp các tấm bìa theo màu sắc, theo hình dạng và xếp vào đúng ô trong bảng ma trận. Trẻ thực hiện việc sắp xếp vẫn theo thứ tự, không linh động. Trẻ cần thời gian ngắn hơn so với M2, nhưng chưa nhanh, thỏa mãn điều kiện t1 + t2 £ t3 .

MĐ4: Trẻ nhanh chóng hiểu được mệnh lệnh và thực hiện ngay một cách linh động, không theo trình tự, nhất là trong việc sắp xếp các tấm bìa vào bảng ma trận. Ví dụ, ngay từ đầu nếu trẻ cầm lên một tấm bìa bất kì nào đó, trẻ tìm ngay vị trí của nó để xếp vào. Trẻ không phạm một sai sót hay nhầm lẫn nào. Trẻ chỉ cần một thời gian ngắn để thực hiện nhiệm vụ, và đạt chuẩn về thời gian t1 + t2 £ t3 .

2. Kết quả khảo sát khả năng khái quát hóa của trẻ 5 – 6 tuổi tại thành phố Huế

Tiến hành khảo sát 190 trẻ mầm non 5 – 6 tuổi đang học lớp mẫu giáo lớn của các trường mầm non Phú Cát, mầm non Hoa Mai, mầm non Trường An, mầm non Phước Vĩnh – thành phố Huế. Kết quả cho thấy khả năng KQH của trẻ nằm ở MĐ2 và MĐ3, một số ít trẻ có MĐ4 và rất ít trẻ ở mức MĐ1. Từ đó có thể nhận thấy, đa số trẻ ở các trường đã có ý thức về vận dụng khả năng KQH vào thực hiện nhiệm vụ nhưng còn yếu.

3. Kết luận và kiến nghị

Khả năng KQH của trẻ 5 – 6 tuổi tại thành phố Huế ở mức độ trên trung bình (chủ yếu ở MĐ2 và MĐ3 theo thang đánh giá của Kôgan) và không đồng đều giữa các trẻ. Như vây, GVMN cần coi trọng việc phát triển năng lực quan sát, dạy trẻ phân tích, tổng hợp, so sánh các đối tượng theo các dấu hiệu giống nhau và phát triển ngôn ngữ khái quát hóa bằng cách xây dựng hệ thống bài tập trò chơi phù hợp với nội dung, yêu cầu của chương trình chăm sóc – giáo dục trẻ, nhằm nâng cao khả năng KQH cho trẻ mầm non.

Th.S Nguyễn Thiều Dạ Hương

Khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐHSP – Đại học Huế

(*)Trần Trọng Thủy (1992), Khoa học chẩn đoán tâm lý, NXB Giáo dục, Hà Nội.

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email