Tác giả: PGS.TS. Trần Đình Bình
Bộ môn Vi sinh, Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế
Trước diễn biến phức tạp của bệnh do virus Marburg tại các nước Châu Phi, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm do virus Marburg trên toàn cầu hiện nay được dự báo vẫn diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch. Bộ Y tế đã ra công văn yêu cầu các địa phương trong cả nước có biện pháp tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bởi vì bệnh do virus Marburg được xếp loại nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm..
1.1. Tính chất virus học
Họ virus Filoviridae có hai giống là giống virus Ebola và giống virus Marburg. Giống virus ebola có 5 loài gồm Zaire ebolavirus, Sudan ebolavirus, Reston ebolavirus, Côte d’Ivoire ebolavirus và Bundibugyo ebolavirus. Các virus họ này có cấu tạo virus học giống nhau.
Các virus họ Filoviridae là những virus có dạng hình sợi dài, có thể dài đến 14.000nm và đường kính ngang chừng 80nm. Hạt virus có bao ngoài bằng hai lớp lipid, trên bề mặt có nhiều gai glycoprotein, kế tiếp về bên trong là một lớp protein M nền, trong cùng các protein tạo nên cấu trúc nucleocapsid chứa một phân tử RNA sợi âm kích thước khoảng 19kb, mang 7 đoạn gene bắt đầu từ đầu 3’ là nucleoprotein, virion protein (VP) 35, VP40, glycoprotein, VP30, VP24, RNA-dependent RNA polymerase (L).
Hình 1. Cấu trúc hạt virus (A) và genome (B) của Filoviridae
(Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/File:Ijms-20-04657-g004.webp)
Virus gây nhiễm trùng tế bào bằng gắn lên các receptor lectin trên bề mặt tế bào, bao ngoài virus vùi với màng tế bào rồi xâm nhập vào tế bào bằng cơ chế ẩm bào, virus cởi áo và nhân lên ở bào tương của tế bào chủ. Từ RNA của virus sao chép thành mRNA và tổng hợp protein xảy ra ở bào tương.
RNA của genome của virus bố mẹ được sao chép để hình thành RNA sợi dương trung gian, từ RNA trung gian này sẽ sao chép và hình thành nên RNA sợi âm của các virus con. Quá trình tổ hợp hình thành các nucleocapsid xảy ra ở một vùng bên trong màng bào tương (giai đoạn này sẽ thấy các hạt vùi) và virus sẽ trưởng thành trong quá trình đẩy ra bên ngoài qua hệ thống golgi và màng tế bào.
Nuôi cấy và phân lập các virus ebola và marburg chỉ được thực hiện ở phòng thí nghiệm an toàn cấp IV. Virus có thể nhân lên được trên tế bào vero, tế bào vero E6, vào lần nuôi cấy đầu tiên thường cho hiệu ứng tế bào bệnh lý không rõ. Trên tế bào thận khỉ, các filovirus tạo nên CPE sau 5 ngày cấy với hình thành các không bào trong bào tương, các bào quan bị phá vỡ, tế bào hóa tròn, tế bào bong ra một cách rời rạc khỏi cấu trúc tế bào một lớp, sự nhân lên của EBOV-R và EBOV-IC rất chậm, CPE xuất hiện sau 7 đến 9 ngày ủ.
1.2. Dịch tễ học
Các trường hợp sốt xuất huyết do filovirus đầu tiên trên thế giới được thông báo từ năm 1967 ở Đức và ở Tiệp Khắc, nguyên nhân của các trường hợp này được xác định do virus Marburg. Năm 1976 những trường hợp sốt xuất tương tự xảy ra miền Nam Sudan và ở Zaire (CH Công-gô hiện nay), các trường hợp sốt xuất huyết này do một virus mới được đặt tên là virus ebola (theo tên một con sông nhỏ ở Zaire), sau này virus ebola được phân thành hai loài khác nhau là virus Ebola Sudan và virus Ebola Zaire. Năm 1994, một loài virus ebola Bờ Biển Ngà được phân lập. Năm 1995, vụ dịch do virus ebola xảy ra ở CH Công-gô gây bệnh cho 317 bệnh nhân và gây chết cho 37 người, nên loại virus ebola này đã gây nên sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Đến năm 2000, virus ebola Sudan lại gây nên một vụ dịch khác làm 425 người bị nhiễm và gây chết cho 225 người. Các vụ dịch do virus ebola Zaire tái xuất hiện trở lại trong những năm gần đây.
Filovirus có ổ chứa trong tự nhiên là các động vật linh trưởng, một số loài dơi ăn trái cây (fruit bats) và ăn côn trùng. Virus từ dơi trái cây được truyền sang người qua tiếp xúc trực tiếp hay từ chất tiết của chúng. Người bị nhiễm virus từ các động vật linh trưởng bị nhiễm virus qua tiếp xúc trực tiếp với động vật khi săn bắt và xẻ lấy thịt. Virus Marburg lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, dịch cơ thể, đường máu, nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, các chất tiết nôn, sữa, dịch ối, tinh dịch. Ngoài ra, khi một số vật dụng chăm sóc người bệnh như quần áo, ga trải giường, bơm kim tiêm, vật dụng y tế… nếu nhiễm virus thì có thể lây sang người. Virus Marburg cũng có thể lây trong phòng thí nghiệm hay nhân viên y tế chăm sóc người bệnh. Ngoài ra, virus Marburg cũng được truyền cho thai nhi qua nhau thai. Ở phụ nữ mang thai, virus Marburg có thể tồn tại trong nhau thai và nước ối. Đối với phụ nữ đang cho con bú, nếu bị nhiễm Marburg, virus có thể tồn tại trong sữa mẹ.
Đối tượng dễ mắc virus Marburg là người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, đặc biệt là các thành viên trong gia đình chăm sóc họ tại nhà hoặc nhân viên bệnh viện.Trong các vụ dịch sốt xuất huyết do filovirus ở người, chưa có bằng chứng filovirus truyền qua không khí, filovirus không truyền qua côn trùng tiết túc.
1.3. Tính chất gây bệnh
1.3.1. Bệnh sinh
Virus xâm nhập qua các tổn thương xây xát ở da, qua niêm mạc mắt, mũi hầu, tiêu hóa, virus theo đường máu và bạch huyết, chúng xâm nhập vào các tế bào trên bề mặt có biểu hiện lectin type C như đại thực bào, tế bào hình sao (drendritic cells), tế bào nội mạc, tế bào gan, tế bào mono, sau đó phát tán đến nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể. Virus nhân lên và gây rối loạn và tổn thương cho nhiều cơ quan. Cơ chế sinh bệnh của sốt xuất huyết do virus ebola khá phức tạp. Tuy nhiên, sinh bệnh học của sốt xuất huyết ebola liên quan đến hai loại tổn thương chính.
– Tổn thương trực tiếp do virus xâm nhập, nhân lên và gây hủy hoại tế bào của tổ chức và cơ quan.
– Tổn thương gián tiếp qua trung gian miễn dịch.
1.3.2. Các biểu hiện lâm sàng
Thời kỳ ủ bệnh của sốt xuất huyết ebola thay đổi từ 2 – 21 ngày (trung bình từ 4 – 10 ngày). Bệnh biểu hiện bởi sốt, lạnh run, mệt mỏi, nhức đầu và đau cơ. Sau đó xuất hiện các triệu chứng tổn thương nhiều cơ quan gồm suy kiệt, các triệu chứng tiêu hóa gồm buồn nôn, nôn mữa, đau bụng, tiêu chảy. Triệu chứng hô hấp có chảy mũi nước, ho, đau ngực, khó thở, phù và bệnh nhân có thể lẫn lộn, hôn mê.
Các biểu hiện xuất huyết gồm chấm xuất huyết, mảng xuất huyết ở da, chảy máu bầm tím ở chỗ tiêm truyền, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng. Các giai đoạn sau của bệnh gồm choáng, co giật, rối loạn chuyển hóa nặng, rối loạn đông máu.
Các triệu chứng cận lâm sàng ít rõ gồm giảm bạch cầu trong giai đoạn đầu, sau đó tăng neutrophile, giảm tiểu cầu, tăng enzym gan, protein niệu. Rối loạn tỷ prothrombin, thời gian thromboplastin kéo dài, các sản phẩm thoái biến fibrin khi có rối loạn đông máu.
Bệnh nhân tử vong do choáng và suy nhiều cơ quan xảy ra trong khoảng ngày thứ 6 đến ngày 16 của bệnh. Tỷ lệ tử vong ở người bệnh có thể lên đến 80%. Theo CDC, tỷ lệ tử vong do bệnh Marburg dao động từ 23% -90%. Trong một đợt bùng phát năm 2004 ở Angola, virus Marburg đã gây tử vong 90% trong số 252 người mắc bệnh.
1.3.3. Chẩn đoán phân biệt:
Bệnh sốt xuất huyết do các virus Marburg cần được chẩn đoán phân biệt sớm với một số nhiễm virus gây xuất huyết, thể nặng, chưa rõ căn nguyên, hoặc một số bệnh sau:
– Bệnh sốt vàng: có vàng da do suy gan cấp, thường diễn biến 2 đợt, tỷ lệ tử vong cũng cao (20-50%), bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào, do muỗi truyền.
– Bệnh sốt tây sông Nin: sốt kiểu 2 pha, thường có ban dát sần, xuất huyết và đi cùng hội chứng viêm màng não – viêm não, bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào, do muỗi truyền.
– Bệnh Dengue xuất huyết, thể nặng, có suy gan và tổn thương ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
– Bệnh sốt do virus Hanta: thể nặng có suy thận, phù phổi cấp và có thể bị sốc, tử vong cũng cao (tới 40%), có nguồn gốc bệnh từ động vật hoang dại.
1.4. Chẩn đoán virus học
1.4.1. Chẩn đoán trực tiếp
Chẩn đoán phòng thí nghiệm nhiễm trùng do các Filoviridae chỉ thực hiện ở phòng thí nghiệm có mức an toàn cấp 3 và cấp 4. Thông thường, chẩn đoán được thực hiện ở phòng thí nghiệm quốc gia. Việc lấy và vận chuyển bệnh phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học để tránh lây nhiễm.
Bệnh phẩm máu, các chất dịch cơ thể, mẫu nghiệm mô lấy từ bệnh nhân. Các xét nghiệm sau được thực hiện tùy thuộc vào phương tiện có sẵn ở phòng thí nghiệm.
– Nhuộm và khảo sát dưới kính hiển vi điện tử: nhuộm và khảo sát hình ảnh đặc trưng của virus.
– Xác định kháng nguyên virus: bằng kỹ thuật ELISA, miễn dịch huỳnh quang.
– Kỹ thuật khuếch đại gene: kỹ thuật realtime RT-PCR với các đoạn mồi và probe đặc hiệu được sử dụng ở các phòng thí nghiệm quốc gia.
– Phân lập virus: chỉ được thực hiện ở phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4, bệnh phẩm được phân lập ở nuôi cấy tế bào vero, tế bào vero E6 hay tiêm vào động vật thí nghiệm.
1.4.2. Chẩn đoán gián tiếp
Kháng thể IgM xuất hiện sớm sau khi bệnh có triệu chứng và kéo dài đến 6 tháng, kháng thể IgG xuất hiện từ ngày thứ 6 đến ngày 18 của bệnh và tồn tại nhiều năm. Các xét nghiệm có thể dùng gồm ELISA và miễn dịch huỳnh quang gián tiếp. Mẫu nghiệm huyết thanh trong giai đoạn cấp dương tính có giá trị chẩn đoán nghi ngờ, cần khẳng định thêm với mẫu nghiệm lấy vào 1 tuần sau.
1.5. Phòng bệnh và điều trị
1.5.1. Phòng bệnh
+ Đối với cộng đồng: Trên phương diện quốc gia và các tổ chức y tế thì:
– Biện pháp kiểm dịch y tế biên giới là rất quan trọng nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp nghi mắc bệnh có thể xâm nhập vào từ các khu vực có lưu hành bệnh trên thế giới.
– Hướng dẫn và tổ chức cho nhân viên y tế, đặc biệt là người làm việc tại khu vực cửa khẩu về các quy định giám sát, kiểm soát, xử lý phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg. Nhân viên phòng xét nghiệm phải được tập huấn định kỳ về an toàn sinh học đối với các virus thuộc nhóm bệnh này. Trang bị đầy đủ dụng cụ bảo vệ cá nhân có độ an toàn sinh học cấp 3 cho nhân viên y tế khi tiếp xúc, làm việc với tác nhân nghi là virus Marburg.
– Tuyên truyền giáo dục cộng đồng để có những hiểu biết cơ bản nhất và cách phòng chống khi có nguy cơ cảnh báo về khả năng xâm nhập của các virus Marburg.
– Báo cáo khẩn cấp cơ quan y tế cấp trên về mọi trường hợp nghi ngờ ca bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg ở bất cứ địa điểm nào trong nước. Có thể báo cáo vượt cấp lên tới Bộ Y tế. Duy trì báo cáo cho tới khi hết tình trạng cảnh báo dịch bệnh xâm nhập.
– Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch sốt xuất huyết do virus Marburg khẩn cấp ở các tuyến theo quy định của Chính phủ khi có tình trạng cảnh báo dịch xâm nhập.
+ Đối với cá nhân: Bệnh lây nhiễm mạnh qua chất dịch cơ thể, máu do vậy:
– Sử dụng các biện pháp bảo hộ nghiêm ngặt gồm các phương tiện phòng hộ cá nhân (vệ sinh tay, mang găng, áo quần bảo vệ, kính mắt, mạng che mặt) và khẩu trang đặc biệt khi tiếp xúc với người bệnh.
– Để phòng tránh nhiễm trùng do virus này, cần phát hiện bệnh sớm, tránh tiếp xúc với các loài động vật hoang dã có khả năng nguy cơ mang mầm bệnh, đặc biệt là dơi ăn quả, tránh ăn sống thịt động vật hoang dã. Khi tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh, người đi từ các nước Tây Phi về, nghi ngờ nhiễm virus cần đến cơ sở y tế sớm để khám và chẩn đoán.
– Hiện nay chưa có vắc xin hay thuốc kháng virus đặc hiệu để điều trị. Bệnh nhân bị bệnh cần phải đưa vào khu cách ly đặc biệt. Thu gom chất dịch cơ thể của bệnh nhân (máu, dịch não tủy, tinh dịch, dịch tiết khác) và khử khuẩn triệt để bằng chloramin 1-5%, hoặc những chất khử khuẩn khác, nên dùng với nồng độ cao. Quần áo, đồ dùng kim loại ô nhiễm có thể khử khuẩn bằng nhiệt (hấp áp lực 1210C/30 phút hoặc đun sôi 60 phút). Buồng bệnh được khử khuẩn bằng phun chloramin duy trì nhiều giờ. Thời gian theo dõi cách ly trong vòng 14 – 21 ngày sau khi phát bệnh.
1.5.2. Điều trị và chăm sóc
- Bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị, vì vậy điều trị theo các nguyên tắc: phát hiện, điều trị sớm; tập trung chủ yếu điều trị triệu chứng như giảm sốt, giảm đau, chống xuất huyết; chống suy gan, thận; trợ tim mạch, chống dị ứng, chống sốc; hạn chế tối đa các biến chứng muộn. Có thể sử dụng một số hóa dược kháng vi rút như Ribavirin. Chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn.
- Phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ như bù nước điện giải, chống xuất huyết, truyền máu, nếu có biểu hiện nặng thì cần thở ôxy, hồi sức chống suy đa tạng…. Cho dù áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, người mắc bệnh đều có tiên lượng nặng, tỉ lệ tử vong cao.
- Bệnh nhân tử vong cần tuân thủ các quy định về bảo hộ cá nhân cho những người tiếp xúc với thi thể bệnh nhân để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Bệnh dọ virus Marburg là loại không mới nhưng rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Với bài học từ các bệnh nhiễm trùng mới nổi và tái nổi như COVID-19, trong lúc chưa có biện pháp điều trị hiệu quả thì chiến lược dự phòng chung của cộng đồng và cá nhân sẽ làm giảm tối đa nguy cơ lây lan và nhiễm bệnh do virus Marburg.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ngô Viết Quỳnh Trâm, Trần Đình Bình (đồng chủ biên) (2021). Giáo trình Vi sinh vật y học dành cho sinh viên ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học. Nhà xuất bản Đại học Huế, 2021.
- Minh Thi (2023). Cảnh báo Virus Marburg gây bệnh sốt xuất huyết https://tphcm.chinhphu.vn/canh-bao-virus-marburg-gay-benh-sot-xuat-huyet-101230322221308342.htm
- Patrick Murray, Ken Rosenthal, Michael Pfaller (2015), Medical Microbiology, Elssevier 8th edition.
- CDC (2023). Marburg (Marburg Virus Disease), https://www.cdc.gov/vhf/marburg/index.html
- WHO (2021). Marburg Virus Disease. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/marburg-virus-disease