Ở ĐBSCL đang vào mùa nước nổi, một số vùng nông dân đang thu hoạch lúa TĐ. Vào lúc này bệnh ngoài da thường xuất hiện kèm theo triệu chứng ngứa, có vài vệt đỏ hoặc đau rát kèm theo xuất hiện nhiều mụn nước, bóng nước…, mà không ít người thường nhầm lẫn là bệnh dời leo.
Một số trường hợp đến khám bệnh vì một hoặc vài vệt đỏ trên da, thường thành đường dài, giống như vết tích của tổn thương da do gãi, trên vệt đỏ có lấm chấm nhiều mụn nước chứa dịch trong hoặc dịch đục; có khi sưng tấy, viêm nhiễm; nhất là những vùng da mỏng như quanh mắt, môi, mũi…
Một số trường hợp khác, sau một đêm ngủ thức dậy, bỗng nhiên nhìn thấy trên mặt, có nhiều tổn thương thành nhiều vệt đỏ, sưng tấy, đau rát. Khi hỏi lại, người bệnh không ghi nhận được điều gì trước đó, chỉ được biết rằng sáng ngủ thức dậy, rửa mặt, lấy khăn lau mặt rồi đi làm. Ngoài ra, không có một nghi ngờ gì về các yếu tố tiếp xúc trước đó.
Cũng có trường hợp, một ngày trước lúc xuất hiện tổn thương, người bệnh có nhớ lại rằng, có đi đâu đó trong vườn cây, làm cho người ta hoài nghi đến việc tiếp xúc với lá cây hay những yếu tố nào đó xung quanh môi trường…
<strong<bệnh viêm=”” da=”” tiếp=”” xúc=”” do=”” côn=”” trùng<=”” strong=””></strong<bệnh>
Qua các biểu hiện được tìm thấy và một một số nghiên cứu được thực hiện, người ta đã phát hiện các triệu chứng trên có liên quan đến một bệnh lý ngoài da với tên gọi viêm da tiếp xúc do côn trùng.
Nguyên nhân có thể do tiếp xúc với ấu trùng bướm gây viêm da do ấu trùng bướm (carterpillar dermatitis), hoặc tiếp xúc với kiến khoang. Đây là loại kiến có cánh bay, bụng thon nhọn có một khoang màu đỏ trên nền đen. Tối lại rất hay bay vào bóng đèn, xuyên qua cửa sổ, bám vào quần áo hoặc các vật dụng cá nhân, có khi tiếp xúc trực tiếp lên da người. Kiến này đốt rất đau và trong bụng có chứa một chất, khi tiếp xúc vào da tạo nên viêm bỏng da, gây nên cảm giác đau rát tại vùng da xuất hiện thương tổn. Bệnh gây nên các tổn thương dài tương ứng với vết gãi, với biểu hiện là những mảng đỏ, trên có nhiều mụn nước, mụn mủ, có khi sưng tấy, trợt, loét.
Hầu hết các trường hợp đều có cảm giác đau rát ở nhiều mức độ khác nhau, tùy theo tính chất viêm nhiễm và tùy theo vị trí xuất hiện tổn thương, làm cho người bệnh nghi ngờ đến bệnh dời leo. Vì thế, đã có không ít các trường hợp tự ý đi “khoán”, hay đắp các loại cây cỏ trực tiếp lên tổn thương, làm gia tăng tình trạng bội nhiễm, gây khó khăn cho quá trình điều trị tiếp theo.
<strong<làm thế=”” nào=”” để=”” phân=”” biệt=”” với=”” bệnh=”” dời=”” leo<=”” strong=””></strong<làm>
Bệnh dời leo, tức là bệnh zona. Đây là một bệnh do siêu vi trùng gây ra (varicella- zoster virus), chúng có ái tính đặc biệt với da và thần kinh, vì thế các tổn thương xuất hiện trên da và triệu chứng đau nhức do thần kinh chiếm ưu thế.
Bệnh thường có tiền triệu báo trước với biểu hiện đau rát trên vùng da sắp nổi thương tổn. Sau đó, trên da lần lượt xuất hiện nhiều mụn nước, bóng nước, có đặc điểm mọc thành từng chùm trên mảng da đỏ (mảng hồng ban). Các mụn nước lúc đầu chứa dịch trong, sau đó có thể hóa đục do tình trạng bội nhiễm phối hợp. Bệnh thường kéo dài trên 1-2 tuần, tổn thương tiến triển ngày càng nhiều hơn từ ngày thứ nhất đến ngày thứ tư (có khi đến ngày thứ 7), làm cho bệnh nhân có cảm giác đau nhức ở nhiều mức độ khác nhau. Thường các vị trí đầu mặt cổ, tổn thương thường gây triệu chứng đau nhức dữ dội.
Triệu chứng đau nhức có thể kéo dài từ lúc xuất hiện tổn thương trên da đến khi các các tổn thương da đã biến mất. Trong trường hợp đau nhức sau đó, người gọi là triệu chứng đau sau zona hay di chứng của bệnh zona. Đây cũng chính là đặc điểm giúp phân biệt bệnh zona với bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng. Ngoài ra, trong bệnh zona, các tổn thương trên da thường xuất hiện ở một bên cơ thể, dọc theo vùng da do dây thần kinh cho phối. Trong khi, bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng, tổn thương tùy thuộc vào vị trí tiếp xúc, có khi rải rác hai bên, rõ nhất là hai tổn thương giống nhau như soi gương, đối xứng qua một nếp gấp.
Như vậy, khi phát hiện các tổn thương như trên, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh việc tự ý sử dụng các phương pháp không thích hợp, nhằm hạn chế tình trạng bội nhiễm và một số bất lợi có thể xảy ra.
Theo Nông nghiệp Việt Nam