Đánh giá tác động môi trường và xã hội của thủy điện Bình Điền sau hơn ba năm đi vào hoạt động

 

Đó là tên cuộc hội thảo do Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế và Nhóm Tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội (nhóm SEIA, thuộc Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Thừa Thiên Huế) tổ chức, ngày 25/10.

“Hội thảo là dịp để chúng ta nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, khoa học những điều đã làm được, những mặt còn hạn chế nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của thủy điện Bình Điền. Các ngành liên quan như Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp thu các ý kiến của nhóm SEIA để đưa vào hoạt động quản lý của mình”, ông Thọ, lưu ý.

Theo ông Thọ, những vấn đề đáng lưu tâm trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là dự án thủy điện là đánh giá tác động xã hội, tham vấn ý kiến cộng đồng.

Báo cáo của nhóm SEIA về tác động môi trường của thủy điện Bình Điền đã chỉ rõ: “Bên cạnh những ưu điểm, thủy điện Bình Điền còn có nhiều tác động tiêu cực. Cụ thể: Sau khi nhà máy thủy điện Bình Điền đi vào vận hành, trong những năm đầu, chất lượng nước sông Hương giảm, do độ đục và COD tăng, làm tăng chi phí xử lý nước sạch, do đó, làm tăng giá thành nước sạch. Sản lượng cá đánh bắt trên sông Hương giảm từ 50 – 70 % so với thời điểm trước 2009, có một số loài đã biến mất, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông Hương cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài ra, thủy điện Bình Điền còn là một trong những nguyên nhân chính làm giảm lượng cát sạn trên sông Hương (khoảng 50 % so với thời điểm trước năm 2009) .

Về tác động xã hội, báo cáo của nhóm SEIA cho biết, “Phần lớn các cộng đồng tái định cư thủy điện Bình Điền luôn bị rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Đất sản xuất vừa thiếu vừa kém chất lượng. Thiếu nước cho cả sinh hoạt và canh tác. Điều kiện sinh kế không bảo đảm. Phần lớn các giá trị văn hóa dân tộc đang bị mai một dần, đặc biệt là những bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số”.

Các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến, có nhiều ý kiến đồng tình, nhiều ý kiến trái chiều.

Đồng tình với báo cáo của nhóm SEIA, ông Nguyễn Văn Thương, trưởng thôn Bồ Hòn, thôn tái định cư do thủy điện Bình Điền, nói: “Tôi nhất trí cao với nội dung báo cáo liên quan đến chúng tôi. Chúng tôi có nơi ở mới tốt hơn, nhưng kinh tế khó khăn hơn rất nhiều. Trước đây, ở nơi ở cũ, cần gì chúng tôi có nấy. Còn bây giờ, muốn có cái gì cũng cần đến tiền. Tiền rất khó kiếm vì thiếu việc làm. Chúng tôi đang rất cần có đất canh tác và nước sạch”.

Ông Phan Mãn, phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho rằng: “Mọi ý kiến kết luận của nhóm SEIA đều có trong thực tế, với mức độ chính xác có khác nhau, mang tính cảnh báo rất cần thiết, các ngành cần quan tâm xem xét”.

Những ý kiến trái chiều cho rằng, có một số kết luận do nhóm đưa ra nặng tính định tính, độ chính xác khoa học chưa cao, do chủ yếu dựa vào ý kiến người dân, chưa có số liệu quan trắc để kiểm chứng. Đó là vấn đề chất lượng nước sông Hương, là vấn đề giá nước sạch, vấn đề giảm số lượng loài cá trên sông,…

Ông Trần Kim Thành, phó giám đốc Sở NN&PTNN đề nghị: cần nghiên cứu thêm về vấn đề ảnh hưởng của thủy điện Bình Điền đến hàng ngàn ha rừng. Nhóm nghiên cứu cũng cần tiếp cận các cơ quan quản lý nhà nước để có thêm thông tin. Đồng thời, cần đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế những tác động tiêu cực của thủy điện Bình Điền.

Nguyễn Văn Quế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email