Sau nhiều nỗ lực của UBND tỉnh, tình hình đeo bám, chèo kéo du khách tại các điểm di tích thuộc quần thể di sản Huế đã cải thiện. Tuy nhiên, để vấn đề này được giải quyết tận gốc, điều quan trọng nhất là các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn.
Những điểm còn “nhức”
Tại lăng Minh Mạng, đối tượng chèo kéo du khách chủ yếu là những hộ dân có đất dọc theo lối vào lăng từ bãi giữ xe. Vườn của các hộ đã ngăn cách với lối vào lăng bằng dãy hàng rào thép gai, nội xuất ngoại nhập đều khó. Nhưng phía trong phần đất của mình, các hộ dân bày hàng quán để bán. Người dân đều nghèo, hàng bán lại chủ yếu là cây nhà lá vườn, quán xá cũng chỉ là cái lều xộc xệch, tạo hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan trong mắt du khách.
Đội quân bán dạo trước Cửa Ngăn, quảng trường Ngọ Môn |
Thấy chúng tôi, chị Thảnh – người có hàng quán hoành tráng nhất trong dãy quán vì ngoài mấy nải chuối treo lủng lẳng, mấy quả bưởi, còn có thêm mấy chai nước ngọt, gói bánh, đưa lời mời mua hàng. Nhưng khi chúng tôi còn chần chừ, chị buông lời “Chị cho con em xin ít tiền. Tội, con em bị bệnh về não. Đã 5 tuổi rồi mà dặt dẹo ri đây”. Lúc này, chúng tôi mới nhận ra trên chiếc võng bắc chéo qua quán, có một thân thể quắt queo đang cố rướn mắt nhìn. Lân la thêm chuyện, mới hay em bé thiếu may mắn ấy là cháu gọi chị Thảnh bằng dì ruột. Biết rằng việc cho tiền cháu bé cũng là một cách tiếp tay cho hành động xấu hổ của người lớn, nhưng nhìn con trẻ thật không cầm lòng. Vậy mà khi chúng tôi rút tiền cho bé, một người phụ nữ dắt theo một bé gái 3-4 tuổi chạy tới sốt sắng: “Cho con em với”. Ấy là chị Tuyết, người có quán sát bên nhà chị Thảnh. Chúng tôi thắc mắc tại sao mẹ bình thường, con khỏe mạnh mà cũng xin bố thí từ lòng thương hại người ta, lại toàn là khách phương xa, chị rầu rầu: “Tui đi kiếm củi là chính, rảnh mới tranh thủ bán nải chuối, quả bưởi và đứng trong ni xin thôi”.
Ở quảng trường Ngọ Môn, không khí hoạt động của các đối tượng đeo bám, chèo kéo khách du lịch lại “chộn rộn” hơn nhiều. Đối tượng thì rất đa dạng: thợ chụp ảnh dạo, đổi tiền, xích lô, xe thồ và bán đồ vặt… Những đối tượng này không đứng một chỗ mà luôn di chuyển loanh quanh khu vực Thần công, dạt về đường 23 tháng 8 đoạn bia Thị học, Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh, hay bãi cỏ gần khu vực Nhạc Hoa Viên, nhằm tránh lực lượng chức năng và đợi thời cơ. Anh Dương Ngọc Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý bảo vệ (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) cho biết: “Chức năng của chúng tôi là bảo vệ trong khu vực di tích, nên tại điểm công cộng ở quảng trường Ngọ Môn, anh em bảo vệ chỉ có thể đẩy đuổi nhưng vẫn không ăn thua. Các đối tượng chỉ sợ công an. Bóng dáng của một anh công an có khi hơn cả 10 anh bảo vệ của di tích”.
Cần sự đồng lòng
Để đảm bảo trật tự, trị an, vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan trên địa bàn, năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành quy chế (kèm theo Quyết định 1218, ngày 23/5) về sự phối hợp giữa các ban ngành và các cấp chính quyền. Theo đó, nghiêm cấm bán hàng rong với tất cả các mặt hàng dưới mọi hình thức tại các điểm trong và phụ cận cách hàng rào thuộc phạm vi khu vực di tích 50m; nghiêm cấm thực hiện hành vi ăn xin tại các điểm tham quan du lịch… Về trách nhiệm của các cấp các ngành, Công an tỉnh phối hợp và hỗ trợ tối đa công tác lập lại trật tự, trị an tại các điểm di tích lịch sử văn hóa; đồng thời, chỉ đạo công an các huyện, thành phố và các phòng chức năng tham gia tích cực với các cấp, các ngành của tỉnh trong việc xử lý các đối tượng cơ nhỡ đeo bám, bán hàng rong, tranh dành khách. UBND các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng xử lý kịp thời và kiên quyết các trường hợp cơi nới, xây dựng lều quán trái phép. Tuy nhiên, với tình hình đang diễn ra như tại điểm lăng Minh Mạng và Đại Nội, sự phối hợp giữa các ngành chưa thực sự đem lại hiệu quả.
Đối chiếu với điều này, chính quyền xã Hương Thọ vẫn làm cho bà con quanh khu vực lối vào lăng Minh Mạng thấy được nghĩa vụ của mình trong việc cùng chung tay giữ hình ảnh đẹp về con người và văn hóa Huế. Đôi khi, những hàng quán đó chỉ là cái cớ, còn tốt hơn hết vẫn là xin được tiền từ du khách từ “khổ nhục kế”. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn là sĩ diện của người dân và bộ mặt du lịch của Thừa Thiên Huế. Hơn ai hết, trước tiên các cấp các ngành của Hương Thọ cần tăng cường sự tuyên truyền, động viên và tạo điều kiện để các hộ dân tăng thu nhập kinh tế một cách chính đáng.
Còn tại quảng trường Ngọ Môn, trước đây Công an tỉnh đã phân trách nhiệm cho Công an thành phố Huế. Nhưng giữa Công an thành phố và phường Thuận Thành có sự chồng chéo lẫn nhau nên hiệu quả không như mong muốn. Anh Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ Trung tâm BTDTCĐ Huế, cho biết: “Thời gian gần đây, Công an thành phố và Đội Quy tắc đô thị có ra quân nên tình hình trước quảng trường Ngọ Môn được cải thiện đáng kể. Tại đây, rất cần lực lượng công an chốt thường xuyên và giải quyết kịp thời các vi phạm về giao thông, an ninh trật tự… Công an tỉnh chỉ cần giao nhiệm vụ cho một đơn vị cụ thể, ở bất cứ cấp nào để phối hợp với chúng tôi. Khi đó, vấn đề mới được giải quyết tận gốc”.
Đồng Văn (TTH)