Ngay từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại người ta đã biết đến tác dụng của bắp cải, một loại rau mùa đông với giá trị dinh dưỡng, chữa bệnh và làm đẹp tuyệt vời. Chính vì thế mà bắp cải được người La Mã trân trọng gọi là “Loại rau thứ nhất”.
Cũng như các loài cây khác, cải bắp, còn gọi là bắp cải, bắp sú, tên khoa học Brassica oleracea L. var. capitata L., thuộc họ Cải – Brassicaceae. Người Pháp gọi nó là Su (Chon) nên mới có tên sú, bởi các thứ rau gần gũi với cải bắp như su hào, súp lơ,… Là loài rau ôn đới nguồn gốc ở Địa Trung Hải được nhập vào trồng ở nước ta làm rau ăn.
Đông y cho rằng, cải bắp vị ngọt, tính mát, có nhiều tác dụng như bồi dưỡng, trị giun, tẩy uế, trừ sâu bọ, làm dịu đau, chống hoại huyết, lọc máu, chống kích thích thần kinh…Cải bắp đã được sử dụng làm thuốc ở châu Âu từ thời Thượng cổ. Người ta gọi nó là “Thầy thuốc của người nghèo”.
Ngày nay, người ta đã biết nhiều đến công dụng của cải bắp. Trước hết, nó là loại thuốc trị giun tốt. Dùng đắp ngoài để tẩy uế và làm liền sẹo các vết thương, mụn nhọt, các vết thương độc, đồng thời là loại thuốc trừ sâu bọ đốt (ong, ong vò vẽ, nhện…). Cải bắp cũng là thuốc chống hoại huyết, trị lỵ và cung cấp cho cơ thể một yếu tố quan trọng là lưu huỳnh (S). Nước cải bắp dùng lọc máu. Đặc biệt, nó là loại thuốc mạnh để chống kích thích thần kinh, chứng mất ngủ…
Thú vị hơn, là loại bắp cải tím (sở dĩ có màu tím là vì trong nó chứa hàm lượng polyphenol anthocyanin cao. Chất anthocyanin có tính kháng viêm nên giúp cơ thể tránh được hiện tượng lão hóa sớm), nên giúp da đàn hồi, mềm mại do đó ăn bắp cải tím chứa hàm lượng chất chống ôxy hóa cao giúp đem lại làn da đẹp, đàn hồi và mềm mại. Bắp cải tím còn là nguồn phong phú vitamin C và vitamin K.
Tuy nhiên, với bắp cải không dùng cho người tạng hàn, nếu muốn dùng phải phối hợp với gừng tươi. Cải bắp chứa một hàm lượng nhỏ Goitrin là chất có tác dụng chống ôxy hóa nhưng chính nó lại có thể gây bướu cổ. Vì vậy, người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không ăn bắp cải vì sẽ làm tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra. Nếu cần chỉ ăn một lượng vừa phải, trước khi ăn nên cắt từng lá, ngâm rửa rồi thái nhỏ, để 10 – 15 phút rồi mới chế biến, khi ấy Goitrin sẽ bị phân hủy hết.
Những người suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo cũng không dùng bắp cải. Người táo bón, tiểu ít thì không ăn bắp cải sống hoặc dưa bắp cải muối mà phải nấu chín. Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu vài cách trị bệnh từ cải bắp.
* Giảm đau nhức do thấp khớp, thống phong, đau dây thần kinh tọa: Ép cải bắp lấy nước uống, còn bã đắp vào chỗ đau nhức.
* Chữa đau khớp, nhức tay chân, nổi hạch: Lấy lá bắp cải cán dập gân lá, hơ nóng rồi áp lên chỗ đau. Mỗi chỗ đau đắp 3 – 4 miếng lá cải bắp, bên ngoài dùng vải dày áp lên rồi cột lại.
* Chữa ho nhiều đờm: Dùng 80 – 100g cải bắp, nửa lít nước, sắc còn 1/3 cho thêm mật ong uống trong ngày kết hợp ăn bắp cải sống.
* Chữa tiểu đường: Cải bắp có tác dụng làm giảm quá trình đồng hóa glucid và giảm đường huyết. Dùng 100g hàng ngày giúp phòng và trị bệnh tiểu đường type 2.
* Kháng sinh: Nước ép cải bắp có thể chữa viêm họng, viêm phế quản, khản tiếng, phòng chống nhiễm khuẩn, nhiễm nấm ngoài da. Đắp bắp cải ngoài da có thể chữa mụn nhọt và vết sâu bọ đốt.
* Chữa loét dạ dày tá tràng (nước ép bắp cải giúp chóng làm lành vết loét, thành sẹo, nhất là loét dạ dày, ruột): Mỗi ngày ép 1.000ml nước bắp cải, chia làm nhiều lần để uống, mỗi lần khoảng 250ml, uống thay nước, có thể thêm đường hoặc muối. Mỗi đợt điều trị là 2 tháng. Điều trị bằng nước ép bắp cải không có biến chứng gì, có thể kết hợp với các thuốc chữa dạ đày, tá tràng khác.
Cách làm nước ép bắp cải như sau: Bóc từng lá bắp cải lấy cả lá xanh bên ngoài, rửa nhiều lần cho sạch, dọc đôi theo sống từng lá. Chần qua với nước sôi. Vớt ra để ráo nước. Cho vào cối sạch, giã nát, lấy vải màn hay gạc sạch lọc lấy nước. 1kg bắp cải có thể ép được khoảng 500ml nước.
Theo Nông nghiệp Việt Nam