Dấu tích Hindu giáo trên vùng đất Hóa Châu

Hindu giáo hay còn gọi là Ấn giáo là một tôn giáo cổ xưa nhất trong lịch sử châu Á, ra đời khoảng 2.500- 1.500 năm TCN tại Ấn Độ. Hindu giáo không có người sáng lập, không có tín điều, không có quyền lực trung tâm, không có giáo chủ và cũng không có hội đồng giáo sĩ. Các tín đồ sẽ đi theo con đường phải đi, nhưng con đường ấy hoàn toàn phụ thuộc vào người đi tìm. Trong Hindu giáo, con đường đi tới sự tự do trước hết là sự tự do. Hindu giáo có điểm tương đồng với Phật giáo ở chỗ đều tìm sự giải thoát khỏi khổ đau và vô minh, tin vào luân hồi, coi thế giới hiện tại là không thực. Tuy nhiên Hindu giáo xuất phát từ nền tảng triết lý hoàn toàn khác với Phật giáo. Hindu giáo cho rằng Thượng đế là thần tối cao, có mặt khắp nơi, hiện hữu trong đời sống của họ. Còn đối với Phật giáo thì ngược lại, không có thần tối cao, không có linh hồn, chỉ có sự cứu độ chúng sinh.

 

Điển hình của Hindu giáo là ba vị Thần biểu thị cho nguồn gốc của vũ trụ: Brahma (Thần Sáng tạo), Vishnu (Thần Bảo tồn), Shiva (Thần hủy diệt). Trong đó Brahma được sinh ra từ một bông sen mọc từ rốn của Vishnu, một trong ba ngôi hợp nhất. Brahma cầm chuỗi hạt, biểu trưng cho sự trôi qua liên tục của thời gian. Brahma là nguồn tri thức, thấy và biết hết mọi sự, là thầy dạy của nhân loại, bởi ngài có bốn mạt quay về bốn hướng.

Vishnu là vị Thần nhân từ được sùng bái bậc nhất trong các vị thần. Vishnu thường được nhìn thấy trong hình tượng ngủ trên mình con rắn lớn, bồng bềnh trên biển sữa bất tận. Vishnu bảo vệ toàn vũ trụ, cả trái đất, cõi trời và trạng thái của muôn loài.

Đối lập với Vishnu là Thần Shiva- Thần hủy diệt. Shiva thường được thể hiện như một vũ công, mang bên mình ngọn lửa hủy diệt và chiếc trống sáng tạo. Sự hủy diệt này không hoàn toàn tiêu cực mà là điều cần thiết để tạo lập cuộc sống mới.

Chùa Thành Trung tọa lạc trên vùng đất Hóa Châu xưa, được dân làng xây dựng từ năm 1745, sau đó được vua Tự Đức sắc phong là Kim Thành tự. Ngày 17 tháng 10, năm 2007, chùa Thành Trung được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Tại ngôi chùa này đang thờ các pho tượng cổ mang dấu ấn từ thời Chămpa như tượng Phật Thích Ca mang phong cách kiến trúc Amaravati: áo choàng vắt qua vai trái, vai phải để trần, bụng hơi to, hai lòng bàn chân lật lên theo thế kiết già và ưỡn mạnh ra phía ngoài. Amaravati là một trung tâm Phật giáo ở miền Nam Ấn Độ thời cổ đại đã gây ảnh hưởng lớn cho nền nghệ thuật của các nước ở vùng Nam Á.

Tượng thần Vishnu cao 0,8m, đứng thẳng có bốn tay, có trụ đỡ ở một tay- phong cách đặc trưng của nghệ thuật Óc Eo và nghệ thuật Khmer phong cách Kulên có niên đại đầu thế kỷ IX. Trước đây tượng Vishnu được thờ ở gian bên phải từ ngoài nhìn vào. Sau nhiều lần suýt bị kẻ xấu lấy cắp, nay được thờ tại hậu liêu và được bảo vệ cẩn thận.

Vấn đề ở đây là tại sao một pho tượng của Hindu giáo lại được thờ ở trong một ngôi chùa Phật giáo? Phải chăng đây là dấu ấn của sự giao thoa văn hóa Chăm-Việt?

Trước hết phải khẳng định rằng Phật giáo từ Ấn Độ cũng du nhập vào vương quốc Chămpa rất sớm, từ những năm trước và sau công nguyên. Các pho tượng cổ tại chùa Thành Trung đều có nguồn gốc từ thời Chămpa. Năm 1306, sau đám cưới của Chế Mân với Huyền Trân công chúa, Chămpa mất lãnh địa từ đèo Ngang đến Hải Vân. Cư dân Việt tiếp quản vùng đất Châu Ô, châu Rí cùng với những dấu tích văn hóa của Chămpa. Do đó, tại vùng đất này, sự giao thoa văn hóa Chăm-Việt là đương nhiên. Tuy nhiên, nếu lấy hiện tượng hai pho tượng cổ đặc trưng của hai tôn giáo trong một ngôi chùa để nói rằng đây là dấu ấn của sự giao thoa văn hóa là gán ghép, khiên cưỡng.

Theo người dân ở đây thì tượng Vishnu trước đây được thờ ở một ngôi miếu cổ. Sau đó, miếu bị hư hỏng nên dân làng đem vào thờ tại chùa. Điều này nghe có vẻ hợp lý hơn.

Tại huyện Quảng Điền, ngoài tượng Vishnu, còn rất nhiều cổ vật văn hóa Chămpa nằm rải rác trên địa bàn huyện, điển hình như: bia cánh sen ở làng Phú Lương, bò Nandin ở Sịa…

Đây là những cổ vật vô cùng quí giá, thiết nghĩ, huyện nên phối hợp với ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vận động nhân dân tiếp tục sưu tầm và xây dựng một nhà trưng bày các hiện vật văn hóa Chăm để lưu giữ, bảo vệ lâu dài và phục vụ công chúng, trước mắt là giúp cho công tác nghiên cứu văn hóa và có thể phát triển du lịch.

Huệ Nhân

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email