Những đề tài khoa học với giá trị không thể tính bằng tiền

Sẽ khó có thể tính toán một cách cụ thể về hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống. Nhưng phải thừa nhận một thực tế là các đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh đã và đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên các trong hầu khắp các ngành, các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

Từ làng nấm, làng hoa¦

Ông Đỗ Nam – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh mở đầu câu chuyện về hiệu quả của các đề tài khoa học công nghệ (KHCN) với chúng tôi bằng một ví dụ về thành công của máy sấy lạnh vào sấy nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao tại HTX nông nghiệp Phú Lương 1 (Phú Lương, Phú Vang). Đây là chiếc máy do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đặt hàng ở TP Hồ Chí Minh và đầu tư cho HTX. Ưu điểm của máy sấy lạnh là không chỉ giữ được màu sắc và giá trị dinh dưỡng của nấm mà còn giúp HTX tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu dùng để sấy nấm. Thiết bị này cũng có thể được dùng để sấy các thực phẩm, dược phẩm có giá trị cao khác. Với ưu điểm nổi trội này thì máy sấy lạnh sẽ là trợ lực không nhỏ trong việc tiếp tục đưa HTX nông nghiệp Phú Lương 1 vươn lên thành HTX đi đầu về làm nấm ở Thừa Thiên Huế, mở rộng thành làng nghề làm nấm để tăng thu nhập cho bà con nông dân, đồng thời đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu nấm ra nước ngoài. Huyện Phú Vang dự định sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất hàng hoá cho dải 6 xã của Phú Vang từ Phú Lương đến Phú Đa, ông Nam cho biết. Đây là công nghệ sấy đã được ứng dụng nhiều ở các tỉnh nhưng ở Huế thì lần đầu tiên. Tôi vẫn nhắc lại cơ bản là dân sướng, hỏi ông Thụ (Chủ nhiệm HTX Phú Lương – PV) sướng không? Ông bảo có! Thế thì hiệu quả là ở đó chứ ở đâu? Một vụ lúa từ làm đất đến thu hoạch chỉ mất có 9 ngày. Thế thì thời gian nông nhàn người ta sẽ làm gì? Có sản xuất thì có thêm thu nhập, còn nếu không thì ngồi chơi, uống rượu và thậm chí là¦đánh nhau nữa. Câu chuyện không chỉ là kinh tế mà xã hội nữa, ông Nam nói.

Vào dịp Tết này, thị trường hoa Huế đã có thêm nhiều loại hoa cúc mới không phải của Đà Lạt hay Hà Nội chuyển về mà do chính người dân Phú Mậu (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) tự nhân giống và trồng nên. Điều này có được là nhờ việc triển khai Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống hoa cúc ở HTX nông nghiệp Phú Mậu II. Với dự án này, HTX đã có thể chủ động khâu giống mà không phải đi mua giống từ Đà Lạt hay Hà Nội về nữa, chất lượng cây giống lại đảm bảo, không bị hao hụt và giá lại rẻ hơn rất nhiều. Do thời gian trồng ngắn, năng suất cao nên các loại cúc giống mới này cũng hơn hẳn các loại hoa địa phương lâu nay như thọ, cúc kim, cúc thượng hải¦có năng suất thấp, thời gian trồng kéo dài đến 5-6 tháng. Hiệu quả từ mô hình đã được khẳng định khi giờ đây, nhà nào ở Phú Mậu cũng cải tạo vườn tạp, nâng đất lên để trồng hoa – một nghề đem lại thu nhập gấp 20 lần trồng lúa! Và với đà này thì chỉ vài năm nữa thôi, bên cạnh những làng làm nấm, Thừa Thiên Huế sẽ có những làng trồng hoa công nghiệp – một điều tưởng chừng sẽ thật xa vời với mảnh đất miền Trung khí hậu khắc nghiệt nếu như không có ứng dụng KHCN.

Khoa học cũng đã đến được với những vùng cát nội đồng, vùng cát ven biển – nơi xưa nay được coi là đất xấu, không phù hợp với sản xuất nông – lâm – ngư. Nhờ đề tài Điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai vùng cát nội đồng tỉnh TTH phục vụ phát triển nông lâm ngư nghiệp, các nhà khoa học đã tìm ra một lớp kè mà dân gian thường gọi là cát cháy – một trong những nguyên nhân làm cho vùng đất này không sử dụng được, nhưng nếu đục thủng lớp đó thì nguồn nước rất phong phú. Khoa học chỉ ra điều này thì quá tốt còn gì. Rõ ràng nếu không có khoa học chắc chắn trồng ở đây là thất bại, ông Nam khẳng định. Đề tài này cũng chỉ ra được cơ sở khoa học vững chắc cho việc sử dụng hợp lý và hiệu quả vùng đất cát nội đồng vốn lâu nay hoặc còn bỏ hoang hoặc sử dụng không có hiệu quả.

Đến những dự án ximăng, đá ốp lát

Chuyển sang mảng công nghiệp, câu chuyện về hiệu quả khoa học lại bắt đầu với việc sản xuất ximăng. Khoa học chỉ ra rằng dải đá vôi – tức là nguồn nguyên liệu cho xi măng – chỉ kéo dài từ ngoài Bắc đến Thừa Thiên Huế thì kết thúc. Điều đó nói lên là nếu làm xi măng ở đây bán cho khu vực miền Trung thì mình sẽ có lợi thế về khoảng cách vận chuyển. Trong sản xuất lớn, chỉ cần có lợi thế một chút là mình đã thắng rồi. Thắng nhau một chuyện nữa là ở phụ gia. Xưa nay mình toàn phải đi mua ở Quảng Trị vừa chở xa, phụ gia Quảng Trị lại cứng nên muốn nghiền rất tốn nhiên liệu. Nhờ đề tài khoa học Điều tra các loại phụ gia ximăng có trên địa bàn do Viện Địa chất thực hiện, đã chỉ ra rằng, trên đất Thừa Thiên Huế cũng có những loại phụ gia phong phú, rất mềm. Thế là thắng rồi! Khoa học đóng góp là ở đó, ông Nam bảo. Kết quả đề tài này đã giúp cho ngành sản xuất xi măng tỉnh nhà hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là cơ sở luận chứng cho dự án nghiên cứu khả thi thành lập nhà máy ximăng như Đồng Lâm, Nam Đông và sản xuất phụ gia. Giá trị mang lại từ đề tài này có thể nói như ông Đỗ Nam là không thể tính thành tiền!. Cũng là về mảng công nghiệp ximăng, dự án sản xuất thử nghiệm Sản xuất thử nghiệm phụ gia khoáng hoạt tính có ở Thừa Thiên Huế trên dây chuyền công nghiệp sản xuất xi măng nhằm hoàn thiện công nghệ, sản xuất được sản phẩm xi măng PCB30, PCB40 có dùng phụ gia khoáng hoạt tính đảm bảo chất lượng, giá thành hạ. Sản phẩm này đã cung cấp cho nhiều công trình trọng điểm của tỉnh và Tây nguyên.

Kết quả của đề tài Điều tra đánh giá chất lượng, trữ lượng và phân vùng triển vọng các loại đá ốp lát – granit tỉnh Thừa Thiên Huế đã đánh giá được chất lượng, trữ lượng và phân vùng triển vọng các loại đá ốp lát Granit phục vụ quy hoạch khai thác của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu thử nghiệm từ

nhiều đề tài đã đưa sản phẩm của một số doanh nghiệp trở thành sản phẩm có thương hiệu uy tín trên thị trường như phụ gia fuzơlan, men frit¦

Khu du lịch Đảo Ngọc Sơn Chà và giá trị của thông tin khoa học

Luận chứng khoa học kỹ thuật Xây dựng Khu bảo tồn biển Sơn Chà – Hải Vân đã chỉ ra rằng vùng ven biển đảo Sơn Chà – Hải Vân là vùng có tính đa dạng sinh học cao với các loài quý hiếm và đặc hữu, đặc biệt là hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển và cây ngập mặn phát triển ven bờ lục địa đèo Hải Vân. Cùng với hệ sinh thái giàu tiềm năng trên đất liền là Vườn quốc gia Bạch Mã, các hệ sinh thái biển đặc thù ở Sơn Chà – Hải Vân đóng vai trò rất quan trọng về sinh thái và tài nguyên cho vùng trung Trung bộ nước ta¦đây là những kết quả nghiên cứu quan trọng để hình thành khu du lịch Đảo Ngọc Sơn Chà. Bởi Đầm Lập An mình nói tài nguyên thiên nhiên quý nhưng quý ở chỗ nào, thì đề tài đã chỉ ra. Vậy là làm tăng giá trị thương hiệu của khu du lịch Lăng Cô khi bên cạnh bãi biển đẹp còn có khu bảo tồn biển quý giá này, ông Nam nói.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội, đề tài xây dựng chương trình, viết giáo án và dạy thử nghiệm tiếng Tà Ôi, Pa Cô, Ka Tu chưa nghiệm thu, công an, biên phòng đã xin chương trình để mở lớp. Thế là hiệu quả chứ gì nữa!? Các mô hình hay ở chỗ nhiều khi chưa kết thúc, người ta đã bắt chước làm theo. Đang nói chuyện, bỗng Giám đốc Đỗ Nam bảo: Sang năm thế nào tôi cũng quay trở lại Manê (Phong Chương, Phong Điền) – một trong những thành công đầu tiên của khoa học là ở đó. Nhờ vào một

đề tài khoa học nhỏ thôi của bọn mình mà người dân đã đổi đời. Lần đầu tiên khi bọn mình đến đó, không có nhà nào là có cây cột cho thẳng vậy mà sau khi cho giống lúa mới, bày họ cách thức bón phân, nuôi trồng, giúp họ các nghề phụ, đến vụ thu hoạch đầu tiên thóc đầy thôn, không có cả chỗ phơi rơm (vì thôn nhỏ quá, chỉ có 40 hộ sống biệt lập). Sau đó đã đánh động nhiều tổ chức về, giờ Manê đã có trường học hai tầng, có trạm cấp nước,¦

Trên đây mới chỉ là một vài trong số rất nhiều những đề tài KHCN được ứng dụng rộng rãi vào mọi lĩnh vực của đời sống trong những năm qua. Và giá trị mà những đề tài này mang lại là không thể nào tính hết¦

Tùng Chi

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email