Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả

Ngày đưa tin 20/5/2009Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Hội) đã nhận xét như vậy trong bài phát biểu khai mạc hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 5, khóa V của Hội này vừa diễn ra tại thành phố Huế, ngày 15/5.

Ngoài những nội dung đánh giá tình hình hoạt động của Hội trong năm 2008, thông qua chương trình hoạt động của Hội năm 2009, hội nghị đã tập trung thảo luận công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Hội.

Trong năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, Hội đã làm tốt công tác tổ chức, phát triển thêm 3 hội thành viên mới là Hội Khoa học Lịch sử các tỉnh: Sơn La, Nghệ An và Sóc Trăng, đưa tổng số hội thành viên lên 49 hội (23 hội chuyên ngành, 26 hội địa phương), cấp thẻ cho 200 hội viên mới, nâng tổng số hội viên đã được cấp thẻ lên 3000 người. Hội đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quy mô lớn, gây được tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng như hội thảo Thực trạng dạy và học môn lịch sử ở trường phổ thông – nguyên nhân và giải pháp, hội thảo Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa). Hội đã phát huy rõ rệt vai trò của mình trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với nhiều đề án dự án quan trọng như dự án bảo tồn và phát triển Khu di di tích Hoàng thành Thăng Long, đề án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tư vấn trả lại đường 19/12,¦Hoạt động truyền thông, báo chí và xuất bản được tăng cường với tạp chí Xưa và Nay (phát hành rộng rãi trong nước với số lượng 5000 đến 7000 bản mỗi kỳ), triển lãm, xuất bản sách, sinh hoạt sử học, xây dựng website hoisuhoc.vn và Việt Nam thế kỷ 20. Các hội thành viên cũng tổ chức được nhiều hoạt động khởi sắc.

Chương trình hoạt động của Hội trong năm 2009 gồm có 16 nội dung chính. Trong đó, các hoạt động ưu tiên, cần tập trung sức lực của cán bộ và hội viên toàn Hội là chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Hội (dự kiến tổ chức vào năm 2010), tham gia tích cực vào công tác chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, vận động thành lập mới từ 3 đến 5 hội thành viên ở các tỉnh phía Bắc và miền Tây Nam bộ, tăng cường công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội các vấn đề sử học, đưa trang web của hội vào hoạt động chính thức nhằm trao đổi thông tin và quảng bá hình ảnh và hoạt động của Hội, khôi phục Trung tâm Truyền bá trí thức văn hóa và lịch sử, tăng cường quan hệ quốc tế,¦

Phần thảo luận công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu lần thứ VI của Hội diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến tham gia nói lên sự cần thiết phải xây dựng chiến lược phát triển, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động để Hội thực sự có nhiều đóng góp có hiệu quả vào việc giải quyết các vấn đề sử học của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Nguyễn Văn Quế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email