Y học thế kỷ 20 – Bệnh truyền nhiễm và hóa trị, Miễn dịch học

Tác giả: Thuỷ Tiên dịch

Thế kỷ 20 đã tạo ra một loạt khám phá và tiến bộ đến mức mà ở một số khía cạnh, bộ mặt của y học đã thay đổi hoàn toàn so với trước. Ví dụ, vào năm 1901 ở Vương quốc Anh, tuổi thọ kỳ vọng khi sinh, một chỉ số chính về tác động của chăm sóc sức khỏe đối với tỷ lệ tử vong (nhưng cũng phản ánh tình trạng giáo dục sức khỏe, nhà ở và dinh dưỡng), là 48 tuổi đối với nam giới và 51,6 tuổi đối với nữ giới. Các nước công nghiệp phát triển khác cũng có mức tăng đáng kể tương tự. Vào thế kỷ 21, tầm nhìn đã thay đổi đến mức, ngoại trừ những bệnh thường gây tử vong như một số loại ung thư cụ thể, sự chú ý được tập trung vào tình trạng bệnh tật thay vì tử vong, và sự tập trung này đã thay đổi từ việc giữ cho con người sống sót sang việc giữ cho họ khỏe mạnh.

Sự tiến bộ nhanh chóng của y học trong thời đại này được củng cố bởi những cải tiến to lớn trong giao tiếp giữa các nhà khoa học trên khắp thế giới. Thông qua các ấn phẩm, hội nghị, và sau này là máy tính và phương tiện điện tử, họ tự do trao đổi ý tưởng và báo cáo về những nỗ lực của mình. Việc một cá nhân làm việc độc lập không còn phổ biến nữa. Mặc dù sự chuyên môn hóa trong y học ngày càng gia tăng, nhưng làm việc nhóm đã dần trở thành thói quen chung. Do đó, việc gán thành tựu y tế cho một người cụ thể trở nên khó khăn hơn.

Trong nửa đầu thế kỷ 20, việc chống nhiễm trùng tiếp tục được chú trọng, và có nhiều cột mốc đáng chú ý trong lĩnh vực nội tiết học, dinh dưỡng và các lĩnh vực khác. Trong những năm sau Thế chiến II, những hiểu biết sâu sắc từ sinh học tế bào đã làm thay đổi các khái niệm cơ bản về quá trình bệnh tật. Những khám phá mới về hóa sinh và sinh lý học đã mở đường cho các xét nghiệm chẩn đoán chính xác hơn và các phương pháp điều trị hiệu quả hơn, đồng thời những tiến bộ ngoạn mục trong kỹ thuật y sinh cho phép bác sĩ và bác sĩ phẫu thuật thăm dò cấu trúc và chức năng của cơ thể bằng các kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn như siêu âm (sonar), chụp cắt lớp trục vi tính (CAT) và cộng hưởng từ hạt nhân (NMR). Với mỗi sự phát triển khoa học mới, các phương pháp y học chỉ vài năm trước đó đã trở nên lỗi thời.

1. Bệnh truyền nhiễm và hóa trị

Trong thế kỷ 20, nghiên cứu liên tục tập trung vào bản chất của các bệnh truyền nhiễm và cách chúng lây lan. Một số loại như vi khuẩn rickettsias gây ra các bệnh như thương hàn, nhỏ hơn cả vi khuẩn; một số lớn hơn, như ký sinh trùng gây ra bệnh sốt rét và các bệnh nhiệt đới khác. Loại nhỏ nhất được xác định là các loại virus gây ra nhiều bệnh như bệnh quai bị, bệnh sởi, bệnh sởi Đức và bệnh bại liệt. Năm 1910, Peyton Rous đã chỉ ra rằng một loại virus cũng có thể gây ra khối u ác tính, đó là virus bệnh bạch cầu sarcoma ở gà.

Có rất ít phương pháp có thể áp dụng để điều trị cho những người bị nhiễm trùng ngoài việc dùng phương pháp dẫn trạng (như cắt mổ), băng vải và thuốc bôi, đối với những nhiễm trùng cục bộ. Trong trường hợp bệnh nặng, thì biện pháp chính là để cơ thể nghỉ ngơi và cung cấp dinh dưỡng đúng cách. Việc tìm kiếm các phương pháp điều trị mới đã hướng đến cả hai khía cạnh: vaccine và các biện pháp hóa chất.

Phần lớn lịch sử loài người, các bệnh lây truyền là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết. Bệnh viện điều trị bệnh thuỷ đậu Hampstead ở London. Nguồn: Wellcome Collection.

1.1. Ehrlich và arsphenamine

Đức đã dẫn đầu trong việc phát triển và đổi mới trong lĩnh vực y học. Phương pháp tiếp cận khoa học đối với y học đã được phát triển ở đây từ lâu trước khi lan rộng ra các quốc gia khác, và các sinh viên sau đại học từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến các trường y khoa ở Đức. Thập kỷ đầu của thế kỷ 20 được coi là thời kỳ hoàng kim của y học Đức. Trong số những người dẫn đầu xuất sắc đó chính là Paul Ehrlich.

Khi còn là sinh viên, Ehrlich đã thực hiện các nghiên cứu về ngộ độc chì, từ đó ông đã phát triển lý thuyết đã ảnh hưởng đến hướng nghiên cứu và làm việc sau này của ông – rằng một số mô cơ thể cụ thể có sự tương quan chọn lọc đối với một số chất hóa học nhất định. Ông đã thử nghiệm tác động của các chất hóa học khác nhau lên sinh vật gây bệnh. Năm 1910, cùng với đồng nghiệp Sahachiro Hata, ông đã thực hiện các thử nghiệm trên một hợp chất được gọi là arsphenamine, từng được bán trên thị trường dưới tên gọi thương hiệu Salvarsan. Thành công của họ đã mở đầu kỷ nguyên hóa trị liệu, một kỷ nguyên cách mạng hóa việc điều trị và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm. Salvarsan, một hợp chất tổng hợp có chứa asen, có tác dụng tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh giang mai. Cho đến khi thuốc kháng sinh penicillin ra đời, Salvarsan hoặc một trong những biến thể của nó vẫn là phương pháp điều trị bệnh giang mai tiêu chuẩn và đã giúp kiểm soát mối tai họa xã hội và y tế này.

1.2. Thuốc Sulfonamid

Năm 1932, nhà vi khuẩn học người Đức Gerhard Domagk công bố rằng chất nhuộm đỏ Prontosil có tác dụng chống nhiễm trùng liên cầu khuẩn ở chuột và người. Ngay sau đó, các nhà nghiên cứu Pháp đã chứng minh rằng tác nhân kháng vi khuẩn hoạt động của chất nhuộm đỏ Prontosil chính là sulfanilamid. Năm 1936, bác sĩ người Anh Leonard Colebrook và các đồng nghiệp đã cung cấp bằng chứng thuyết phục về hiệu quả của cả Prontosil và sulfanilamide trong bệnh nhiễm trùng huyết do liên cầu khuẩn (nhiễm trùng máu), từ đó mở ra kỷ nguyên sulfonamide. Các loại sulfonamid mới, xuất hiện với tốc độ nhanh chóng đáng kinh ngạc, có hiệu lực cao hơn, phạm vi kháng khuẩn rộng hơn hoặc có độc tính thấp hơn. Có những loại sulfonamide đã chứng minh được tính hiệu quả và độ bền của chúng trong một thời gian dài. Những loại khác, chẳng hạn như sulfanilamide gốc và chất kế tiếp của nó, sulfapyridine, đã được thay thế bằng các chất an toàn hơn và mạnh hơn.

1.3. Thuốc kháng sinh

Penicillin

Một giai đoạn kịch tính trong lịch sử y học xảy ra vào năm 1928, khi Alexander Fleming nhận thấy tác dụng ức chế của một loại nấm mọc một cách ngẫu nhiên trên đĩa nuôi cấy vi khuẩn tụ cầu trong phòng thí nghiệm của ông tại Bệnh viện St. Mary, London. Nhiều nhà vi khuẩn học khác hẳn đã thực hiện quan sát này, nhưng không ai nhận ra những tác động có thể xảy ra. Loại nấm đó là một dòng của Penicillium, P. notatum, đã được đặt tên cho loại thuốc nổi tiếng ngày nay là penicillin. Mặc dù nhận ra tiềm năng của penicillin là một chất kháng khuẩn mạnh, Fleming vẫn không thể hoàn thành công việc của mình, chủ yếu là do các kỹ thuật cần thiết để tách penicillin với một số lượng đủ lớn và đủ tinh khiết để sử dụng trong việc chữa trị cho bệnh nhân chưa được phát triển.

Mười năm sau đó, Howard Florey, Ernst Chain và các đồng nghiệp tại Đại học Oxford đã tiếp tục nghiên cứu vấn đề này. Họ đã phân lập penicillin ở dạng khá tinh khiết (theo tiêu chuẩn thời điểm đó) và đã chứng minh penicillin có khả năng chống vi khuẩn mạnh mẽ và không gây độc tố đáng kể. Khi đó Thế chiến thứ hai đã bắt đầu và Hoa Kỳ đã phát triển các kỹ thuật để sản xuất penicillin hàng loạt. Vào năm 1944, lượng penicillin đã có đủ để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp và phi thường trong thời kỳ chiến tranh.

Thuốc chống lao

Mặc dù penicillin là loại kháng sinh hữu ích nhất và an toàn nhất, nhưng nó cũng có một số nhược điểm nhất định. Nhất là nó không có tác dụng chống lại Mycobacterium tuberculosis, một loại trực khuẩn gây bệnh lao. Tuy nhiên, vào năm 1944, Selman Waksman, Albert Schatz và Elizabeth Bugie đã công bố phát hiện ra streptomycin từ vi khuẩn Streptomyces griseus được lấy từ các nền vi sinh vật đất và khẳng định rằng nó có tác dụng chống lại M. tuberculosis. Các thử nghiệm lâm sàng sau đó đã xác nhận rõ ràng khẳng định này. Tuy nhiên, Streptomycin có nhược điểm lớn là trực khuẩn lao có xu hướng kháng lại nó. May mắn thay, đã tìm thấy các loại thuốc khác có khả năng bổ sung nó trong điều trị bệnh lao, hai loại thuốc quan trọng nhất là axit para-aminosalicylic (PAS) và isoniazid. Với sự kết hợp của hai hoặc nhiều hơn hai loại này, triển vọng trong việc điều trị bệnh lao đã được cải thiện rõ rệt. Mặc dù bệnh lao không bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng đã được kiểm soát tốt.

Các loại kháng sinh khác

Penicillin không có khả năng tiêu diệt hoặc ngăn chặn tất cả các loại vi khuẩn gây bệnh đối với con người. Trong những năm 1950, việc tìm kiếm các loại kháng sinh đã dẫn đến sự phát triển liên tục của nó, một số có phạm vi kháng khuẩn rộng hơn nhiều so với penicillin (gọi là kháng sinh phổ rộng), và một số có khả năng đối phó với những vi khuẩn mà bản chất đã kháng với penicillin hoặc đã phát triển kháng với penicillin qua quá trình tiếp xúc.

Đã có một khoảng thời gian mà xu hướng phát triển đề kháng của vi khuẩn với penicillin đã trở thành một vấn đề nguy cơ, và có mức độ nghiêm trọng như sự phát triển đề kháng của trực khuẩn lao với streptomycin. Thật may là các bác sĩ đã nhận thức sớm về vấn đề này nên việc sử dụng penicilin đã trở nên cẩn thận hơn. Các nhà khoa học tiếp tục tìm cách để thu được các biến thể mới của penicilin và đã dẫn đến việc sản xuất ra một loại kháng sinh được gọi là kháng sinh bán tổng hợp, một số trong đó có thể hoạt động hiệu quả khi được uống qua đường miệng, và có khả năng chống lại các vi khuẩn đã trở nên kháng cự với các biến thể penicilin trước đây.

2. Miễn dịch học

Mặc dù không thể phủ nhận rằng sự tiến bộ trong lĩnh vực hóa trị đã rất đáng kể, nhưng lại không đảm bảo khả năng kiểm soát hoàn toàn các loại virus. Chính sự tiến bộ trong miễn dịch học – nghiên cứu về miễn dịch – đã đóng một vai trò nổi bật trong việc kiểm soát các virus. Một trong những nghịch lý của y học là việc tiêm chủng lớn đầu tiên để ngăn ngừa bệnh do virus gây ra đã được thực hiện từ lâu trước khi các loại virus này được phát hiện và xác định. Khi bác sĩ phẫu thuật người Anh Edward Jenner giới thiệu vaccine chống lại virus gây bệnh đậu mùa, mà nguyên nhân gây bệnh là virus vẫn chưa được xác định trong tương lai 100 năm sau đó. Mặc dù vaccine chống thủy đậu của ông lan rộng nhanh chóng đến Mỹ, các phần còn lại của châu Âu và sớm lan ra khắp thế giới, nhưng phải mất gần nửa thế kỷ nữa người ta mới khám phá ra một phương pháp sản xuất vaccine chống virus vừa an toàn vừa hiệu quả.

Tuy nhiên, trong thời gian đó, quá trình cơ thể phản ứng chống lại các vi khuẩn gây nhiễm trùng để tạo ra khả năng miễn dịch đã được hiểu rõ hơn. Tại Paris, Élie Metchnikoff đã phát hiện ra vai trò của tế bào bạch cầu trong phản ứng miễn dịch và Jules Bordet đã xác định được kháng thể trong huyết thanh. Cơ chế hoạt động của kháng thể đã được sử dụng để tạo ra các xét nghiệm chẩn đoán một số bệnh. Năm 1906, August von Wassermann đã đặt tên mình cho một loại xét nghiệm máu để phát hiện bệnh giang mai, và vào năm 1908, Charles Mantoux đã phát triển xét nghiệm da để tìm bệnh lao. Đồng thời, các phương pháp sản xuất các chất hữu hiệu để tiêm chủng đã được cải tiến, và việc tiêm chủng chống lại các bệnh do vi khuẩn gây ra đã đạt được tiến bộ nhanh chóng.

 2.1. Tiêm chủng kháng khuẩn

2.1.1. Bệnh thương hàn

Năm 1897, nhà vi khuẩn học người Anh Almroth Wright đã giới thiệu một loại vaccine được chế tạo từ trực khuẩn thương hàn đã chết để phòng ngừa bệnh thương hàn. Các thử nghiệm sơ bộ trong quân đội Ấn Độ đã cho kết quả xuất sắc và việc tiêm phòng bệnh thương hàn đã được áp dụng cho quân đội Anh phục vụ trong Chiến tranh Nam Phi. Thật không may, cách thức tiêm chưa được kiểm soát đầy đủ và chính phủ chỉ cho phép tiêm phòng cho những người lính “tự nguyện đến tiêm phòng trước khi lên đường tham chiến”. Kết quả là, theo hồ sơ chính thức, chỉ có 14.626 người tự nguyện tiêm chủng trong tổng số 328.244 người phục vụ trong ba năm chiến tranh. Mặc dù những phân tích sau này cho thấy việc tiêm chủng đã có những tác động tích cực, nhưng có tới 57.684 trường hợp ghi nhận mắc bệnh thương hàn, tương đương khoảng một trong sáu binh sĩ Anh tham gia, với 9.022 trường hợp tử vong.

Một cuộc tranh cãi gay gắt về tác dụng của vaccine đã xảy ra sau đó, nhưng việc tiêm chủng đã chính thức được quân đội áp dụng trước khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Dữ liệu thống kê so sánh đã cho thấy rõ ràng rằng việc tiêm phòng bệnh thương hàn đã có hiệu quả lớn trong việc giảm tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong, thậm chí khi xem xét sự cải thiện về vệ sinh trong cuộc chiến tranh sau này. Trong Chiến tranh Nam Phi, tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng đường ruột hàng năm (thương hàn và phó thương hàn) là 105 trên 1.000 binh sĩ và tỷ lệ tử vong hàng năm là 14,6 trên 1.000 binh sĩ. Các con số tương tự của Thế chiến thứ nhất lần lượt là 2,35 và 0,139.

Có lẽ đó là dấu hiệu cho thấy rằng sau năm 1945, y học đã phát triển mạnh mẽ và khắt khe hơn, nhưng các chuyên gia vẫn chưa đồng tình hoàn toàn về mọi khía cạnh của việc tiêm phòng thương hàn. Không có nghi ngờ gì về hiệu quả cơ bản của nó, nhưng có sự khác biệt đáng kể trong các quan điểm về loại vaccine tốt nhất để sử dụng và cách hiệu quả nhất để tiêm phòng. Hơn nữa, thường rất khó để đánh giá sự suy giảm của sốt thương hàn vì không thể chắc chắn được mức độ nào được gán cho sự cải thiện về điều kiện vệ sinh và mức độ nào được gán cho việc sử dụng vaccine mạnh mẽ hơn.

2.1.2. Bệnh uốn ván

Một mối nguy hiểm lớn khác của chiến tranh đã được kiểm soát trong Thế chiến thứ nhất là bệnh uốn ván. Điều này nhờ vào việc tiêm dự phòng huyết thanh kháng uốn ván cho tất cả những người bị thương. Huyết thanh ban đầu được điều chế bởi các nhà vi khuẩn học Emil von Behring và Shibasaburo Kitasato vào năm 1890–92, và kết quả của cuộc thử nghiệm quy mô lớn đầu tiên này đã khẳng định hiệu quả của nó. (Huyết thanh kháng uốn ván là dung dịch vô trùng chứa globulin kháng thể – một loại protein trong máu – từ ngựa hoặc gia súc đã được tiêm chủng).

Tuy nhiên, phải đến những năm 1930, một loại vaccine hiệu quả, hay còn gọi là giải độc tố (toxoid) trong các trường hợp của bệnh uốn ván và bạch hầu, mới được sản xuất để chống lại bệnh uốn ván. (Giải độc tố uốn ván là một dạng chế phẩm từ độc tố – hoặc chất độc – được tạo ra bởi vi khuẩn. Khi tiêm vào người, nó kích thích các hệ thống tự bảo vệ của cơ thể chống lại bệnh tật, do đó tạo ra sự miễn dịch). Một lần nữa, chiến tranh đã tạo cơ hội để tiến hành thử nghiệm trên quy mô lớn, việc sử dụng giải độc tố uốn ván trong Thế chiến thứ hai cho thấy nó đã mang lại mức độ bảo vệ cao.

2.1.3. Bệnh bạch hầu

Câu chuyện về bệnh bạch hầu tương tự với căn bệnh uốn ván, mặc dù còn kịch tính hơn. Đầu tiên, tương tự việc sản xuất huyết thanh kháng độc tố uốn ván, Behring và Kitasato đã bào chế ra huyết thanh kháng độc tố bạch hầu vào năm 1890. Khi huyết thanh kháng độc tố này được sử dụng rộng rãi để điều trị các ca bệnh, thì tỷ lệ tử vong đã bắt đầu giảm bớt. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh không giảm đáng kể cho đến khi hỗn hợp độc tố-kháng độc, được Behring giới thiệu vào năm 1913, được sử dụng để chủng ngừa cho trẻ em. Một loại độc tố hiệu quả hơn đã được nhà vi khuẩn học người Pháp Gaston Ramon giới thiệu vào năm 1923, và với các cải tiến sau này, loại độc tố này đã trở thành một trong những loại vaccine hiệu quả nhất hiện có trong y học. Việc tiêm phòng hàng loạt cho trẻ em như ở Hoa Kỳ và Canada bắt đầu vào cuối những năm 1930 và ở Anh và xứ Wales vào đầu những năm 1940, thì các trường hợp mắc bệnh bạch hầu và tử vong do căn bệnh này gần như không tồn tại. Ví dụ, ở Anh và xứ Wales, số ca tử vong đã giảm từ mức trung bình hàng năm là 1.830 trong giai đoạn 1940–44 xuống 0 vào năm 1969.

Việc tiêm vaccine kết hợp chống bệnh bạch hầu, ho gà (ho cảm) và uốn ván (DPT) đã được khuyến nghị cho trẻ nhỏ. Mặc dù ban đầu đã có báo cáo về các tác dụng phụ nguy hiểm từ vaccine DPT, nhưng sau đó vaccine này đã được cải tiến. Các loại vaccine kết hợp hiện đại chống cảm cúm, uốn ván và ho gà nhìn chung an toàn và được sử dụng ở hầu hết các quốc gia vì khả năng bảo vệ mà chúng mang lại.

Behring đã hợp tác với ngành công nghiệp sản xuất liều lượng lớn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Nguồn: https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fimmu.2019.00684/

2.1.4. Vaccine BCG phòng bệnh lao

Nếu phòng bệnh hơn chữa bệnh được chấp nhận rộng rãi, thì tiêm chủng là cách lý tưởng để đối phó với các bệnh do vi sinh vật gây ra. Một loại vaccine an toàn hiệu quả sẽ bảo vệ cá nhân khỏi bệnh tật, trong khi hóa trị liệu chỉ đối phó với tình trạng nhiễm trùng một khi cá nhân đã bị ảnh hưởng. Tuy giá trị của nó không thể chối cãi, nhưng tiêm chủng vẫn là vấn đề thường xuyên gây ra nhiều tranh cãi. Giống như việc tiêm phòng bệnh thương hàn (và sau đó là phòng bệnh bại liệt), tiêm phòng bệnh lao đã gây ra nhiều tranh cãi rộng rãi.

Năm 1908, Albert Calmette, một học trò của Pasteur, và Camille Guérin đã tạo ra một chủng trực khuẩn lao không gây bệnh (yếu). Khoảng 13 năm sau, vaccine phòng bệnh lao cho trẻ em đã được giới thiệu,  với một loại vaccine được làm từ dòng vi khuẩn yếu này và được biết đến với tên gọi là vaccine BCG (bacillus Calmette-Guérin). Mặc dù nó đã được áp dụng tại Pháp, khu vực Bắc Âu và các nơi khác, nhưng chính quyền Anh và Mỹ không tán thành việc sử dụng nó với lý do rằng nó không an toàn và bằng chứng thống kê ủng hộ nó không thuyết phục.

Một trong những trở ngại đầu tiên trong việc áp dụng rộng rãi của vaccine này là những gì sau này được biết đến với tên gọi “thảm họa Lübeck”. Vào mùa xuân năm 1930 tại Lübeck, Đức, 249 trẻ sơ sinh đã được tiêm vaccine BCG và đến mùa thu, 73 trong số 249 trẻ đã qua đời. Quyết định hình sự đã được đưa ra đối với những người chịu trách nhiệm về việc tiêm vaccine. Phán quyết cuối cùng là vaccine đã bị nhiễm khuẩn và bản thân vaccine BCG được miễn trừ mọi trách nhiệm về nguyên nhân gây tử vong. Một cuộc tranh cãi gay gắt đã xảy ra sau đó, nhưng cuối cùng, những người ủng hộ vaccine đã thắng khi một cuộc thử nghiệm bổ sung đã chỉ ra rằng vaccine này an toàn và nó bảo vệ được 4 trong số 5 người được tiêm chủng.

2.2. Tiêm chủng chống lại các bệnh do virus

Ngoại trừ bệnh đậu mùa, phải đến thế kỷ 20, mới có sẵn các loại vaccine chống virus hiệu quả. Trên thực tế, phải đến những năm 1930 người ta mới biết nhiều về virus. Hai sự phát triển quan trọng nhất góp phần vào sự gia tăng nhanh chóng của kiến thức sau thời gian đó là việc giới thiệu kỹ thuật nuôi cấy tế bào như một phương tiện để phát triển virus trong phòng thí nghiệm và việc sử dụng kính hiển vi điện tử. Sau khi virus có thể được nuôi cấy tương đối dễ dàng trong phòng thí nghiệm, nhân viên nghiên cứu có thể nghiên cứu nó một cách cẩn thận và phát triển các phương pháp sản xuất một trong hai yêu cầu đối với vaccine an toàn và hiệu quả: hoặc một loại virus bị làm yếu đi, mất đi khả năng gây bệnh mà nó thường gây ra khi ở dạng mạnh; hoặc một loại virus đã bị tiêu diệt nhưng vẫn có khả năng tạo ra phản ứng kháng thể bảo vệ ở người được tiêm chủng.

Vaccine virus đầu tiên được tạo ra từ những tiến bộ này là vaccine sốt vàng da, do nhà vi trùng học Max Theiler phát triển vào cuối những năm 1930. Khoảng năm 1945, một loại vaccine tương đối hiệu quả đầu tiên được sản xuất để phòng bệnh cúm; năm 1954, bác sĩ người Mỹ Jonas Salk đã giới thiệu một loại vaccine phòng bệnh bại liệt; và vào năm 1960, vaccine bại liệt đường uống do nhà virus học Albert Sabin phát triển đã được sử dụng rộng rãi.

Những loại vaccine đã đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát ba trong số các căn bệnh lớn của thời kỳ đó – mặc dù, trong trường hợp của cảm cúm, một vấn đề lớn là khả năng thay đổi tính chất của virus từ đợt dịch này sang đợt dịch khác. Mặc dù vậy, cũng đã đạt được tiến bộ đầy đủ để giảm nguy cơ xảy ra một đại dịch như đại dịch cúm năm 1918–19, khiến khoảng 25 triệu người thiệt mạng. Các trung tâm y tế đã được trang bị để theo dõi sự bùng phát của cảm cúm trên toàn cầu để xác định danh tính của các virus gây bệnh và nếu cần, tiến hành các biện pháp để sản xuất vaccine phù hợp.

Trong những năm 1960, vaccine hiệu quả đã được sử dụng cho bệnh sởi và rubella (sởi Đức). Cả hai đều gây ra một số tranh cãi nhất định. Trong trường hợp bệnh sởi ở thế giới phương Tây, người ta cho rằng, nếu mắc phải từ thời thơ ấu, thì bệnh sởi không gây ra nhiều nguy cơ hay rủi ro đặc biệt cho sức khỏe và bệnh sởi tự nhiên khi mắc tạo ra sự miễn dịch vĩnh viễn trong phần lớn các trường hợp. Ngược lại, vaccine ban đầu gây ra một số phản ứng bất lợi nhất định và thời gian miễn dịch mà nó tạo ra có vấn đề. Năm 1968, một loại vaccine sởi cải tiến đã được phát triển. Đến năm 2000, bệnh sởi đã được loại bỏ khỏi Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những sai sót trong tiêm chủng sau đó đã dẫn đến sự xuất hiện lại của bệnh này.

Tình hình tiêm phòng rubella lại khác. Về cơ bản đây là một bệnh nhẹ, và nguyên nhân duy nhất để lo ngại là khả năng gây ra các dị tật bẩm sinh nếu một phụ nữ mang thai mắc phải căn bệnh này. Một khi đã có vaccine hiệu quả, vấn đề là trong mức độ nào nó nên được sử dụng. Cuối cùng, mọi người đã đạt được sự đồng thuận rằng tất cả các bé gái chưa mắc bệnh này nên được tiêm phòng vào khoảng 12 tuổi. Tại Hoa Kỳ, trẻ em được tiêm chủng định kỳ phòng bệnh sởi, quai bị và rubella khi được 15 tháng tuổi.

Trẻ em tại thành phố New York đứng xếp hàng để tiêm chủng, khoảng năm 1944. Hình ảnh của Thư viện Quốc hội cung cấp. Nguồn: https://www.oah.org/tah/august-2/vaccination-resistance/

2.3. Phản ứng miễn dịch

Với những tiến bộ trong sinh học tế bào vào nửa sau thế kỷ 20, người ta đã hiểu biết sâu sắc hơn về cả tình trạng bình thường và bất thường trong cơ thể. Kính hiển vi điện tử cho phép người quan sát nhìn sâu hơn vào cấu trúc của tế bào và các nghiên cứu hóa học đã cho thấy manh mối về chức năng của chúng trong quá trình trao đổi chất phức tạp của tế bào. Tầm quan trọng vượt trội của DNA vật liệu di truyền hạt nhân (axit deoxyribonucleic) trong việc điều chỉnh các dây chuyền sản xuất protein và enzyme của tế bào đã trở nên rõ ràng. Một sự hiểu biết rõ ràng hơn cũng nảy sinh về cách mà các tế bào trong cơ thể tự bảo vệ bằng cách điều chỉnh hoạt động hóa học của chúng để tạo ra kháng thể chống lại các tác nhân gây hại.

Cho đến thế kỷ 20, khả năng miễn dịch chủ yếu đề cập đến phương tiện đề kháng của động vật trước sự xâm nhập của ký sinh trùng hoặc vi sinh vật. Tuy nhiên, vào khoảng giữa thế kỷ 20, ngày càng có nhiều nhận thức rằng miễn dịch và miễn dịch học bao trùm một lĩnh vực rộng hơn nhiều và liên quan đến các cơ chế bảo tồn tính toàn vẹn của cá thể. Sự ra đời của cấy ghép nội tạng, cùng với biến chứng đáng sợ của việc từ chối mô cơ quan cấy ghép, đã làm cho những khía cạnh rộng hơn của lĩnh vực miễn dịch trở nên quan trọng hơn và nổi bật hơn.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng bắt đầu đánh giá cao ý nghĩa sâu rộng của khả năng miễn dịch liên quan đến nội tiết, di truyền, sinh học khối u và sinh học của một số bệnh tật khác. Cái gọi là bệnh tự miễn dịch được phát hiện là do một loạt các phản ứng miễn dịch bất thường, trong đó tế bào của cơ thể tự tấn công. Người ta ngày càng nghi ngờ rằng một số rối loạn chính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp và bệnh đa xơ cứng, đều có liên quan đến các cơ chế tương tự.

Trong một số điều kiện, người ta phát hiện thấy  virus xâm nhập vào vật liệu di truyền của tế bào và làm biến dạng quá trình trao đổi chất của chúng. Những virus như vậy có thể nằm im trong nhiều năm trước khi hoạt động. Điều này được phát hiện là nguyên nhân cơ bản của một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát (gây ra bởi virus viêm gan C) và bệnh bạch cầu tế bào T ở người trưởng thành (gây ra bởi virus lymphotropic tế bào T ở người loại I, hay HTLV-I). Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) được phát hiện là do virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), loại virus này có thời gian ngủ yên kéo dài và sau đó tấn công các tế bào T (tế bào miễn dịch sản sinh ra kháng thể). Kết quả là người bị ảnh hưởng không thể tạo ra phản ứng miễn dịch với các nhiễm khuẩn hoặc khối u ác tính.

Bài trước: https://husta.vn/su-phat-trien-cua-y-hoc-khoa-hoc-trong-the-ky-19/ 

Bài sau: https://husta.vn/y-hoc-the-ky-20-noi-tiet-hoc-vitamin-benh-ac-tinh-y-hoc-nhiet-doi/

Nguồn dịch: https://www.britannica.com/science/history-of-medicine/Medicine-in-the-20th-century

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email